Nghị lực của chàng thủ khoa dân tộc Tày

Để đạt được danh hiệu sinh viên xuất sắc toàn khóa học 2011 - 2015, thủ khoa tốt nghiệp và nhiều thành tích khác trong học tập, sinh viên Hà Công Cương, dân tộc Tày, khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, ngành Nhạc cụ dân tộc (Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội), đã phải trải qua bao nhọc nhằn, khó khăn...

Sinh năm 1992, trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Hòa An, huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang), tuổi thơ của Hà Công Cương trôi qua với bao khó khăn, vất vả. Sau những buổi lao động mệt nhọc phụ giúp gia đình, Cương lại lắng mình trong tiếng sáo trúc của ông nội. Tuy chưa được rèn luyện qua trường lớp nào, nhưng tiếng sáo của ông hay đến lạ và không biết từ bao giờ những âm thanh thánh thót, dịu dàng ấy nuôi dưỡng tâm hồn cậu lớn dần theo năm tháng.

Hà Công Cương đã giành nhiều huy chương tại các Liên hoan nhạc cụ truyền thông.


Nhận thấy tình yêu sáo trúc của cháu, ông nội đã dạy cho Cương từ cách cầm, cách lấy hơi, cách thổi… Nhờ sự chỉ bảo, hướng dẫn của ông, dần dần Cương đã có thể tự cầm sáo thổi theo những giai điệu mình nhớ. Từ đó, cây sáo gắn bó với Cương như một người bạn thân thiết.

Yêu sáo nhưng Cương chưa bao giờ nghĩ mình sẽ đi học chuyên nghiệp về sáo, bởi cuộc sống gia đình Cương vô cùng khó khăn, bố mẹ em đều là nông dân, nhà lại có 3 người con đều đang tuổi ăn học. Vì vậy, việc cả 3 chị em Cương được đi học tới bậc trung học đã là một sự cố gắng rất lớn của gia đình. Thế nhưng, niềm khao khát được học sáo chuyên nghiệp vẫn thôi thúc Cương. Cậu tìm hiểu trên báo đài về các trường có dạy và tuyển sinh về sáo trúc, rồi theo học ôn tập một lớp trên tỉnh để đăng ký dự thi.

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, năm 2007, trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc tổ chức tuyển sinh, Cương đăng ký dự thi và trúng tuyển, trở thành sinh viên khóa 28. Nhận thấy tài năng của Cương, bạn bè, anh chị trong trường đã động viên Cương xuống trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đăng ký theo học. Một lần nữa, Cương lại tự mình bắt xe xuống Hà Nội làm hồ sơ. Tháng 6/2008, khóa 10 hệ trung cấp, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội chính thức ghi tên cậu học sinh Hà Công Cương. Sau 3 năm, cậu thi đỗ hệ đại học và trở thành tân sinh viên khoa Nghệ thuật dân tộc và miền núi, ngành Nhạc cụ dân tộc. Đây cũng chính là nơi nuôi dưỡng, ươm mầm chàng thủ khoa tài năng nhưng cũng đầy bản lĩnh, giàu nghị lực.

Con đường trở thành một thủ khoa có thành tích học tập xuất sắc ngày hôm nay của Cương đầy gian nan, vất vả. Vì gia đình không đủ tiền trang trải học phí, em gái Cương đã trở về Tuyên Quang học cao đẳng để anh trai có thể tiếp tục đi học. Bản thân Cương, khi xuống Hà Nội dự thi, gia đình cũng đã phải bán đi đàn chó để có vài trăm ngàn đồng đủ trang trải tàu xe ăn uống. Trừ học phí lấy từ tiền vay vốn ngân hàng cho học sinh, sinh viên, cậu phải tự mình trang trải mọi sinh hoạt. Để có tiền ăn học, Cương phải làm rất nhiều công việc: bưng bê, chạy quán, đi diễn... “Tuy vất vả nhưng chỉ cần làm ra tiền, bớt gánh nặng cho bố mẹ, em đều có thể làm được”, Cương chia sẻ.

Khó khăn chồng chất khó khăn, năm 2009, Cương bị xuất huyết dạ dày, lẽ ra phải vào bệnh viện điều trị, nhưng em không dám vào viện vì gánh nặng kinh phí. Cách đây vài tháng, ngày Cương nhận được tin mình đạt danh hiệu thủ khoa tốt nghiệp, cũng là lúc cậu biết mẹ ốm nặng do bệnh tim, bị ngất ngoài đồng được làng xóm đưa về.

Vượt qua khó khăn, nỗ lực học tập, Hà Công Cương đã có bảng thành tích đáng nể: Danh hiệu sinh viên xuất sắc toàn khóa học 2011 - 2015; huy chương bạc về độc tấu, hòa tấu nhạc cụ truyền thống tại Huế năm 2012; huy chương bạc về độc tấu, hòa tấu nhạc cụ truyền thống toàn quốc tại Đà Lạt năm 2015. Vừa qua, Cương đã tốt nghiệp với số điểm 9,52 - là một trong 98 gương mặt thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Cẩm Anh
Nghị lực tìm chữ của cậu học trò người La Hủ
Nghị lực tìm chữ của cậu học trò người La Hủ

Mặc dù bị thiếu một chân trái, song đều đặn hàng tuần, em Lỳ Ló Xá vẫn nhảy lò cò vượt quãng đường rừng mất gần 3 tiếng để về trung tâm xã học bán trú.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN