Với phương châm sống “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, mặc dù mới 24 tuổi đời, nhưng Nguyễn Văn Sơn đã tình nguyện 20 lần hiến máu cứu người.
Chia sẻ về cơ duyên gắn bó với phong trào hiến máu tình nguyện, Nguyễn Văn Sơn cho biết: Giữa tháng 10 năm 2010, bố Sơn không may bị xuất huyết dạ dày phải cần rất nhiều máu để truyền.
Khi đó, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chưa có nhiều hoạt động, nên tình trạng thiếu máu ở các bệnh viện diễn ra thường xuyên.
Hình ảnh những bệnh nhân trẻ tuổi nhợt nhạt, cơ thể run lên trong ngày khan hiếm máu khiến em bị ám ảnh. Nhiều bệnh nhân do không có đủ lượng máu truyền kịp thời nên đã tử vong.
Đối với gia đình Sơn, để cứu người thân, gia đình đã huy động hết tất cả anh em, họ hàng tham gia hiến máu. Có máu kịp thời nên bố Sơn đã may mắn qua cơn hoạn nạn.
Lúc đó, Sơn chưa đủ tuổi và các điều kiện để hiến máu, tuy nhiên, sau lần ấy, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Sơn luôn suy tư và trăn trở, mong muốn được góp giọt máu hồng của mình để giúp đỡ cho những bệnh nhân cần…
Năm 2011, Sơn tham dự kỳ thi đại học và trúng tuyển vào Trường Đại học Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa. Đây là cơ hội để chàng trai 9x phát huy sự năng nổ, hoạt bát của bản thân. Ngoài tham gia các hoạt động tình nguyện tại trường, Nguyễn Văn Sơn còn tham gia vào câu lạc bộ tăng ni, phật tử chùa Thanh Hà (thành phố Thanh Hóa). Khi nhà chùa phát động chương trình hiến máu “Giọt hồng từ bi”, Nguyễn Văn Sơn đã đăng ký tham gia.
“Lần đầu hiến máu, em cũng cảm thấy hồi hộp, run run, nhưng nghĩ rằng nếu mỗi người đều sẵn sàng cho đi giọt máu thì sẽ cứu giúp được thêm rất nhiều bệnh nhân. Có thể ban đầu cây kim có to, cánh tay có đau một chút nhưng trái tim sẽ ấm áp hơn rất nhiều khi biết được rằng sẽ có người được cứu sống nhờ giọt máu đã cho đi của mình.” Sơn bộc bạch…
Nhờ tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, Sơn có cơ hội được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi với nhiều bạn bè. Qua đó, chàng trai biết đến Câu lạc bộ “Trái tim hồng” và nhanh chóng đăng ký tham gia các hoạt động của câu lạc bộ.
Là một trong những tình nguyện viên năng nổ, với phương châm “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, em đã cùng các bạn tình nguyện viên tổ chức và thực hiện các phong trào hiến máu tình nguyện với các chủ đề “Lễ hội xuân hồng”, “Ngày chủ nhật hồng”, “Những giọt máu hồng hè”, “Giọt hồng Blu trắng”, Chương trình “Hành trình đỏ - Kết nối dòng máu Việt” và ngày Hội “Giọt hồng xứ Thanh” được tổ chức hàng năm thu hút sự tham gia của nhiều cán bộ, công chức, đoàn viên, thanh niên và người dân…
Năm 2015, Sơn là một trong 120 tình nguyện viên trong cả nước tham gia chương trình hiến máu xuyên việt “Hành trình đỏ- kết nối trái tim”. Sự kiện này, Sơn có dịp được đi dọc miền đất nước tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện, đặc biệt Sơn được đi tàu ra đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) vận động ngư dân tham gia hiến máu.
Những ngày đầu vận động mọi người hiến máu tình nguyện cũng lắm vất vả, bởi bà con chưa hiểu hết ý nghĩa của hiến máu là như thế nào, nên cứ nghĩ hiến máu là mất máu trong cơ thể và khiến sức khỏe mình yếu đi.
