Người mẹ của 8 mảnh đời bất hạnh

Đã bước qua tuổi lục tuần, suốt cuộc đời bà tần tảo “gieo những mầm xanh”, nuôi nấng tám đứa trẻ mồ côi sinh ra trong cảnh khó khăn, nay đã trưởng thành. Đó là mẹ K’Hiếu, tổ dân phố Xoan, thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). K’Hiếu - tiếng gọi thân thương của những người con không do bà sinh ra và những người trong làng dành gọi bà như thế.

Chúng tôi ghé thăm căn nhà gỗ đơn sơ như bao ngôi nhà của người dân Tây Nguyên vừa lúc bà K’Hiếu từ rẫy cà phê trở về. Câu chuyện về cuộc đời bà và những đứa con không cùng huyết thống… bỗng ùa về trong ký ức của người đàn bà K’Ho. Chưa một lần mang nặng đẻ đau, nhưng tất cả tình yêu thương bà đã dành hết cho những đứa con không phải do bà sinh ra.

Bà K’Hiếu cùng những đứa con.


Dựng cái cuốc vào dưới hiên nhà, đưa bàn tay gạt đi những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đã xám nắng, bà kể về cuộc đời cơ cực từ thủa bé. Vừa mới 7 tuổi, cô bé K’Hiếu đã mồ côi cha mẹ. Từ đó cô gái trẻ phải nếm chịu những tủi cực của những tháng ngày đi làm thuê, cuốc mướn để đổi lấy từng bát cơm, củ khoai, củ mì. Ngày tháng cứ thế trôi qua, K’Hiếu vẫn một mình kiếm sống, đôi chân nhanh nhẹn băng qua những ngọn đồi, nương rẫy, bàn tay cũng chai sạn theo năm tháng. Cuộc sống sớm tự lập khiến cho suy nghĩ của K’Hiếu chín chắn hơn so với lũ bạn cùng buôn làng.

Mới 14 tuổi, cuộc đời đã đưa đẩy cô K'Hiếu làm “mẹ” của 3 đứa trẻ mồ côi. K’En, K’Nhiên, K’Lẽn là 3 anh em ruột, đứa lớn 5 tuổi, đứa bé mới chỉ vài tháng tuổi, chẳng may mất mẹ, cha bỏ đi theo người khác. Thấy người đồng cảnh ngộ, K’Hiếu đã đưa 3 đứa trẻ về nhà, nuôi nấng. K’Hiếu hồi tưởng: “Khi thấy những đứa trẻ bị bỏ lại nằm trơ trọi giữa Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà, lòng mình nghẹn lại, mình quyết định nhận tụi nó làm con”. Có lẽ cuộc sống đơn độc của một người vốn là trẻ mồ côi và tình thương dành cho những người đồng cảnh ngộ đã giúp K’Hiếu vượt qua tất cả khó khăn. Trong vòng 21 năm, từ năm 1979 đến năm 2000, K’Hiếu nhận nuôi 8 trẻ mồ côi. Năm 1979 K’Hiếu được cử đi học y tá rồi về làm việc tại Trung tâm y tế huyện Lâm Hà. Nhưng chỉ một năm sau, K'Hiếu phải làm đơn xin nghỉ việc vì bận rộn với việc chăm sóc những đứa con.

Bà K’Hiếu vẫn ngày ngày lên rẫy.


“Thằng đầu không may bệnh nặng qua đời, còn lại năm đứa đã có gia đình riêng, hai thằng út vẫn đang sống cùng vợ chồng tôi”, bà K’ Hiếu tâm sự. Nỗi lo lắng lớn nhất bây giờ của bà, đó là đứa con út tên K’Niệm bị bệnh thần kinh, dù đã 15 tuổi nhưng chưa một lần gọi tiếng cha, mẹ; không tự lo cho bản thân được, mọi sinh hoạt hàng ngày đều do đôi bàn tay của mẹ chăm sóc. Gạt đi dòng nước mắt, bà K’Hiếu nói: “Mình bây giờ đã già, sức lực cũng yếu hơn, mỗi khi nó lên cơn chạy khắp nhà, cào cấu vào tường nhà, lúc đó tôi chỉ biết ôm con vào lòng vỗ về. Ước mơ lớn nhất của tôi bây giờ là mong nó sớm khỏe lại bình thường”.

Năm 2005, bà K'Hiếu vinh dự được kết nạp Ðảng, đến năm 2009, bà được bầu làm Bí thư chi bộ thôn Xoan. Bí thư chi bộ K'Hiếu đã cùng với các đồng chí đảng viên trong chi bộ vận động nhân dân xóa bỏ tục thách cưới. Bà còn vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất; hướng dẫn các thủ tục vay vốn ngân hàng chính sách cho bà con, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng được vay.

Buổi chiều tà, trong căn nhà gỗ, bếp lửa được nhen lên, những đứa con, đứa cháu của vợ chồng bà K’Hiếu trở về sum họp, quần tụ. Bồng đứa cháu trên tay, bà K’Hiếu lại cất lên câu hát ru chân chất, mộc mạc như đã từng ru 8 mảnh đời bất hạnh và cũng chính là lời ru cho cuộc đời bà: “Ơ… mi đừng khóc có củ đậu trong gùi/Ơ…mi đừng khóc có khoai chẻ sẵn, cơm trắng đầy tô…”.

Bài và ảnh: Đặng Tuấn
Người phụ nữ Tày tâm huyết với công tác mặt trận
Người phụ nữ Tày tâm huyết với công tác mặt trận

Bà Hứa Thị Xuân, dân tộc Tày, xóm Nà Chia, xã Lương Can, huyện Thông Nông (Cao Bằng) là một cán bộ cơ sở tâm huyết với công tác mặt trận ở địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN