Sinh năm 1952, lớn lên tại vùng đất Vĩnh Quang, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa, sau khi học xong bậc trung học cơ sở, cô Nhinh tình nguyện tham gia vào đội du kích của xã và học thêm lớp Kế toán tín dụng, lớp Ngân hàng và về công tác ở Ngân hàng huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1975, tại đây cô được kết nạp vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Những đảng viên luôn tiên phong đi đầu như cô Phạm Thị Nhinh đã góp phần giúp mảnh đất Chư Păh đổi mới, giàu đẹp. |
Năm 1996, cô Nhinh cùng gia đình vào Tây Nguyên lập nghiệp với mong muốn sau này cuộc sống sẽ tốt hơn. Cô kể: Khi mới vào Tây Nguyên, điều kiện kinh tế còn khó khăn, gia đình dồn hết tiền mới đủ để mua được 5 sào cà phê. Lúc vào vụ dù có được nguồn thu, nhưng gia đình có tới 6 miệng ăn, cứ trông chờ vào mảnh vườn nhỏ thì không đủ ăn nên ai thuê gì cô cũng đi làm. Vì nhà chưa có phương tiện di chuyển nên có những lúc cô phải mượn xe đạp đi vào tận Đắk Lắk để hái cà phê thuê kiếm thêm thu nhập. Có được một số vốn, cô Nhinh liền bàn với gia đình, mua thêm con bò, con lợn về nuôi. Nhờ sự chịu thương chịu khó, năm 1999 gia đình cô đã mua thêm được 1 ha cà phê, từ đó kinh tế của gia đình dần vững vàng và đi vào ổn định.
Năm 1996, chi bộ xã Hòa Phú chỉ có 8 đảng viên, gồm 2 đồng chí làm cán bộ, 6 đồng chí là nông dân, trong đó có cô Nhinh. Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn, dân cư thưa thớt, đường sá xa xôi, nhưng cô và các đảng viên khác đều tham gia sinh hoạt Đảng định kỳ, không bỏ sót một buổi nào. Lúc ấy, cả làng Bối chỉ có một mình cô là đảng viên, nên mọi công việc được các đồng chí cấp trên giao phó, nhất là công tác phát triển Đảng, cô Nhinh đều thực hiện một mình. Cô cho hay, vì làng Bối khi ấy chủ yếu là đồng bào Jarai, cộng thêm khó khăn trong việc nắm bắt địa bàn, bất đồng ngôn ngữ nên công việc của cô vô cùng khó khăn. Cô thường xuyên phải đến từng gia đình vận động, phát hiện ra những quần chúng ưu tú để giới thiệu vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tuy khó khăn gian khổ là vậy, nhưng chưa lúc nào cô Nhinh vơi đi nhiệt huyết, lơ là nhiệm vụ của mình.
Chính nhờ sự quyết tâm và giữ vững tinh thần ấy, năm 2002 cô Nhinh được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Phú và trở thành Chủ tịch Hội Nông dân vào năm 2007. Không phụ lòng kỳ vọng của chính quyền và nhân dân, cô đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, giúp đỡ bà con đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Cô chia sẻ, vì được sinh ra tại vùng quê nghèo, chuyên canh cây lúa nước nên cô nắm khá rõ kỹ thuật trồng và chăm sóc lúa, từ đó áp dụng và truyền lại cho bà con, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, góp một phần không nhỏ vào sự đổi thay của xã Hòa Phú ngày nay.
Năm 2012, khi bước sang tuổi lục tuần, cô Nhinh quyết định lui về chăm sóc vườn và đảm nhận cương vị mới là Bí thư Chi bộ làng Bối, gánh vác trách nhiệm trong công tác phát triển Đảng ở cơ sở. Cô cho biết: “Giờ cô có tuổi rồi, chẳng biết còn sống được bao lâu. Nhưng nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó, mình sẽ cố gắng hoàn thành tốt, để không phụ lòng tin của Đảng và nhân dân”.
Không chỉ hoàn thành tốt công việc được giao phó, cô Nhinh còn thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Cô nói: “Trước kia cô khổ quá rồi, nay tuy chưa thể gọi là khá giả nhưng cũng tạm ổn về kinh tế, nên khi thấy những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cô đồng cảm và giúp đỡ. Tính ra cũng chẳng đáng là bao, chỉ giúp con gà, con lợn để họ nhân giống phát triển kinh tế”. Bà Hà Thị Kim Đông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú cho biết: “Cô Nhinh luôn đi đầu trong công tác phát triển Đảng, hàng năm đều lập ra các kế hoạch cụ thể để thực hiện tốt công việc. Không những thế, cô cũng là người hòa đồng, vui vẻ, làm kinh tế giỏi và thường xuyên giúp đỡ các gia đình khó khăn, được mọi người yêu mến”. Đến nay, ngoài 1,5 ha cà phê cô còn “tậu” thêm cho hai người con trai đã lập gia đình hơn 6 ha cao su tại tỉnh Kon Tum. Mỗi năm, gia đình cô thu hoạch trung bình 30 tấn cà phê tươi, sau khi trừ chi phí cũng thu về khoảng 120 - 150 triệu đồng.
Với những thành tích đã đạt được, cô Nhinh đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Huy chương kháng chiến hạng Nhì, Kỷ niệm chương của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bằng khen của Hội Nông dân tỉnh và nhiều phần thưởng cao quý khác. Năm 2015, nữ đảng viên Phạm Thị Nhinh vinh dự được nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.