Học và làm theo lời Bác: Dấu chân Người trên bến cảng

Từng chuyến tàu, từng bến cảng, từng dấu chân Bác đặt xuống nơi đây đã trở thành những ký ức thiêng liêng, khắc sâu trong lòng cán bộ, công nhân cảng Hải Phòng.

Chú thích ảnh
Tàu cập Cảng Hải Phòng. Ảnh TTXVN phát

Lời dạy của Người năm xưa vẫn vọng vang, tiếp sức cho các thế hệ bền bỉ thực hiện mục tiêu phát triển, từng bước đưa cảng vươn Hải Phòng ra biển lớn, hội nhập mạnh mẽ, khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế biển của đất nước.

Lời Bác mãi vọng vang

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng Phạm Hồng Minh chia sẻ, với bề dày 150 năm hình thành và phát triển cùng thành phố, cảng Hải Phòng là cửa ngõ ra biển quan trọng của các tỉnh phía Bắc, giữ vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của cả nước.

Sau Hiệp định Sơ bộ tháng 6/1946, thực dân Pháp đã đặt mục tiêu và hoàn thành việc chiếm giữ Hải Phòng trước để có hệ thống giao thông vận chuyển quân đội, vũ khí vào Việt Nam nhằm thực hiện mục tiêu xâm lược. Để bảo đảm mục tiêu này, chúng đã thiết lập hệ thống kiểm soát gắt gao về mọi mặt tại cảng.

Năm 1874, cảng Hải Phòng được thực dân Pháp xây dựng với quy mô lớn. Cuộc sống tối tăm, cực nhục dưới chế độ áp bức, bóc lột và kìm hãm của thực dân Pháp về cả đời sống kinh tế, tinh thần khiến những mầm mống giai cấp công nhân đầu tiên dần hình thành nơi bến cảng sầm uất. Từ bến Ninh Hải nơi làng Gia Viên đơn sơ, dưới sự xây dựng của thực dân Pháp, cảng Hải Phòng đã hình thành cảng biển hiện đại và sầm uất bậc nhất khu vực phía Bắc.

Năm 1929, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới bắt đầu và đã có tác động tới Việt Nam. Phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân lao động Hải Phòng có vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình vận động thành lập tổ chức Công hội Đỏ và Đảng Cộng sản Việt Nam. Những tháng cuối năm 1929 và đầu năm 1930, phong trào công nhân ở Hải Phòng nổ ra rầm rộ dưới sự lãnh đạo thống nhất của tổ chức Đảng, tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân cảng ngày 24/11/1929, sau này đã trở thành Ngày truyền thống của công nhân cảng...

Theo ông Phạm Hồng Minh, trong những tháng năm lịch sử hào hùng của dân tộc, bên cạnh những mất mát, hy sinh và những thành tích đạt được, đối với cán bộ, công nhân cảng Hải Phòng niềm vui vô bờ là niềm vinh dự, tự hào ba lần được đón Bác Hồ kính yêu về thăm cảng.

Lần thứ nhất, ngày 20/10/1946, sau khi Bác Hồ thăm chính thức nước Pháp, Người về nước bằng đường biển và đặt chân lên Bến cầu Ngự (cảng Hải Phòng hiện nay). Nơi đây đã trở thành một trong những chứng tích lịch sử quan trọng của thành phố Hải Phòng.

Lần thứ hai, ngày 30/5/1957, Bác chính thức về thăm cảng Hải Phòng. Bác đã lên tàu HC15, xem xét từng chỗ ăn, chỗ ngủ, nơi làm việc của anh em. Bác căn dặn cán bộ công nhân cảng: "Đoàn kết là sức mạnh, nước lên thì tàu nổi. Các cô chú ở đây một thuyền, một sóng nên phải đoàn kết với nhau. Tiền đồ cá nhân phải gắn với lợi ích của dân tộc, của giai cấp công nhân. Ai muốn tìm tiền đồ cá nhân riêng lẻ, tức là tự tách mình ra khỏi con tàu giữa biển, như vậy là chẳng có tiền đồ gì cả”.

Lần thứ ba, ngày 10/1/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Hội đồng Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đông đảo nhân dân Hải Phòng đón 922 kiều bào Thái Lan về nước tại cảng Hải Phòng.

Ông Phạm Hồng Minh chia sẻ, lời căn dặn của Bác Hồ không chỉ thể hiện tầm nhìn sâu sắc về sự gắn kết giữa cá nhân và tập thể mà còn nhấn mạnh giá trị của đoàn kết - một sức mạnh có thể đưa cả dân tộc tiến lên vững vàng như con tàu trên biển cả. Bác ví mỗi công nhân như một phần không thể tách rời của con tàu, nơi tiền đồ cá nhân không thể tách biệt khỏi lợi ích chung. Chính tinh thần ấy đã hun đúc ý chí kiên cường, trách nhiệm và sự đồng lòng của những người lao động, góp phần xây dựng một cảng Hải Phòng ngày càng vững mạnh.

Soi sáng con đường phát triển

Mỗi cán bộ, đảng viên, công nhân lao động cảng Hải Phòng hôm nay đang tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cũng như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn sự đoàn kết, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đảng viên tiên phong gương mẫu tạo sức lan tỏa trong toàn Đảng bộ.

Cảng Hải Phòng là đơn vị đi đầu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam trong chuyển đổi mô hình tổ chức, tái cơ cấu và cổ phần hóa các đơn vị thành viên. Cảng Hải Phòng ngày càng được củng cố cả về tiềm năng và nội lực để trở thành một thương cảng quốc tế lớn nhất miền Bắc Việt Nam với quy mô, phương tiện, trang thiết bị tiên tiến hiện đại cùng đội ngũ cán bộ, công nhân lao động có trình độ chuyên môn và tính chuyên nghiệp cao.

Nếu như năm 1986, năm đầu của thời kỳ đổi mới, sản lượng qua cảng mới chỉ đạt 2,6 triệu tấn, doanh thu trên 199 tỷ đồng, lợi nhuận chưa đến 3 tỷ đồng, thì đến năm 2024, cảng Hải Phòng đạt sản lượng thông qua 39 triệu tấn, doanh thu hợp nhất 2.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trên 1.000 tỷ đồng, đảm bảo việc làm và ổn định đời sống cho người lao động.

Đặc biệt, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2025), 30 năm thành lập Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (29/4/1995-29/4/2025), ngày 13/5/2025, tại Khu bến cảng Lạch Huyện, Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng long trọng tổ chức Lễ khánh thành bến cảng container quốc tế số 3 và 4 Lạch Huyện - cảng Hải Phòng. Đây là dự án trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ đối với Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và cảng Hải Phòng mà còn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng Nguyễn Tường Anh cho biết, Dự án được đầu tư bài bản bởi Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng và được vận hành khai thác bởi liên doanh chiến lược với Công ty Terminal Investment Limited (TIL) thuộc Hãng tàu MSC - hãng tàu lớn nhất thế giới. Dự án không chỉ là biểu tượng cho bước tiến mới trong năng lực cạnh tranh và kết nối toàn cầu của hệ thống logistics Việt Nam, đây còn là một mắt xích chiến lược trong quy hoạch phát triển cảng biển quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu từ biển.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân, những năm qua, sản lượng hàng hóa qua hệ thống cảng biển Hải Phòng luôn đạt mức tăng trưởng cao, từ 12 - 15%/năm, năm 2024 đạt 190 triệu tấn và dự kiến trong năm 2025 là 212 triệu tấn. Có được tốc độ phát triển trên phải kể đến sự đóng góp của hệ thống cảng nước sâu, có thể tiếp nhận các tàu lớn vào làm hàng, đặc biệt là tại khu bến cảng Lạch Huyện.

Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVI chỉ rõ 3 trụ cột chiến lược thành phố cần quan tâm đầu tư là cảng biển-logistics, công nghiệp và du lịch thương mại.

Hải Phòng định hướng trở thành thành phố công nghiệp gắn với cảng biển hiện đại, bền vững; là thành phố hàng hải toàn cầu và trung tâm kinh tế biển trọng điểm của đất nước, giữ vững vai trò cửa ngõ hướng ra biển của miền Bắc.

Lời dạy của Bác kính yêu chính là hành trang quý báu, soi sáng con đường phát triển của Cảng Hải Phòng. Truyền thống "Đoàn kết - Kiên cường - Sáng tạo" vẫn luôn là giá trị cốt lõi, giúp Cảng Hải Phòng vững bước trên con đường hội nhập, phát triển, khẳng định vị thế là Cảng biển xanh - văn minh - hiện đại nhất khu vực phía Bắc.

Đoàn Minh Huệ (TTXVN)
Bí thư Chi bộ người Mông học và làm theo lời Bác
Bí thư Chi bộ người Mông học và làm theo lời Bác

Với vai trò là Bí thư Chi bộ bản Huổi Lướng, xã Nặm Lịch, huyện Mường Ẳng (tỉnh Điện Biên), anh Vừ A Lồng luôn năng động, tâm huyết với công tác Đảng, đi đầu trong mọi phong trào thi đua tại địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN