Tài xế kiêm bốc vác
Trong những ngày Hà Nội giãn cách, người dân ai ở yên đó thì nhóm “Xe 0 đồng” lại trải qua những ngày bận rộn hơn bao giờ hết. Nhóm “Xe 0 đồng” tại Hà Nội với khoảng 50 tài xế là nhân viên văn phòng, giám đốc công ty, chủ quán bia… không kể ngày đêm vận chuyển miễn phí nhu yếu phẩm, trang thiết bị y tế chống dịch cho các đơn vị, đội nhóm thiện nguyện.
Anh Lỗ Minh Tuấn, trưởng nhóm “Xe 0 đồng” cho biết, nhóm thành lập từ tháng 5/2021, ban đầu chỉ là vài người chơi cùng nhau, thực hiện vận chuyển hàng hóa, thiết bị y tế ủng hộ tâm dịch Bắc Ninh, Bắc Giang. Đến tháng 7, khi dịch COVID-19 bùng phát, Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các tài xế không chuyên lại tập hợp nhau, hoạt động theo tiêu chí 0 đồng.
“Hiện ở Hà Nội có nhiều nhóm từ thiện nhỏ lẻ và nhiều đối tượng cần được hỗ trợ nhưng thiếu phương tiện vận chuyển, do đó chúng tôi hỗ trợ các nhóm này với phương châm chỉ chở đồ từ thiện và miễn phí tới tất cả trrong khu vực tại Hà Nội”, anh Tuấn cho hay.
Thời điểm gần đây, nhóm mới có số lượng 50 xe, còn thời gian đầu chỉ có khoảng 20 xe để vận chuyển thế nhưng có những ngày phát sinh hàng trăm đơn hàng với hàng trăm điểm giao nhận, cùng với đó ngày nào cũng vận chuyển khoảng 2-7 tấn rau củ quả nên vất vả. Thời gian cao điểm nhất có khi 1 ngày 1 xe đi hết gần 400km trong khu vực Hà Nội, mất khoảng 600.000 -700.000 đồng tiền xăng, tất cả đều do thành viên của nhóm tự nguyện chi trả và chưa từng thấy ai kêu ca.
Do tiêu chí của nhóm là tránh tụ tập đông người nhất có thể, nên thường mỗi chuyến giao – nhận hàng một xe chỉ được 1 người đi, không có thêm người thứ 2. Vì thế, hầu hết các thành viên của nhóm, từ những người làm nhân viên văn phòng, thường ngày ngồi bàn giấy, thậm chí có người là giám đốc doanh nghiệp… đều trở thành tài xế kiêm bốc vác.
“Mỗi khi có đơn hàng, tôi sẽ phân công cho từng người theo khu vực cụ thể. Nhưng công việc thường ngày của các thành viên trong nhóm là sáng đi về các huyện chở rau, đồ ủng hộ của sư thầy ở các chùa tại Quốc Oai, Thạch Thất và người dân các vùng ngoại thành về các bếp ăn từ thiện, khu cách ly, rồi trưa, chiều chuyển cơm đến các điểm. Anh chị em thường làm thông bữa trưa hoặc bữa tối, trong khi bên ngoài quán ăn đóng cửa nên thường tự chuẩn bị rồi chia nhau chiếc bánh mỳ, hôm thì luộc trứng, khoai mang theo ăn qua bữa cả ngày”, anh Tuấn cho hay.
Anh Tuấn kể: Nhiều vùng rau ở Ba Vì, Vĩnh Phúc, Lào Cai cũng gửi qua nhóm "Xe 0 đồng" chuyển đến các bếp ăn từ thiện, có đêm chở tới 2 chuyến, chỉ kịp về nhà ăn bát mì, lại đi tiếp. Những chuyến rau về nửa đêm, nhóm vẫn đi, còn việc xuất phát đi lấy rau từ 4-5 giờ sáng là bình thường, để kịp về cho các bếp ăn từ thiện kịp chuẩn bị bữa trưa, chuyển cơm đến những người khó khăn. Có anh em vận chuyển 1 xe gạo, tự bốc vác hàng chục bao, về nhà đau ê ẩm hay những chị em phụ nữ tay yếu chân mềm nhưng cũng bê vác hàng chục kg rau, củ lên xuống xe.
Những câu chuyện ấm tình người
Là một trong những thành viên nữ hoạt động trong nhóm, chị Bùi Thị Thu Thủy cho biết, chị đã từng có những chuyến vận chuyển hàng hóa vào tâm dịch Bắc Giang và Bắc Ninh hồi tháng 5. Có rất nhiều câu chuyện đến nay mỗi khi nhắc đến chị vẫn luôn thấy rất xúc động. Đó là sự quyết tâm, vượt khó khăn của các y bác sĩ cũng như người dân ở vùng tâm dịch trong cuộc chiến với dịch bệnh.
Chị Thủy kể, trong một lần vận chuyển hàng cho Thành đoàn Hà Nội gửi đến Bắc Giang, trong đó có món quà của một trường học gửi đến Bệnh viện dã chiến Truyền nhiễm số 2, Bộ Quốc phòng đang đóng trên địa bàn. Trong đó có món quà dành cho con của một bác sĩ có hoàn cảnh rất đặc biệt tại đây. Đó là Thiếu tá Chu Bá Hòa công tác tại khu cách ly Trường Đại học Nông-Lâm Bắc Giang.
Mặc dù hoàn cảnh gia đình còn khó khăn, vợ mới mất, 2 con còn nhỏ nhưng khi dịch bệnh bùng phát, bác sĩ này đã tình nguyện xung phong tham gia phòng, chống dịch. “Khi trao món quà cho hai bé tại điểm chốt kiểm soát dịch, cách nhau bằng rào chắn, nhìn ánh mắt ngây thơ có phần buồn bã của hai cháu bé mà tôi nhớ mãi. Thương các cháu và ngưỡng mộ người bác sĩ đã nén đau thương, hoàn cảnh riêng để góp sức chống dịch”, chị Thủy xúc động kể.
Hay hôm chủ nhật vừa rồi, chị nhận được đơn chuyển hai suất ăn đến một địa chỉ tại quận Cầu Giấy (Hà Nội), khi đến nơi thì ra đó là một khách sạn. Người nhận suất cơm hôm đó là hai mẹ con ở Thanh Hóa đang điều trị bệnh ung thư máu cho con tại bệnh viện Huyết học và truyền máu Trung ương có hoàn cảnh rất khó khăn. Khi Hà Nội giãn cách, hai mẹ con hết tiền, không có nơi ăn, chốn ở, nhưng rất may có người đã giúp họ tìm được chỗ ở miễn phí.
“Khi hỏi ra mới biết người giúp hai mẹ con cũng là thành viên trong nhóm. Trong lúc đi có một hàng tạp hóa ủng hộ thùng mỳ để xem ai khó khăn thì giúp, tôi liền gửi tặng hai mẹ con. Bác bảo vệ toàn nhà thấy họ không có bát đũa cũng giúp mượn đồ của khách sạn để dùng. Hàng ngày nhóm vẫn phân công người đem cơm từ bếp 0 đồng đến cho hai mẹ con, có chỗ ăn, ở thì hai mẹ con đỡ vất vả trong những ngày này”, chị Thủy chia sẻ.
Mỗi hành trình, các thành viên trong nhóm đều có rất những câu chuyện, những ấn tượng khó quên. Anh Tuấn, trưởng nhóm “Xe 0 đồng” kể, cũng có lúc thành viên của nhóm gặp chuyện “dở khóc dở cười”. Có một thành viên trong nhóm lên Lào Cai nhận rau ủng hộ về Hà Nội, trên đường cao tốc có gặp 2 người đi bộ, họ có giấy test âm tính COVID-19 và có hoàn cảnh khó khăn, đang đi bộ từ Hà Nội về Lào Cai. Thương tình, nên lái xe của nhóm cho 2 người này đi nhờ về Lào Cai. “Khi về đến Lào Cai thì lực lượng chức năng nói lái xe này dã vi phạm quy định, không đượ chở người và bạn đó được yêu cầu phải đi cách ly. Đến nay vẫn chưa hết thời hạn cách ly để về Hà Nội”, anh Tuấn cho biết.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn hoặc cả những tình huống bất ngờ như vậy, nhưng khi tôi hỏi: “Tham gia hoạt động “Xe 0 đồng” thì có sợ nhiễm bệnh không?” thì cả anh Tuấn và chị Thủy đều trả lời, nếu sợ, họ đã không làm và họ làm việc này không vì bất cứ mục đích gì, chỉ mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình để góp phần vào công cuộc chống dịch và giúp đỡ được nhiều người khó khăn nhất có thể.
Tuy nhiên, điều trưởng nhóm “Xe 0 đồng” băn khoăn và lo lắng nhất hiện nay là việc đảm bảo an toàn cho các thành viên trong nhóm. Hiện nhóm đang kêu gọi ủng hộ để các thành viên có đầy đủ trang thiết bị bảo hộ khi đi làm, vì thời gian qua toàn bộ tiền xe, đồ bảo hộ là do mọi người tự bỏ ra. Cùng với đó, nhiều thành viên trong nhóm chưa được tiêm vaccine phòng COVID-19 hoặc mới chỉ được tiêm 1 mũi.
“Nhóm đang liên hệ với một số trung tâm y tế mà nhóm đang hỗ trợ xe chuyển nhân viên đến điểm lấy mẫu cần test nhanh để các thành viên được test PCR mỗi tuần 1 lần, đảm bảo an toàn cho cộng đồng và bản thân các lái xe. Cùng với đó, chúng tôi cũng mong muốn và tìm chỗ tiêm cho các thành viên. Nhóm đã lên phương án, trong trường hợp dịch bệnh tại Hà Nội phức tạp hơn, thì tìm nơi ở cho các thành viên ở lại, không về nhà”, anh Tuấn trăn trở.