Là công ty chuyên về nuôi trồng, chế biến - xuất khẩu cá tra và các mặt hàng giá trị gia tăng từ cá tra, trong năm 2020, tình hình tiêu thụ của Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang “bị đứt gãy” nên sản xuất giảm 20 - 30%. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của công nhân.
Bà Phùng Thị Lý Ngọc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang cho biết, hiện Công ty có gần 2.000 lao động làm việc. Mối quan tâm lớn nhất của đơn vị là làm sao để đời sống công nhân được sung túc, giảm bớt gánh nặng các khoản chi tiêu sắm sửa trong dịp Tết đến, Xuân về. Vì vậy, mặc dù trong tình hình khó khăn chung, đơn vị vẫn đảm bảo “thu nhập tháng 13” với bình quân từ 5 - 15 triệu đồng/người. Ngoài ra, Công đoàn đã chuẩn bị các phần quà Tết là các nhu yếu phẩm trị giá 600.000 đồng/phần quà và dành thêm nhiều suất hỗ trợ cho các trường hợp đặc biệt khó khăn (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng).
Ngoài tiền lương, thưởng, chị Phạm Thị Phước (37 tuổi), công nhân khâu sửa cá thuộc Công ty Cổ phần Thủy sản Trường Giang được Công đoàn trao suất quà 1 triệu đồng dành cho công đoàn viên khó khăn. Không giấu được sự xúc động, chị Phước nói, sau khi chồng mất vào giữa năm 2020, chị trở thành lao động chính trong gia đình 4 nhân khẩu, trong đó có 2 con đang “tuổi ăn, tuổi lớn” (đang học lớp 8 và lớp 2) và mẹ chồng mất sức lao động. Đối với công nhân làm thuê như chị, Tết đến “lo hơn mừng”. Đặc biệt, giữa tình hình khó khăn chung, mừng nhất là giữ được việc, công ty giữ đúng lương, thưởng và có sự quan tâm đến đời sống công nhân. “Một triệu đối với gia đình tôi lúc này là số tiền không nhỏ, con tôi có thêm được bộ quần áo mới, bữa cơm gia đình ngày đầu Xuân thêm tươm tất hơn” - chị Phước chia sẻ.
Tại Công ty Cổ phần In và Bao bì Đồng Tháp, ông Cao Văn Kế, Phó Giám đốc Công ty thông tin, hiện đơn vị có 210 công nhân viên làm việc ở hai phân khu in và sản xuất bao bì thùng carton. Trong đó, do biến động năm 2020, nhà máy sản xuất bao bì carton chỉ sản xuất 2 - 4 ngày/tuần, nên sản lượng giảm đáng kể. Do đó, ngành in phải bù lỗ lương cho công nhân ngành sản xuất bao bì carton, để làm sao giữ chân người lao động nhưng phải đảm bảo mức sống của công nhân lao động. Riêng, mức thưởng Tết Nguyên đán 2021 tại cơ sở, bình quân khoảng 10 triệu đồng/người, cùng phần quà Tết 500.000 đồng, tạo được sự an tâm của tập thể người lao động trong thời điểm đón chào năm mới.
Phó Giám đốc Công ty Cổ phần In và Bao bì Đồng Tháp thông tin thêm, trong tình hình cả nước tích cực phòng chống dịch COVID-19, đơn vị không tổ chức tập trung người lao động để tổ chức “Tết sum vầy” như thường niên. Thay vào đó, bắt đầu từ tháng 1/2021, Ban Chấp hành Công đoàn thực hiện cuộc gặp gỡ (xoay vòng) các đoàn viên có ngày sinh nhật trong tháng, đại diện lãnh đạo các tổ chuyên môn cùng những người lao động tiêu biểu để nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của các công đoàn viên, qua đó, tạo thêm sự gắn kết trong công ty.
Theo Liên đoàn Lao động tỉnh, Đồng Tháp hiện có 1.312 công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn, với hơn 73.000 đoàn viên. Trong thời gian qua, dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Cụ thể, tính đến cuối năm 2020, 11 doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, một doanh nghiệp xin tạm ngưng tham gia bảo hiểm hưu trí và tử tuất đối với 244 người lao động, một doanh nghiệp có kế hoạch không tái ký hợp đồng lao động, đặc biệt, có 1.087 lao động thiếu việc làm. Thu nhập bình quân của người lao động chỉ đạt từ 4,5 - 5,5 triệu đồng/người/tháng, thấp hơn so với nhu cầu sinh hoạt.
Để giải quyết những khó khăn trong dịp cuối năm, các cấp Công đoàn đã trao hơn 27.600 suất quà, tổng trị giá hơn 13 tỷ đồng cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp trao 1.137 suất quà, với tổng số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở vận động gần 5.000 phần quà, với tổng giá trị hơn 3,2 tỷ đồng. Đặc biệt, Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn trao hơn 21.600 suất quà, tổng giá trị hơn 8,5 tỷ đồng. Dịp này,10 mái ấm Công đoàn cũng được trao, với giá trị 400 triệu đồng,…
Ông Trần Hoàng Vũ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết, khác với mọi năm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tổ chức chăm lo cho người lao động trong chương trình “Tết sum vầy - Kết nối yêu thương” không được thực hiện theo hình thức tập trung với các phiên chợ hàng hóa và trao quà Tết…. Thay vào đó, các phần quà được các cán bộ Công đoàn trao trực tiếp tại từng cơ sở, vừa động viên, thăm hỏi công đoàn viên, người lao động, vừa nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động cũng như tình hình từng đơn vị, doanh nghiệp. Đối với Công đoàn cơ sở tùy tình hình, điều kiện từng nơi có thể tổ chức hoạt động "Tết sum vầy" cho đoàn viên, người lao động nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.
Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động, trong giai đoạn khó khăn, việc chăm lo Tết cho người lao động kỹ càng, chu đáo, thiết thực là cách để giữ chân người lao động, cũng như tạo tinh thần cho cán bộ, đoàn viên, người lao động trong tỉnh bước vào năm mới với khí thế mới, ra sức thi đua lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành suất sắc các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao… đóng góp cho sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị công tác và tổ chức Công đoàn.