Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh cho biết, việc thành lập Trung tâm an sinh nhằm tập trung chia sẻ, hỗ trợ người dân bị tác động bởi dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố theo quan điểm “không để người lao động mất việc làm lâm vào khó khăn cùng cực, trường hợp đặc biệt khó khăn như những người bán vé số, xe ôm, buôn gánh bán bưng, kiếm sống hàng ngày trên đường phố, những người yếu thế trong xã hội”.
"Từ khi dịch bệnh xuất hiện, lãnh đạo Thành phố luôn xác định việc ổn định đời sống của người dân, duy trì sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là mục tiêu quan trong nhất để cùng nhau vượt qua khó khăn trong lúc này", bà Tô Thị Bích Châu cho biết.
Theo đó, Trung tâm an sinh có 19 thành viên, thực hiện nhiệm vụ chính là tiếp nhận và quản lý các nguồn tài trợ hàng hóa của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, lực lượng tham gia phòng chống dịch; phối hợp rà soát nhu cầu, tổ chức phân phối nguồn hàng tài trợ đến những người dân nghèo, cận nghèo, những người dân gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 phải tạm thời nghỉ việc, ảnh hưởng đến đời sống hàng ngày cùng các bệnh nhân, đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, bệnh viện điều trị COVID-19 và bệnh viện hồi sức; kiểm tra, giám sát việc điều phối, phân phối nguồn hàng tài trợ đến các đối tượng theo nguyên tắc “đúng đối tượng, đúng nhu cầu”.
Theo UBMTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, vừa qua, hệ thống Mặt trận, đoàn thể các cấp đã triển khai nhiều giải pháp, góp phần tích cực cho công tác phòng chống dịch của Thành phố: tổ chức vận động tiếp nhận kinh phí, hàng hóa, trang thiết bị y tế, vật phẩm y tế, lương thực, thực phẩm… của các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước, người Việt Nam ở nước ngoài và các tỉnh, thành.
Tính đến nay, TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận kinh phí phòng, chống COVID-19 hơn 3.120 tỷ đồng và đã phân phối tiền, hàng trị giá gần 3.000 tỷ đồng đến nhân dân thành phố và các lực lượng tuyến đầu.
Mặt khác, từ khi TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội, Thành phố đã huy động nhiều lực lượng chung tay chăm lo cho người dân với các mô hình hay như: vận động chủ nhà trọ giảm giá hoặc miễn phí phòng trọ cho công nhân, người nghèo, hộ cận nghèo…; mô hình “Gian hàng 0 đồng”, “Bếp ăn yêu thương”, “Siêu thị nghĩa tình”, “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ tình nguyện đi chợ giúp dân”, “Quà đến tận nhà”, “Shipper tình nguyện”, ATM gạo, ATM thực phẩm, ATM khẩu trang và mới đây là mô hình ATM oxy đã được hình thành.
"Trong gian khó, tình người càng tỏa sáng. Người Thành phố trước giờ luôn giàu nhân ái, nghĩa tình; mặc dù dịch bệnh đã khiến nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh gặp khó khăn chồng chất, tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chấp nhận phần thiệt thòi nhất về mình, nhưng rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp vẫn nhiệt tình tham gia đóng góp, hỗ trợ trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19. Tính đến nay, các đơn vị, doanh nghiệp, đoàn thể đã ủng hộ quỹ mua vaccine phòng dịch với hơn 2.300 tỷ đồng, trong đó có 300 tỷ đồng là tiền mặt, còn lại là tặng vaccine cho Thành phố", bà Tô Thị Bích Châu chia sẻ.
Báo Tin tức xin gửi đến độc giả những hình ảnh người dân vui vẻ nhận quà an sinh trong mùa dịch: