Ảnh: Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng giới thiệu công nghệ plasma. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Mơ ước “giành giải Nobel” từ năm lớp 4
Sau nhiều cuộc điện thoại, tin nhắn và một vài lần lỡ hẹn, Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng không ngần ngại đến địa điểm mà tôi đề xuất trong một ngày oi nóng. Ấn tượng ban đầu toát lên ở anh là sự nhiệt huyết luôn ngập tràn và càng khẳng định điều đó trong suốt hơn 2 giờ trò chuyện.
TS Tùng chia sẻ, thuở nhỏ vốn là cậu bé đam mê khoa học và học giỏi các môn tự nhiên. Là học sinh chuyên toán huyện Thọ Xuân, lớp 5 anh đã có tên trong danh sách tham dự thi học sinh giỏi toán quốc gia. Tiếp thêm cho những đam mê là vô số cuốn truyện về các nhà khoa học trong và ngoài nước mẹ mua. Tùng cười cho những suy nghĩ ngây ngô lúc mới học lớp 4 khi nghĩ rằng mình sẽ “giành giải nobel”.
Cứ thế đến lớp 9 Tùng đã là học sinh chuyên toán của Trường chuyên Lam Sơn của tỉnh. Thi lên lớp 10 Tùng đỗ Á khoa cả chuyên Toán và Hóa của Trường Lam Sơn. Do không để ý đến đăng ký nguyện vọng nên bị xếp vào chuyên Hóa mặc dù lúc đó thích chuyên Toán. Khi học Hóa, Tùng cũng được “liệt” vào hàng “khủng”, lớp 10 đã đạt giải nhì kỳ thi Hóa Học Hoàng Gia Australia. Nghiên cứu sâu hơn về Hóa, Tùng lại thấy Hóa cũng thú vi không kém. Bởi vậy, ngoài bản năng đam mê lại thêm ham học hỏi, lớp 11 Tùng đạt giải nhì cuộc thi Học sinh giỏi Hóa Quốc gia, lớp 12 nâng thành tích này lên giải Nhất.
Tùng kể lại một sự cố khi là một thành viên của đội tuyển thi Hóa quốc tế ở Canada. Một lý do hết sức “củ chuối” khiến thời điểm đó anh đã không giành được giải thưởng nào vì Tùng bị say xe ô tô đến mức chỉ cần đi ngang bến xe cũng đã say rồi, nên thầy giáo cho Tùng sang Canada trước 4 ngày mong muốn có thời gian lấy lại sức trước khi thi. Nhưng do đến quá sớm, phía tổ chức chỉ cho nhận phòng trong ký túc xá mà không đón tiếp, thành ra 4 cậu học sinh Việt Nam chỉ có mì tôm ăn pha bằng nước ở vòi nước nóng. Đến khi thi thì Tùng lăn ra ốm. Mới nhận đề xong là gục xuống bàn tới 3 giờ sau mới tỉnh lại nên chỉ làm bài được trong 2 giờ còn lại. Đến khi thi thực hành tay vẫn còn run, không cầm nổi dụng cụ”.
Quá trình đi học của em có rất nhiều điều bất ngờ, giờ nghĩ lại cứ như được sắp đặt từ trước vậy, Tùng cười và chia sẻ: Năm 1997, đăng ký vào khoa Hóa trường đại học Tự nhiên, nhưng lúc đi nộp hồ sơ, qua nơi đăng ký của Chương trình cử nhân khoa học tài năng tò mò em vào và khi được giới thiệu nhiều ưu đãi từ học bổng, nhà ở… nên em lại đăng ký vào lớp này. Lúc đó, Lớp chỉ có 3 chuyên ngành là toán, lý và địa chất. Vì không có ngành hóa nên em đăng ký ngành lý. 3 năm cấp 3 em đều đứng đầu lớp nhưng khi vào Lớp này mới thấy mình chưa là gì cả bởi ở đây có rất nhiều người giỏi “khủng khiếp”. Một điểm yếu của em lúc vào đại học là tiếng Anh quá dốt. Được chọn đi học ở Australia nhưng sau 6 - 8 tháng đèn sách mà thi chứng chỉ tiếng Anh IELS chỉ đạt 5.5 nên đành bỏ lỡ cơ hội này.
Có những thời điểm khá “nông nổi” trong cuộc đời khi còn ngồi trên ghế giảng đường đại học. Tùng nhớ lại “Trước khi bước chân vào đây em nghĩ học vật lý sẽ được thực nghiệm, khám phá nhiều nhưng mọi thứ không như mong mỏi, hơn nữa em chọn học vật lý lý thuyết lại càng chán hơn. Lúc đó, ý nghĩ bỏ học ở Đại học tự nhiên chuyển sang Đại học Bách khoa làm lại để thỏa mãn bản tính phiêu lưu, thích mày mò. Rồi chợt nhận ra nếu cứ chán lại bỏ thì suốt đời chẳng hoàn thành được việc gì, sẽ là vô nghĩa. Em đã chiến thắng được bản thân mình để tiếp tục theo đuổi ngành vật lý.”
