Làm giàu nhờ mô hình sản xuất hiệu quả

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từng được rèn luyện trong môi trường quân đội, Sơn Thái Nghĩa (ảnh), chàng thanh niên dân tộc Khmer, ở ấp Phnô CamBôth, xã Tham Đôn, huyện Mỹ Xuyên (tỉnh Sóc Trăng) luôn có ý thức phấn đấu để thoát nghèo.


Năm nay 33 tuổi, Nghĩa đã xây dựng được mô hình chăn nuôi cho doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm. Sơn Thái Nghĩa cho biết: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2002, do không có vốn sản xuất, Nghĩa phải đi làm thuê trong trang trại nuôi bò sữa. Một năm trôi qua, cuộc sống vẫn thiếu thốn, Nghĩa quyết định trở về quê nhà lập nghiệp. Nghĩa được chính quyền địa phương xét cho vay 50 triệu đồng vốn ưu đãi để mua 2 con bò sữa về nuôi. Hàng ngày, ngoài việc chăm sóc bò, Nghĩa còn tranh thủ đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập. Hiện Nghĩa nuôi 8 con bò sữa, mỗi ngày thu được hơn 100 kg sữa bò. Sau khi trừ các chi phí, mỗi tháng Nghĩa thu được lãi trên 30 triệu đồng từ chăn nuôi bò sữa.

Sơn Thái Nghĩa cho biết, kinh nghiệm để chăn nuôi bò sữa đạt hiệu quả kinh tế cao là phải giữ gìn vệ sinh chuồng trại và đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho bò. Ngoài thức ăn truyền thống là cỏ, còn cho bò ăn thêm rơm khô và xác bia để giúp bò phát triển tốt, cho sữa nhiều và tránh được một số bệnh.

Ngoài chăn nuôi bò, Sơn Thái Nghĩa còn canh tác lúa trên diện tích 3,5 ha đất. Nghĩa đã mua máy cày để vừa phục vụ việc canh tác của gia đình vừa làm dịch vụ, tăng thêm thu nhập cho gia đình. Vụ đông xuân vừa qua, gia đình Nghĩa đầu tư canh tác lúa đặc sản RVT cho giá trị kinh tế cao. Vụ hè thu tới đây, gia đình Nghĩa sẽ tiếp tục canh tác giống lúa RVT trên tất cả diện tích đất hiện có của gia đình. “Nếu vụ hè thu cũng cho năng suất lúa khá như vụ vừa qua, gia đình tôi sẽ thu về khoảng 200 triệu đồng từ trồng giống lúa RVT”, Sơn Thái Nghĩa cho biết.

Hiện là Bí thư chi đoàn ấp Phnô CamBôth, Sơn Thái Nghĩa luôn tích cực vận động đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động của tổ chức Đoàn, nổi bật là thực hiện cuộc vận động “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”. Nghĩa đã hướng dẫn các đoàn viên thực hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, cho thu nhập khá như mô hình nuôi bò sữa, nuôi trăn, trồng màu, canh tác lúa đặc sản… Nhờ vậy, nhiều đoàn viên, thanh niên trong chi đoàn đã vươn lên thoát nghèo, nâng cao thu nhập.
Trung Hiếu
Dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer
Dạy nghề cho đồng bào dân tộc Khmer

Huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh có gần 45.000 hộ với hơn 180.000 nhân khẩu; trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm trên 61% dân số. Lao động trong độ tuổi chiếm khoảng 67%, đa phần sản xuất nông nghiệp theo kinh nghiệm kiểu “cha truyền con nối” nên hiệu quả kinh tế đạt thấp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN