Người làm sống dậy thổi hồn vào những sản phẩm sơn son thếp vàng

Hơn 36 năm khởi nghiệp, từ hai bàn tay trắng, trải qua bao thăng trầm nhưng bằng tình yêu nghề truyền thống, ông Lê Bá Chung (sinh năm 1960) người làng Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đã làm sống dậy nghề sơn son thếp vàng tồn tại cách đây 500 năm, vốn bị mai một.

Nghệ nhân Lê Bá Chung say mê với công việc. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Ông vinh dự được trao tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú và được đề cử là một trong những “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2017

Gian nan khởi nghiệp


Lớn lên trong gia đình có ba đời làm nghề sơn son thếp vàng, ngọn  lửa nghề đã được truyền lại và hun đúc trong Lê Bá Chung từng ngày. Năm 1981, ngay sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Lê Bá Chung trở về địa phương và chọn nghề gia truyền để gây dựng kinh tế. Nhưng sự quyết tâm của Lê Bá Chung không thắng được hoàn cảnh. Những năm ấy, khi đất nước vừa ra khỏi thời kỳ bao cấp, nhiều người chỉ lo cơm ăn, áo mặc, ít người đủ điều kiện để sơn son thếp vàng đồ vật trong nhà. Đây là thời kỳ khó khăn nhất về nghề, làng Kiêu Kỵ còn ít người làm nghề sơn son thếp vàng.

Với quyết tâm không để nghề truyền thống cha ông bị mai một, Lê Bá Chung quyết định khởi nghiệp bằng con đường tiền nhân đã chọn. Sau khi hợp tác xã sơn son thếp vàng của thôn giải thể, ông Lê Bá Chung đã đứng ra nhận mua lại toàn bộ công cụ của hợp tác xã. Sau đó, ông bị các xã viên đòi lại những thứ đã mua vì đó là vốn góp của xã viên chứ không phải tài sản tập thể. Mất cả vốn, đồ nghề, ông Chung vẫn không nản lòng. Với sự say nghề của mình, ông đã vận động được 3 hộ dân góp tư liệu mở xưởng sản xuất sơn son thếp vàng.

Để quảng bá tay nghề, tìm đầu ra cho sản phẩm, ông Lê Bá Chung một mình bắt xe đi tìm việc ở các tỉnh thành. Nhờ cái tâm sáng, cùng tay nghề khéo léo, ông Chung đã tạo được lòng tin với khách hàng.

Với những nỗ lực của nghệ nhân Lê Bá Chung, làng Kiêu Kỵ từ chỗ chỉ có  3 - 4 gia đình nhỏ lẻ gắn bó với nghề, đến nay trong làng đâu đâu cũng vang lên thanh âm búa đập quỳ vàng. Các sản phẩm của làng liên tục được vận chuyển đến nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Ông Đinh Văn Giảng, Chủ tịch UBND xã Kiêu Kỵ cho biết, UBND xã đánh giá cao vai trò của Hợp tác xã công nghiệp Quỳ Vàng do ông Lê Bá Chung làm giám đốc vì có nhiều công sức trong việc phục dựng nghề truyền thống của địa phương. Xã luôn khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề truyền thống.

Mong muốn truyền nghề cho lớp trẻ

Nghề sơn son thếp vàng đòi hỏi người thợ phải có tính kiên trì, cầu kỳ và tâm huyết. Vì vậy hiện nay, việc thu hút lớp trẻ theo học nghề không đơn giản nhất là khi các nhà máy, khu công nghiệp mới tại Hưng Yên đang mọc lên ngày càng nhiều với mức lương hấp dẫn. Nắm bắt được điều này, ông Lê Bá Chung đã đề xuất Trung tâm khuyến công và phát triển công nghiệp, Sở Công Thương thành phố mở 5 lớp dạy nghề với 175 học viên tham gia. Nhiều học viên, sau khi lành nghề đã có thu nhập khá, tự mở xưởng sản xuất độc lập, tạo việc làm được cho hơn 500 lao động trong và ngoài xã.

Nghệ nhân Lê Bá Chung với đồng nghiệp. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Anh Nguyễn Văn Dũng, quê ở Lạng Sơn đến học nghề và làm việc tại xưởng của nghệ nhân Lê Bá Chung chia sẻ, khi học và làm việc với nghệ nhân Lê Bá Chung, anh đã học hỏi nhiều điều, từ tính cách cẩn thận, tỉ mỉ đến cái tâm với nghề.

Nghệ nhân Lê Bá Chung cho biết: Nghề đòi hỏi ở cái tâm của người thợ. Tất cả các công đoạn sơn son thếp vàng đòi hỏi người thợ phải vững tay nghề, tỉ mỉ từng khâu. Thế nên, làm nghề sơn son thếp vàng này, không phải ai cũng theo được lâu dài được nếu như không có tâm.

Nghệ nhân này cho biết thêm, tâm nguyện lớn nhất của ông là tiếp tục truyền nghề cho thế hệ trẻ. Người nghệ nhân không khỏi trăn trở khi cứ 100 học viên chỉ có khoảng một nửa theo nghề sau khi được đào tạo. Dù vậy, ông vẫn mong muốn truyền nghề cho lớp trẻ, mở lớp đào tạo nghề thu hút nhiều học viên hơn nữa.

Dấu ấn nghệ nhân Lê Bá Chung và những người thợ tài hoa của làng Kiêu Kỵ đã và đang trải dài khắp mọi miền đất nước. Từ những công trình di tích lịch sử như Văn Miếu, đền Ngọc Sơn, tượng phật chùa Hưng Phúc... đến Nhà Quốc hội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia... đều có bàn tay điêu luyện của người Kiêu Kỵ. Chính những con người thầm lặng, bền bỉ như nghệ nhân Lê Bá Chung đã góp phần bảo tồn, phát triển những nét tinh hoa văn hóa dân tộc.

Mạnh Khánh - Thanh Bình (TTXVN)
Nghệ nhân thổi hồn cho hoa giấy Thanh Tiên
Nghệ nhân thổi hồn cho hoa giấy Thanh Tiên

Nghệ nhân, họa sĩ Thân Văn Huy đã phục chế thành công nghề hoa sen giấy từ nguyên liệu hoa giấy Thanh Tiên, được ví như người "thổi hồn" cho hoa giấy Thanh Tiên phục hồi.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN