Nhằm giúp trẻ có môi trường sinh hoạt bổ ích trong mùa hè và được trang bị thêm nhiều kiến thức, kỹ năng để biết bơi và phòng, chống đuối nước, các ngành, các cấp và đoàn thể trong tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy bơi miễn phí ở các địa phương.
Lớp dạy bơi trực tiếp dưới sông
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 30 hồ bơi đăng ký kinh doanh. Dù còn nhiều khó khăn do điều kiện vật chất các nơi chưa đảm bảo, nhưng với sự quyết tâm bảo vệ trẻ em, các lớp học bơi ngày càng được quan tâm và tổ chức đa dạng, phù hợp với đặc điểm điều kiện của từng địa phương để có thể thu hút nhiều trẻ tham gia và học bơi hiệu quả.
Không khí tại Trường Tiểu học Loan Mỹ B (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) trong những ngày hè khá sôi động khi lớp dạy bơi miễn phí được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Huyện đoàn Tam Bình tổ chức. Do đặc thù tại trường chưa có hồ bơi, cũng không có bể bơi di động, nên việc dạy và học bơi được tổ chức thực tế ngay trên tuyến sông trước cổng trường. Lớp học có gần 40 học sinh tham gia và được chia thành từng nhóm nhỏ để học. Việc dạy bơi trực tiếp dưới sông nên thời khóa biểu không cố định mà phải phụ thuộc vào con nước. Mặc dù vậy, phụ huynh vẫn nhiệt tình đưa trẻ đến lớp đều đặn và hỗ trợ giám sát, nhắc nhở các em nghiêm túc học để tiếp thu những kiến thức mà giáo viên hướng dẫn.
Thầy Huỳnh Anh Tuấn - giáo viên dạy bơi Trường Tiểu học Loan Mỹ B (xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình) cho biết: “Các em ở vùng sông nước nhưng chưa được xuống trực tiếp để bơi ở sông, hồ nên phần lớn là chưa biết bơi. Việc dạy bơi trực tiếp dưới sông tuy khó quan sát và vất vả, nhưng được lợi thế hơn là học sinh tiếp xúc với môi trường nước chảy, giúp các em không nhát nước và nhanh biết bơi. Qua lớp học này, chúng tôi mong muốn trang bị các kỹ năng cho học sinh như: Nổi nước, bơi và sinh tồn trong môi trường nước, đặt biệt là phương pháp chống đuối nước khi không may rơi xuống sông, rạch”.
Bà Thái Thị Loan, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình chia sẻ: “Bà con ở đây rất mừng vì có lớp học này cho các cháu nhỏ. Dù mình sống ở nông thôn, sông nước nhiều nhưng hàng ngày các cháu không có điều kiện để được tập bơi. Cũng mong có thêm những lớp như thế này để các cháu biết bơi vững hơn, giúp phụ huynh nhẹ bớt lo lắng".
Em Huỳnh Ngọc Thịnh, Trường Tiểu học Loan Mỹ B, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình phấn khởi nói: “Ban đầu xuống sông em cũng sợ lắm, không dám bơi, không nổi được. Nhờ các thầy hướng dẫn, dạy cách bơi nên giờ em nổi nước được, bơi và lặn cũng được. Em sẽ cố gắng học để mình bơi tốt hơn và có thể bảo đảm an toàn cho bản thân khi tiếp xúc với sông nước”.
Tại xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, Huyện đoàn Trà Ôn phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện tổ chức lớp bơi cho hơn 50 học sinh. Các đơn vị đã thuê hồ bơi tư nhân tại địa phương, vận động giáo viên dạy bơi và các đoàn viên, thanh niên ở cơ sở cùng tham gia hướng dẫn các em về kiến thức, kỹ năng an toàn, phòng, chống đuối nước, đồng thời luyện tập để các em biết bơi và bơi đúng kỹ thuật.
Chị Trần Thị Hải Yến, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn chia sẻ: “Nhà tôi có 2 bé nhưng không bé nào biết bơi. Gia đình cũng lo lắng khi bé sinh hoạt, học tập sẽ có dịp tiếp xúc với môi trường nước nhưng ba mẹ chưa đủ kỹ năng để dạy cháu biết bơi. Do đó, khi nghe có lớp học bơi và kỹ năng phòng, chống đuối nước đã cho các bé tham gia ngay. Lớp học rất bổ ích, mong rằng những năm sau cũng có những lớp như thế này để trẻ có sân chơi trong dịp hè, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa phát triển kỹ năng bơi và quan trọng là biết được cách để an toàn hơn khi tiếp xúc với môi trường sông, nước”.
Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Trà Ôn Đinh Văn Giàu cho biết, huyện Trà Ôn là địa bàn có hệ thống sông, rạch chằng chịt. Những năm qua, trên địa bàn vẫn còn một số trường hợp tai nạn đuối nước xảy ra đối với trẻ em. Trước tình hình đó, Huyện đoàn đã phối hợp tổ chức mở các lớp bơi dạy miễn phí cho thiếu nhi vào dịp hè. Thời gian tới, Huyện đoàn sẽ vận động thêm nguồn lực để mở một số lớp bơi và lớp kỹ năng sống giúp các em trải nghiệm mùa hè vui và bổ ích hơn.
Chủ động phòng, chống đuối nước cho trẻ
Hè là thời gian cao điểm xảy ra tai nạn thương tích cho trẻ em, nhất là đuối nước. Tỉnh đoàn Vĩnh Long luôn xem công tác tuyên truyền kiến thức, kỹ năng phòng, tránh tai nạn đuối nước là một nhiệm vụ quan trọng trong việc phát huy vai trò chăm sóc và bảo vệ trẻ em. Hằng năm, các cấp bộ đoàn phối hợp với các ngành, địa phương, các đơn vị tài trợ mở những lớp tập huấn kỹ năng dạy bơi và phổ cập học bơi cho giáo viên, học sinh các trường trên địa bàn tỉnh.
Trưởng Ban Thanh thiếu nhi - Trường học Tỉnh đoàn Vĩnh Long Lưu Như Ngọc chia sẻ: “Do còn nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, Đoàn thanh niên các cấp đã linh động tổ chức các lớp dạy trong bể bơi composite đúc sẵn được lắp đặt trong các trường học, một số khác tận dụng sông, rạch dùng lưới che chắn, cắm cọc để làm khu vực dạy bơi. Qua các năm thực hiện, các hồ bơi dã chiến đã phát huy hiệu quả, vừa tiết kiệm chi phí, vừa giúp các em trải nghiệm thực tế trong môi trường nước ở sông, rạch, giúp các em hiểu và tránh xa những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ đuối nước”.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 13 trường hợp đuối nước ở trẻ em. Nhằm thực hiện công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em, Sở đã phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức các lớp dạy bơi, kỹ năng an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em, đồng thời tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức trong chăm sóc và bảo vệ trẻ, tránh tai nạn thương tích và đuối nước. Đặc biệt, trong kỳ nghỉ hè năm 2024, Sở đã phân bổ kinh phí cho các địa phương phối hợp tổ chức 52 lớp tập bơi cho gần 1.600 trẻ em nhằm hướng dẫn các kỹ năng cơ bản về môn bơi lội, kỹ thuật bơi, nắm vững kiến thức phòng, chống đuối nước để có thể tự bảo vệ mình và phương pháp cứu người an toàn khi bị đuối nước.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Phan Hồng Hạnh cho biết: Nguyên nhân dẫn đến đuối nước phần lớn liên quan đến nhận thức về nguy hiểm, nguy cơ đối với trẻ. Do đó, trong thời gian tới, cần tiếp tục tập trung phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức và cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết cho những người chăm sóc trẻ để có thể nhận biết các nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Đặc biệt, tỉnh Vĩnh Long với mạng lưới sông ngòi chằng chịt, nhiều gia đình sống gần bờ sông, ao hồ. Đây là những trường hợp cần được tuyên truyền và cung cấp nhiều kỹ năng để biết cách chăm sóc trẻ tốt hơn. Công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ cũng đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương trong việc cảnh báo kịp thời các khu vực có nguy cơ sạt lở, khu vực sông sâu nguy hiểm... Việc cộng đồng cùng trách nhiệm chung tay phòng, chống đuối nước cho trẻ sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước, mang đến cho các em một mùa hè vui tươi, an toàn.