Vì vậy, Sơn và các tình nguyện viên đã tích cực tuyên truyền, giải thích. Mỗi khi vận động, Sơn kể về những lần hiến máu của mình, nhờ người thật, việc thật nên đã tạo được lòng tin ở mọi người.
Trong 4 năm đại học với 20 lần tham gia hiến máu, từ một cậu bé 45 kg, đến nay Sơn đã đạt cân nặng 65 kg, cơ thể cường tráng, khỏe mạnh bình thường.
Để những giọt máu hồng kịp thời đến được với người bệnh, đặc biệt là những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, Sơn và các thành viên câu lạc bộ thường xuyên phối hợp với các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố Thanh Hóa để nắm tình hình như bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Nhi...
Qua đó, mỗi khi có trường hợp cần trợ giúp về máu, các thành viên câu lạc bộ bằng nhiều cách khác nhau phát đi thông báo, kêu gọi các tình nguyện viên, cán bộ công chức, viên chức các cơ quan đơn vị kịp thời hiến máu cứu người.
Nhờ đó, hàng trăm trường hợp bệnh nhân nghèo đã được hồi sinh nhờ những dòng máu nóng đầy nhiệt huyết của các bạn tình nguyện viên câu lạc bộ…
Chia sẻ về kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tham gia hiến máu, Nguyễn Văn Sơn cho biết: Mỗi lần tham gia hiến máu đối với em là một trải nghiệm thú vị.
Tuy nhiên, kỷ niệm đáng nhớ nhất là dịp hè năm 2015, đúng 1h sáng, Bệnh viện Nhi trực tiếp gọi điện thông báo có trường hợp bệnh Nhi cần truyền máu gấp. Không chần chừ suy nghĩ, Sơn đã vượt hơn 40 km trong đêm đến bệnh viện để kịp thời hiến máu cứu người.
Ngoài hiến máu toàn phần, Sơn còn là người đầu tiên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa tham gia hiến máu tiểu cầu. Quy trình hiến máu tiểu cầu yêu cầu khắt khe hơn nhiều so với hiến máu toàn phần.
Bên cạnh đó, tiểu cầu chỉ bảo quản trong vòng 3 ngày, nên Sơn thường xuyên hiến máu trực tiếp trong tình trạng khẩn cấp. Trong 20 lần tham gia hiến máu, Nguyễn Văn Sơn đã 5 lần tham gia hiến máu khẩn cấp và 7 lần hiến máu tiểu cầu. Những giọt máu “hồng” của chàng trai trẻ đã mang lại sự sống cho nhiều bệnh nhi, nhiều mảnh đời éo le, cơ cực…
Không những trực tiếp hiến máu tình nguyện, Sơn cùng các bạn trong Câu lạc bộ Trái tim hồng còn năng nổ tham gia tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và cộng đồng xã hội tham gia hiến máu cứu người.
Với những cách làm sáng tạo, từ năm 2011 đến nay câu lạc bộ đã tuyên truyền vận động trên 18.000 lượt người hiến máu nhân đạo; tổ chức và phối hợp tổ chức 54 chương trình hiến máu quy mô cấp tỉnh, cấp huyện; 1.300 lần hiến máu khẩn cấp với tổng đơn vị máu đã hiến khoảng 4.200 đơn vị.
Tốt nghiệp đại học được vài tháng, Sơn cũng như bao bạn trẻ khác cũng ấp ủ nhiều dự định, kế hoạch cho tương lai. Nhưng với chàng trai trẻ dù ở đâu hay làm công việc gì, Sơn tin tưởng rằng sẽ tiếp tục gắn bó với hoạt động tình nguyện. “Có thể mình sẽ không có thời gian làm tình nguyện viên đi cùng mọi người vận động hiến máu như trước. Nhưng chắc chắn mình sẽ tiếp tục hiến máu và dành nhiều tình cảm cho các hoạt động thiện nguyện này”, Sơn chia sẻ.