Những đóng góp thầm lặng

Bên cạnh việc thăm khám, điều trị ban đầu, các y, bác sĩ, điều dưỡng tại các trung tâm điều dưỡng thương binh còn có thêm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng những bệnh nhân đặc biệt, nên công việc của họ được gọi là “nghề đặc biệt”.

“Tôi chưa từng nghĩ sẽ từ bỏ” 

1 giờ sáng, Điều dưỡng trưởng Đỗ Thị Thúy của khoa điều trị III, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng (Hà Nam) vội vã cầm theo đèn pin đi kiểm tra các phòng bệnh. “Đây là một trong những nhiệm vụ của kíp trực, trung bình khoảng 30 phút đến một tiếng đi kiểm tra một lần. Mùa đông thì bật đèn sưởi, mùa hè thì chỉnh nhiệt độ điều hòa cho các bác. Vì nhiều bác không còn tỉnh táo, nên khi ngủ quên tắt điện, quên đóng cửa sổ, lại làm rơi chăn... Việc kiểm tra nhằm đảm bảo theo dõi được sức khỏe các bác tốt nhất”, chị Đỗ Thị Thúy chia sẻ.

Hơn 20 năm công tác, từng là một cô điều dưỡng trẻ, sẵn sàng từ chối cơ hội làm việc tại một bệnh viện lớn, chị Đỗ Thị Thúy giờ đây vẫn luôn tự hào với nghề đã chọn. Với chị, trung tâm là nơi để cống hiến và mỗi bệnh nhân đều như những người thân trong gia đình. 

Chú thích ảnh
Điều dưỡng Đỗ Thị Thúy đến từng buồng bệnh kiểm tra sức khỏe các bệnh nhân.

Chia sẻ về đặc thù công việc, Điều dưỡng Đỗ Thị Thúy cho biết: “Các bệnh nhân đã từng là những công binh, bộ binh, đặc công trinh sát vô cùng quả cảm, bước ra từ cuộc kháng chiến vệ quốc. Di chứng từ bom đạn, chất độc điôxin để lại hậu quả nặng nề, những cơn đau triền miên cứ thế giằng xé thân xác những người lính già mỗi đêm. Trường hợp bệnh nhân mất hẳn ý thức, không kiểm soát được hành vi, lời nói của mình, dẫn đến trạng thái kích động, hành hung nhân viên y tế hoặc các bệnh nhân khác... đó là những thử thách lớn nhất. Vì vậy, trong những kíp trực, các bác sĩ gần như thức trắng đêm, để có thể đảm bảo an toàn sức khỏe và tính mạng của các thương, bệnh binh...”. 

Thực tế điều trị, chăm sóc các bệnh nhân bình thường đã khó, trực tiếp chăm sóc những bệnh nhân bị tổn thương về thần kinh, tâm thần càng khó khăn gấp bội. Luôn coi bệnh nhân như người trong gia đình, chịu khó, nhẫn nại và đặc biệt, đặt chữ “tâm” lên hàng đầu là những điều mà cán bộ, nhân viên chăm sóc y tế tại Trung tâm thường động viên nhau.

Chú thích ảnh
Điều dưỡng trưởng Đỗ Thị Thúy là người đã gắn bó với những thương, bệnh binh suốt hơn 20 năm qua.

“27 năm gắn bó, trải qua bao thử thách, áp lực công việc, đôi khi khiến tôi chùn bước, nhưng chưa bao giờ tôi nghĩ đến việc từ bỏ. Chừng đó thời gian làm việc, tôi đã chứng kiến bao mảnh đời, số phận và cả sự ra đi trong đau đớn, bệnh tật của các bác thương, bệnh binh. Họ đã đánh đổi tuổi trẻ, xương máu và cả cuộc đời cho hòa bình dân tộc. So với tất cả điều đó, sự vất vả của chúng tôi có đáng gì...”, Điều dưỡng Đỗ Thị Thúy chia sẻ. 

