Người Bí thư chi bộ dân tộc Mông gương mẫu ở Lũng Vài

Đến xã Côn Lôn, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang hỏi về anh Sùng A Lầu, Bí thư chi bộ thôn Lũng Vài thì ai cũng biết. Không chỉ gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực vận động người dân địa phương chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới, anh Sùng A Lầu còn là tấm gương sáng về tinh thần tận tụy của người cán bộ, đảng viên.

Chú thích ảnh
Anh Sùng A Lầu (bên trái ảnh) động viên bà con trong thôn phát triển đàn đại gia súc. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Từ những năm 1990 trở về trước, thôn Lũng Vài chỉ là bãi đất hoang để chăn thả trâu, bò. Được sự quan tâm của chính quyền các cấp, triển khai thực hiện chính sách định canh, định cư, các hộ đồng bào Dao được “hạ sơn” từ bản Nà Nọi, hợp với số hộ dân người Mông tại Khâu Phấu thuộc xã Côn Lôn lập thành thôn Lũng Vài.

Những năm đầu ổn định dân cư, đời sống của bà con trong thôn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ đói, nghèo; tình trạng thả rông gia súc, trẻ em bỏ học, sinh đẻ nhiều con… vẫn còn xảy ra. Bà con thôn Lũng Vài vẫn quen với tập quán sản xuất cũ, chủ yếu là cây trồng cạn, do ít đất ruộng, trình độ dân trí không đồng đều, tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn chậm. Người dân chưa biết đến các giống lúa lai, ngô lai có năng suất cao, vì vậy, nhiều gia đình không đủ lương thực để ăn.

Đứng trước những khó khăn trên, nhiều câu hỏi đặt ra cho Chi bộ thôn Lũng Vài và chính quyền xã Côn Lôn, phải làm sao để giữ gìn sự đoàn kết giữa các dân tộc trong thôn và thay đổi tập quán sản xuất của bà con để vươn lên thoát nghèo, lạc hậu.

Là con cả trong gia đình người Mông có 7 anh, chị em, cuộc sống rất khó khăn, anh Sùng A Lầu luôn đau đáu suy nghĩ phải vươn lên thoát cảnh nghèo khó. Từ đó, anh đã tập trung khai phá chuyển đổi khoảng 1 mẫu đất đồi thành đất ruộng; khơi nguồn, dẫn nước từ khe núi về để trồng lúa nước.

Từ việc anh Lầu làm, bà con thôn Lũng Vài cũng làm theo. Và với cách làm này, diện tích lúa nước ở Lũng Vài đã tăng từ 8 ha lên 15 ha. Với kiến thức có được từ công tác khuyến nông, anh Lầu là người đầu tiên đưa giống lúa lai, ngô lai vào sản xuất. Ngay từ vụ thu hoạch đầu tiên, lương thực sản xuất ra không chỉ đủ để ăn và chăn nuôi mà còn dư thừa để bán. Anh Lầu cũng là người đầu tiên đưa ngô lai vụ hè thu về trồng mang lại hiệu quả, điều mà trước đây chưa từng có ở Lũng Vài.

Từ những việc làm cụ thể, bà con trong thôn đã làm theo anh Lầu. Đến nay, toàn bộ 15 ha đất ruộng và 33 ha đất màu trong thôn đều trồng lúa, ngô lai cho năng suất cao. Anh Lầu trực tiếp đứng ra liên hệ cung ứng giống, vật tư, phân bón và thu mua thóc, ngô hạt cho bà con. Đời sống người dân Lũng Vài đã cơ bản thoát khỏi khó khăn thiếu lương thực trước đây, chăn nuôi từ đó cũng phát triển. Thông qua những việc làm ở thôn bản, năm 2013, anh Lầu vinh dự được bầu làm Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn.

Hiện nay, anh Lầu là Ủy viên BCH Đảng bộ xã Côn Lôn, Bí thư Chi bộ thôn Lũng Vài. Anh Lầu chia sẻ: “Được Chi bộ, thôn bản và nhân dân tín nhiệm, là người đảng viên, tôi nghĩ muốn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo thì mọi việc mình phải đi trước, làm trước. Dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước tập thể, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; phát huy tính tiền phong, gương mẫu trong chi bộ mọi lúc, mọi nơi, nói đi đôi với làm”.

Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự quyết tâm của chi bộ, tính cần cù lao động phấn đấu vươn lên không cam chịu đói nghèo của bà con, thôn Lũng Vài từ bãi đất hoang năm nào giờ đã trở thành thôn bản trù phú, ấm no. Bà con đã áp dụng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cho năng suất, thu nhập cao. Số hộ nghèo của thôn từ 36 hộ năm 2015 đã giảm còn 9 hộ năm 2019. Chăn nuôi phát triển, trong thôn có trên 180 con trâu, bò, trên 500 con lợn và trên 2000 con gia cầm.

Đặc biệt, năm 2016, hưởng ứng phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, thôn Lũng Vài đã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo; 100% số hộ có nhà đạt chuẩn, trong đó có nhà xây kiên cố, có nhà tiêu hợp vệ sinh; vận động nhân dân hiến đất làm được bê tông nông thôn. Từ phong trào này đã có 4 hộ hiến từ 100 m2 trở lên; trong đó gia đình anh Sùng A Lầu hiến gần 400 m2 đất ruộng 1 vụ lúa để xây dựng nông thôn mới. Con em đồng bào các dân tộc trong thôn đã được đến lớp, đến trường, không có tình trạng học sinh bỏ học; các cặp vợ chồng sinh đẻ có kế hoạch; thôn có sân thể thao, nhà văn hóa… Thu nhập bình quân của người dân trong thôn đạt 24 triệu đồng/người/năm. Về phần mình, anh Lầu luôn nêu cao tính tự phê bình và phê bình, trung thực, thẳng thắn, giữ gìn đoàn kết thống nhất trong chi bộ, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, luôn lắng nghe ý kiến của nhân dân, phối hợp giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh tại thôn bản.

“Là Bí thư chi bộ, để làm tốt công tác vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tôi quyết tâm cùng với đảng viên trong chi bộ sẽ tập trung lãnh đạo nhân dân đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, xây dựng thôn Lũng Vài ngày càng phát triển”, Sùng A Lầu chia sẻ.

V.T/Báo Tin tức
Người đi đầu phát triển cây dược liệu trên cao nguyên đá
Người đi đầu phát triển cây dược liệu trên cao nguyên đá

Xuất phát từ ý tưởng trồng và thu hái bền vững các loại dược liệu sẵn có trong tự nhiên để chế biến thành các sản phẩm phục vụ du khách đến tham quan, du lịch ở cao nguyên đá Đồng Văn, anh Lý Tà Dèn, dân tộc Dao, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã làm giàu từ nghề phát triển cây dược liệu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN