Rèn đức, luyện tài
Thầy Dương Quốc Việt (giữa), giáo viên Trường THCS Đại Minh, huyện Yên Thành luôn nỗ lực trau dồi chuyên môn bằng việc tìm tòi, nghiên cứu chương trình mới, tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi…
Thầy Dương Quốc Việt, giáo viên Toán công tác tại Trường Trung học cơ sở Đại Minh (huyện Yên Thành) đến với nghề giáo bởi lý do đơn giản “từ nhỏ khi còn đi học đã rất yêu quý thầy cô, lớn lên quyết tâm theo sư phạm”. Hơn 20 năm gắn bó với nghề, thầy chưa bao giờ ngừng nỗ lực, sáng tạo trong dạy học, để trở thành một nhà giáo như đam mê.
Gần đây nhất, trong 2 năm học liên tiếp, thầy đạt danh hiệu Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh môn Toán năm 2024, Giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh năm 2025. Khi tham gia các kỳ thi, thầy Việt chia sẻ mục tiêu không phải để lấy thành tích hay khen thưởng, mà để học hỏi, rút kinh nghiệm phục vụ dạy học, giáo dục học sinh. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với nhiều điểm mới, đòi hỏi sự cố gắng rất nhiều của giáo viên, nếu không thay đổi sẽ tụt hậu, không đáp ứng yêu cầu. Thầy quan niệm rằng, khó khăn nhất trong thực hiện đổi mới giáo dục chính là tư tưởng của giáo viên. Nếu cứ loay hoay, không bắt tay vào thực hiện, không tự tin bản thân có thể làm được, thì sẽ mất thời gian và tự tạo lực cản cho mình.
Trong công tác, thầy Dương Quốc Việt đã nỗ lực trau dồi chuyên môn bằng việc tìm tòi, nghiên cứu chương trình mới, tham gia các đợt tập huấn của Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ở trường, thầy đi đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tích cực dự giờ, thăm lớp để trao đổi kinh nghiệm cùng đồng nghiệp, tham gia viết sáng kiến kinh nghiệm, bồi dưỡng học sinh giỏi…
Với những cống hiến, hết lòng với trò, với nghề, thầy Dương Quốc Việt là một trong 135 cá nhân được tôn vinh là Nhà giáo Nghệ An làm theo lời Bác năm 2025. “Được biểu dương trong dịp này, tôi rất tự hào, xúc động. Bác Hồ là một tấm gương lớn mà mỗi người, nhất là giáo viên học tập được rất nhiều điều trong thực tế giáo dục học sinh. Đối với tôi, điều lớn nhất học được từ Bác chính là tình thương yêu học sinh”, thầy chia sẻ.
Thời gian này thầy Việt cùng với các đồng nghiệp ôn thi miễn phí cho học sinh cuối cấp. Thầy cho biết, càng vì học sinh, không quản ngại khó khăn, lại càng thấy yêu nghề hơn, say mê với sự nghiệp trồng người. Bởi sản phẩm của người thầy không gì to lớn bằng thành quả của học sinh.
Thầy Nguyễn Văn Tiến, giáo viên Trường THPT Đô Lương 1, huyện Đô Lương, là giáo viên tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Gắn bó với bục giảng, thầy Nguyễn Văn Tiến - giáo viên Trường Trung học phổ thông Đô Lương 1, huyện Đô Lương đã nỗ lực trau đồi chuyên môn dạy học, truyền động lực, đam mê Vật lý cho nhiều thế hệ học trò. Nhiều em đã đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Vật lý, có những học trò được truyền cảm hứng từ thầy mà chọn theo nghề sư phạm. Bản thân thầy cũng là giáo viên có nhiều sáng tạo đổi mới giáo dục, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại trong dạy học. Công tác ở ngôi trường huyện, nhưng thầy đạt được bề dày thành tích, và gần đây nhất là danh hiệu Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Thầy Nguyễn Văn Tiến chia sẻ, làm nghề cũng như làm người. Bác Hồ đã từng căn dặn, không có tài thì làm gì cũng khó, nhưng không có đức thì vô dụng. Là người thầy phải trau dồi cả đức lẫn tài, trong đó rất cần sự tận tâm với trò, tự tôn với nghề. Với thầy, năng lực chuyên môn giỏi chưa đủ, điều quan trọng nữa là phải biết cách dẫn dắt và tạo động lực cả bên trong lẫn bên ngoài để học trò cố gắng phát huy hết khả năng của mình và chiếm lĩnh tri thức.
Là một trong 135 nhà giáo được biểu dương Nhà giáo Nghệ An làm theo lời Bác, thầy Nguyễn Văn Tiến cho biết, các đồng nghiệp đều học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng được tôn vinh vì những nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
“Tôi và một số đồng nghiệp may mắn hơn được lựa chọn để biểu dương, bên cạnh niềm tự hào, xúc động vì những cống hiến và nhiệt huyết của mình đã được ghi nhận và trân trọng. Dù nhỏ bé nhưng tôi cũng đã góp một phần sức lực để học tập và làm theo lời Bác, lan tỏa được ý nghĩa và giá trị của lao động cống hiến cho sự nghiệp trồng người”, thầy Nguyễn Văn Tiến cho hay.
Vượt khó vì trò
Cô Đỗ Thị Hiền, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và Trung học cơ sở Hạnh Dịch, huyện Quế Phong là tấm gương vượt khó, yêu thương học trò.
Nhiều năm trước, từ huyện Đô Lương, cô Đỗ Thị Hiền tình nguyện lên công tác ở xã biên giới Tri Lễ, huyện Quế Phong, Nghệ An, cách nhà hơn 200km. Nơi đây, học sinh chủ yếu là người Thái, người Mông. Cô giáo trẻ lần đầu tiên ở vùng đất biên giới giáp Lào, học cách hòa nhập với trò, với bà con dân bản, rồi mới dạy kiến thức. Sau đó, cô chuyển công tác về Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Hạnh Dịch, cũng là một xã ở xa trung tâm, vẫn còn tình trạng học sinh nghỉ học theo bố mẹ lên rẫy.
Cô Đỗ Thị Hiền nhớ nhất kỷ niệm một mình cắm bản ở điểm trường bản Khốm, xã Hạnh Dịch. Khi đó, điểm trường chưa có sóng điện thoại, không có điện thắp sáng nhưng nghe tin một học sinh bị bố mẹ bắt nghỉ học, cô đã lặn lội qua sông, leo qua một quả đồi để đi vận động học sinh trở lại trường.
“Nghĩ lại, tôi vẫn không biết mình lấy động lực ở đâu để vượt suối, băng rừng đi tìm học trò như vậy. Khi đó chỉ mình tôi cắm bản ở điểm trường lẻ ấy, phải kiên quyết giữ trò, không để các em thất học vì khó khăn”, cô chia sẻ.
Ngôi trường cô Hiền đang công tác thực hiện mô hình dân tộc bán trú. Học sinh từ lớp 3 được đưa từ điểm lẻ về trường chính để ở như nội trú và học tập. Ngoài giờ dạy trên lớp, cô thường xuyên trực đêm, thời gian ở trường nhiều hơn ở nhà nhưng cô Hiền chưa bao giờ thấy mệt.
Cô Hiền tâm sự, được ngành Giáo dục biểu dương là động lực, nguồn động viên lớn lao cho bản thân cũng như cho đội ngũ nhà giáo đang ngày đêm miệt mài dạy học. Đặc biệt là trong dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh của Bác Hồ, cô càng nhận thức rõ hơn về vai trò, trách nhiệm và vị trí của mình trong sự nghiệp trồng người. Cô học từ Bác tình yêu thương bao la với các em nhỏ. Bên cạnh dạy học, cô còn là điểm tựa tinh thần, là người mẹ thứ 2 cho học trò thân yêu, tạo ra những sản phẩm đặc biệt cho xã hội đó là thế hệ lớp lớp học trò mang trong mình “Tâm trong, trí sáng và hoài bão lớn”.
“Những năm đầu công tác, tôi được phân công giảng dạy tại trường Mầm non Hữu Khuông - xã ốc đảo đặc biệt khó khăn nhất của huyện Tương Dương, Nghệ An. Đường đến trường phải đi bằng xe máy, rồi chuyển sang thuyền, lội suối, cuốc bộ hàng giờ mới tới nơi. Năm con tôi mới 6 tháng tuổi, tôi phải mang theo con đến điểm trường xa, vừa dạy học, vừa chăm con nhỏ”, cô Vi Thị Hằng, Trường Mầm non Lượng Minh nhớ lại những năm khó khăn nhất trong nghề của mình.
Chồng làm thợ xây công việc không ổn định, hoàn cảnh quá vất vả, cô làm đơn xin chuyển công tác về Trường Mầm non Lượng Minh cách nhà hơn 20km, chưa kể những điểm lẻ xa hơn, nhưng tiện hơn trong việc đi về hằng ngày. Những năm qua, cô không ở lại cắm bản như nhiều đồng nghiệp do hoàn cảnh con nhỏ, phải chăm sóc bố ruột bị tai biến, bố chồng già yếu thường xuyên đau yếu. Mỗi ngày, cô dậy sớm lo cho bố và con ăn uống, vệ sinh, rồi mới đến trường.
135 gương giáo viên được biểu dương Nhà giáo Nghệ An làm theo lời Bác năm 2025.
Bản thân là người dân tộc thiểu số tại huyện Tương Dương, con đường đến với nghề giáo đã nhiều gian nan, nhưng để giữ được nghề và sống trọn với nghề nơi vùng khó lại càng thử thách hơn với cô Vi Thị Hằng. “Dù vất vả, tôi vẫn luôn cố gắng chu toàn việc nhà, giữ vững đạo đức nghề nghiệp, không ngừng học tập, trau dồi chuyên môn, rèn luyện phẩm chất nhà giáo theo lời Bác dạy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và xứng đáng với niềm tin yêu của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh”, cô giáo người Thái tâm sự.
Nói về các nhà giáo được tuyên dương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành khẳng định, mỗi người là một minh chứng sống động cho tinh thần học tập và làm theo lời Bác: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thương yêu, chia sẻ, hết lòng vì học trò.
Những năm qua, bằng tinh thần đoàn kết, sự chia sẻ, kết nối của đội ngũ nhà giáo đã đưa kiến thức, giá trị, hành trang quý giá tốt đẹp nhất cho học sinh thân yêu. Và tinh thần đó, sẽ tiếp tục lan tỏa trong toàn ngành để nối dài thêm thành tích và góp phần viết tiếp truyền thống hiếu học của người dân xứ Nghệ.