Lại một lần nữa cái duyên gắn kết với vật lý khi tốt nghiệp đại học, có người bạn làm ở Viện Vật lý giới thiệu em với Viện trưởng Nguyễn Ái Việt và được nhận vào làm. Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ cái duyên này. Sau một thời gian đọc tài liệu, thầy đưa cho 2 lựa chọn: hoặc sang Canada tiếp tục học vật lý lý thuyết hoặc sang Đức nghiên cứu công nghệ plasma vì công nghệ này đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới nhưng ở Việt Nam chưa có. Kể cả những người thuộc thế hệ thầy đã từng làm nhưng giờ đều đã chuyển sang các lĩnh vực khác. Lúc đó, ở trường đại học Bách khoa cũng nhận thấy điều này, có mời nước ngoài về dạy một số tiết nhưng không hiệu quả vì cũng chỉ như “cưỡi ngựa xem hoa”. Thầy nhìn thấy bản chất phiêu lưu, thích mày mò, ham công nghệ nên gợi ý sang Đức là phù hợp nhất. Thầy dặn “đi học không phải để lấy cái bằng mà phải học lấy cái cốt lõi để sau này về nước đưa công nghệ này vào phát triển và ứng dụng ở Việt Nam. Thầy sẽ cử thêm người sang học cùng để về phát triển trong nước”.
Năm 2003, Đức bắt đầu phát triển công nghệ plasma medicine ở thành phố Greifswald và đến nay công nghệ này ở Greifswald phát triển nhất thế giới. Đây là thời gian nghiên cứu làm tiến sĩ, dù không trực tiếp được học công nghệ này nhưng vì thích mày mò nên Tùng cứ ra các lớp ngoại khóa học lỏm và thu thập kiến thức trong khi giúp đỡ sinh viên làm thí nghiệm. Năm 2011, thấy các điều kiện đã đủ, về nước gặp Viện trưởng mới là Nguyễn Đại Hưng. Viện trưởng hỏi: "Sao lại về?". "Vì em muốn phát triển plasma medicine ở việt Nam, bởi nếu cứ ở nước ngoài mãi cũng chỉ là làm cho nước ngoài. Em muốn đặt viên gạch đầu tiên để rồi sẽ có nhiều người cùng xây dựng ngành khoa học này"-Tiến sĩ Đỗ Hoàng Tùng khẳng định.
Từ một phòng thí nghiệm 30 m2
Sau 8 năm nghiên cứu nhận thấy không thể đưa về Việt Nam những cái nước ngoài đã phát triển mà cũng không thể là cái phải đầu tư nhiều về cả điều kiện vật chất và nhân lực, trong khi điều kiện trong nước chưa đáp ứng được. Anh tin plasma medicine sẽ là hướng nghiên cứu plasma thích hợp để phát triển ở Việt Nam do vừa đảm bảo tính cập nhật mà lại không đòi hỏi phải có các trang thiết bị đắt tiền. Đặc biệt, tiềm năng ứng dụng của nó là rất lớn.
Vậy là, bắt đầu với một phòng thí nghiệm 30 m2 chỉ có 2 cái bàn và 2 cái ghế cùng một đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở trị giá 15 triệu đồng, Tùng đăng ký chế tạo nguồn plasma ứng dụng cho y sinh. Mô hình bé tí ti đầu tiên ra đời do các thiết bị chế tạo đều nhặt nhạnh, mua từ chợ Trời nhưng quan trọng là đã tạo được plasma áp suất khí quyển ở nhiệt độ phòng (chiếu trực tiếp được lên da vẫn an toàn - yêu cầu cơ bản để điều trị). Đây chỉ là nguồn bắt chước ở Đức mà với trình độ còn thấp hơn nhưng thắp lên nguồn sáng cho thấy hoàn toàn có thể phát triển lên nữa.
Để tiếp tục đi đến thành công, Tùng không quên nhắc đến những người bạn thân một thời đèn sách của mình, đặc biệt là Thế Anh - một cộng sự đắc lực nhất. Bởi khi nghe Tùng trình bày ý tưởng về chiếc máy phát tia plasma này, Thế Anh đã bị thuyết phục và quyết định rời Viện Hóa học chuyển sang làm việc cùng Tùng ở Phòng thí nghiệm công nghệ Plasma.
“Cặp đôi plasma” đăng ký đề tài các nguồn nghiên cứu plasma ứng dụng trong y sinh thuộc Quỹ nghiên cứu cơ bản quốc gia Việt Nam (Nafosted) thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ. Đầu 2013, sau nhiều công sức cùng số tiền được cấp, nhóm nghiên cứu đã chế tạo máy chiếu tia plasma lạnh phù hợp, sử dụng nguyên lý hồ quang trượt để ion hóa khí agon thành plasma, tạo ra các gốc tự do, electron, ion và tia cực tím có khả năng diệt khuẩn và liền thương hiệu quả. Từ việc mày mò thử nghiệm đến chạy khắp nơi thuyết phục các bác sĩ ứng dụng vào thực tế.
Ban đầu nhóm nhờ bác sĩ Bạch Sĩ Minh ở khoa Y dược Đại học Quốc gia Hà Nội làm thử nghiệm cho kết quả tốt. Sau đó tiến hành thử nghiệm tiền lâm sàng ở Viện Bỏng quốc gia, rồi thử nghiệm lâm sàng trên 36 bệnh nhân tại 3 bệnh viện lớn là Trung ương Huế, Chợ Rẫy và Đại học Y dược thành phố Hồ Chí Minh từ cuối năm 2015 đến tháng 4/2016 cho thấy tia plasma lạnh giúp người bệnh giảm thời gian điều trị và chi phí so với phương pháp ghép da, phẫu thuật, hút áp lực âm… . Đơn cử như những bệnh nhân viêm xương gót chân và kháng mọi loại kháng sinh chỉ sau 2 lần điều trị đã hết nhiễm trùng và sau 6 lần thì khỏi. Thời gian và chi phí có thể giảm 8 - 10 lần. Bác sĩ chưa thấy tác dụng phụ và biến chứng sau chiếu tia.
Một cộng sự mới cũng là bạn thân từ thời cấp 3 làm “nhà tài trợ” đầu tư thêm nguồn tài chính để phát triển, cải tiến được hình thức cho máy, mở được xưởng sản xuất giúp quá trình hoàn thiện sản phẩm nhanh hơn. Đến nay, nhóm đã làm chủ công nghệ sản xuất máy PlasmaMed dễ sử dụng, được Bộ Y tế cấp phép lưu hành là thiết bị y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng sáng chế độc quyền.
Tùng cho biết thêm, ưu điểm nổi bật là plasma tiêu diệt vi sinh vật dựa trên cơ chế đa tác nhân nên nó hiệu quả rất nhanh và vi sinh vật không thể phát triển được chiến thuật kháng plasma. Khác với thuốc kháng sinh plasma còn diệt diệt được cả bào tử nấm, vi rút, prion và hỗ trợ quá trình liền thương, tăng sinh để nhanh liền. Tia plasma lạnh có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực y tế, môi trường, vật liệu, nông nghiệp… Tuy nhiên, tia plasma lạnh hiện mới được một số nước như Đức, Nhật, Israel phát triển thành công trong điều trị vết thương hở. Thế giới đã có những thử nghiệm đưa plasma vào quá trình mổ nội soi nhưng chưa phát triển thành thiết bị.
Đam mê không ngừng nghỉ
Tùng cho rằng đam mê theo đuổi khoa học mới có được thành công như hôm nay. Nhưng cuộc đời này với anh cũng đã được nhiều ưu ái, việc nhỏ thì phải rất vất vả, khó khăn mới hoàn thành nhưng đến những việc lớn lại dễ dàng hơn nhờ gặp nhiều người giúp đỡ.
Trên thế giới mới có 4 máy được cấp chứng chỉ thiết bị y tế của châu Âu, trong đó 3 máy ở Đức, 1 máy ở Israel. Nhóm nghiên cứu của Tùng đã đưa được 25 máy phát PlasmaMed vào bệnh viện công, tư, các thẩm mỹ viện trên toàn quốc hướng tới mục tiêu khẳng định chất lượng để nhân rộng.
Tiếp tục phát triển máy phát tia plasma lạnh, Tùng theo 3 hướng là thu nhỏ đầu plasma ứng dụng trong điều trị tai, mũi, họng và phụ khoa; mở rộng đầu plasma ứng dụng với những vết thương rộng và sử dụng plasma hơi nước để điều trị bệnh xoang.
Nhiều dự định đang được ấp ủ, Tùng khẳng định chiếc máy phát tia plasma lạnh này chỉ là khởi đầu cho việc ứng dụng plasma vào đời sống, còn rất nhiều ý tưởng Tùng muốn tiếp tục ứng dụng là y sinh, nông nghiệp công nghệ cao, khoa học vật liệu và môi trường. Tiến sĩ 37 tuổi băn khoăn: ứng dụng thành công chỉ là bước đầu nhưng còn nhiều việc phải làm để giảm chi phí cho người thụ hưởng và thêm nhiều lĩnh vực trong đời sống cần những cải tiến mới. Plasma nhiệt độ thấp là ngành khoa học có tính ứng dụng cao, rất có ích cho công cuộc phát triển đất nước. Để khai thác tốt tiềm năng của nó anh rất mong nhận được sự hợp tác của các nhà khoa học ở các chuyên ngành khác. Xây dựng được cộng đồng những người làm plasma và tạo được môi trường để có thể đào tạo thêm nhân lực cho ngành này.