Lương y như từ mẫu

6 giờ 30 sáng tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng, các nhân viên y tế cùng bệnh nhân bắt đầu ngày mới bằng những động tác thể dục nhẹ nhàng. Việc điều trị, chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ cho tới bộ quần áo, thậm chí là công tác vệ sinh cá nhân của thương bệnh binh cũng đều do những điều dưỡng, hộ lý trực tiếp thực hiện. Bên cạnh là thầy thuốc, họ còn kiêm cả vai trò của chuyên gia tâm lý, thợ cắt tóc, có khi lại là nhà thơ, ca sĩ... để bệnh nhân được hòa nhập, được chăm sóc tốt nhất.

Chú thích ảnh
Định kỳ, các thương bệnh binh sẽ được cắt tóc, cắt móng tay, móng chân để đảm bảo vệ sinh.

Với nhiều điều dưỡng trẻ vừa về trung tâm công tác, không ai tránh khỏi những bỡ ngỡ, đôi khi là cả sự sợ hãi. Điều dưỡng Lê Đức Anh (Khoa Điều trị III) tâm sự: “Tôi nhớ như in ngày vừa về, có bác đang bình thường, bất chợt đứng dậy, ánh mắt khác lạ, đuổi đánh một cán bộ y tế và luôn miệng hô “xung phong”. Tôi sững sờ. Dần dần, qua nói chuyện mới biết, đó là những lúc ký ức của một thời bom đạn thoáng trở về trong tiềm thức của các bác... 

Chú thích ảnh
Với những bệnh nhân nặng, việc ăn uống đều cần sự trợ giúp của các nhân viên y tế.

Vất vả hơn là những lần bệnh nhân trở bệnh, phải chuyển lên tuyến trên điều trị, các khoa đều phải cử từ một đến hai điều dưỡng đi cùng. Bởi có nhiều bệnh nhân không còn người nhà, phần đời còn lại đều gửi gắm ở đây. Hoặc dù có người nhà đi cùng, nhưng người hiểu tâm lý, thói quen của các bác lại chỉ có những nhân viên y tế đã gắn bó cùng họ...

Ông Phạm Ngọc Thắng, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Kim Bảng cho biết, do đặc thù công việc, đời sống của đội ngũ cán bộ, điều dưỡng tại trung tâm luôn được lãnh đạo ngành đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện tối đa. Tuy nhiên, với những người đã khoác lên mình chiếc áo "blouse trắng", được nhìn thấy bệnh nhân của mình phục hồi sức khỏe, trí lực, được phục vụ và chăm sóc những người có công với cách mạng, đó mới là những phần thưởng quý giá nhất. 

Chú thích ảnh
Công tác kiểm tra sức khỏe hàng ngày cho các bệnh nhân.

Vội vã trở lại sau ca cấp cứu bất chợt, trên gương mặt lấm tấm mồ hôi của điều dưỡng Đỗ Thị Thúy vẫn thoáng nét lo âu. Những ngày này, trời rét tê tái, các bác tuổi cao dễ đổ bệnh. Không một lời than thở mệt nhọc, sau những vất vả ấy, điều khiến các y, bác sĩ ở trung tâm trăn trở nhất vẫn là sức khỏe bệnh nhân. Nhìn cách họ tất tả chuẩn bị quà, chuẩn bị quần áo, thuốc uống rồi bịn rịn chia tay những bệnh nhân được người nhà đón về mới thấy, họ dành tình cảm cho các bác nhiều đến chừng nào.

Các y, bác sĩ tại đây đều mỉm cười tươi vui trước công việc đang làm, đó là điều đáng tự hào nhất. Được chăm sóc và đồng hành cùng các thương bệnh binh chính là cách để bày tỏ sự tri ân tới những thế hệ cha anh đã hy sinh cuộc đời, giành lấy hòa bình cho đất nước hôm nay. Và để gắn bó được với nghề, ngoài chuyên môn nghiệp vụ, ngoài tinh thần trách nhiệm, hơn tất thảy, đó là tình yêu thương.

Phương Mai/Báo Tin tức
Người thầy thuốc được vinh danh thế giới sau 30 năm tận tụy với ngành nhãn khoa
Người thầy thuốc được vinh danh thế giới sau 30 năm tận tụy với ngành nhãn khoa

Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thanh Triết - Giám đốc Bệnh viện Mắt Bình Định được biết đến là người có trình độ chuyên môn cao, luôn tận tụy, hết mình với công việc, có những đóng góp to lớn cho công tác khám chữa bệnh về mắt cho người dân và phòng, chống mù lòa cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN