Nâng tỷ lệ trẻ biết bơi
Khảo sát của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương cho thấy, ở Nam Sách, tỷ lệ biết bơi của học sinh tiểu học đạt 29,8% và học sinh trung học cơ sở đạt 43,6%.
Hè năm nay, huyện Nam Sách tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống tai nạn đuối nước và tai nạn thương tích trẻ em trên địa bàn huyện, nâng cao tỷ lệ trẻ em từ 6 tuổi đến dưới 16 tuổi có kỹ năng bơi. Theo Kế hoạch thực hiện chương trình bơi an toàn phòng chống đuối nước trẻ em hè năm 2024 của huyện, Nam Sách phấn đấu sẽ có thêm ít nhất 5% số trẻ từ 6 đến 16 tuổi biết bơi, tương ứng với khoảng 1.000-1.200 trẻ. Huyện huy động sự vào cuộc của chính quyền các cấp, các ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.
Ở Nam Sách, có 16/19 xã, thị trấn đã có bể bơi. Với các xã chưa có bể bơi, địa phương sẽ thông tin đến gia đình, nhân dân về các điểm dạy bơi ở các xã lân cận để nhân dân có nhu cầu sắp xếp cho con em đi học.
Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, có 4 trường có bể bơi cố định gồm: Tiểu học An Lâm, Hợp Tiến, Mạc Thị Bưởi và Tiểu học – Trung học Cơ sở Hồng Phong; có 4 trường có bể bơi di động (bể thông minh) gồm: Tiểu học thị trấn Nam Sách, Nam Hưng, Tiểu học và Trung học Cơ sở Phú Điền, Tiểu học và Trung học Cơ sở Thanh Quang. Ngoài ra có 5 bể bơi di động và 1 bể bơi cố định của tư nhân là các giáo viên thể chất đầu tư. Huyện cũng có 3 bể bơi ở xã Nam Hồng, Nam Chính và thị trấn Nam Sách. Học phí học bơi áp dụng đối với mỗi học sinh dao động từ 500.000 – 900.000 đồng/người.
Ông Vũ Quang Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Sách cho biết, huyện đã chỉ đạo tăng cường truyền thông về sự cần thiết của việc học bơi, đề cao trách nhiệm của gia đình trong việc đưa con đi học bơi, giám sát và nhắc nhở trẻ về nguy cơ và kỹ năng phòng chống đuối nước và phối hợp chặt chẽ quản lý học sinh dịp hè. Ngay tại lễ tổng kết năm học, các trường đã phát động học sinh tập luyện môn bơi và đăng ký học bơi.
Phòng Văn hóa, thông tin huyện, Huyện đoàn, các xã, thị trấn tập hợp danh sách những huấn luyện viên, giáo viên dạy bơi để sắp xếp cho các giáo viên dạy bơi được tập huấn và cấp chứng chỉ về công tác dạy bơi an toàn, kỹ năng cứu đuối.
Huyện cũng yêu cầu chính quyền các cấp chủ trì, chỉ đạo phối hợp trong tổ chức các hoạt động dạy bơi an toàn, chống đuối nước dịp hè 2024; tăng cường quản lý, kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn tại các điểm dạy bơi; khai thác hiệu quả các bể bơi, ao bơi hợp vệ sinh dạy bơi cho trẻ dịp hè.
Huyện Tứ Kỳ là một địa phương có mật độ sông, ao, hồ nhiều nhất ở Hải Dương. Trước kỳ nghỉ hè, huyện đoàn Tứ Kỳ và công an huyện đã tổ chức tuyên truyền phòng chống tai nạn đuối nước cho khoảng 1.000 học sinh, giáo viên qua đó giúp học sinh nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức để học sinh tự bảo vệ mình, phòng tránh đuối nước.
Ông Dương Hà Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tứ Kỳ cho biết, Ban Chỉ đạo hoạt động hè của huyện cũng yêu cầu huyện đoàn tăng cường tổ chức các khóa học kỹ năng an toàn phòng tránh đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương, năm 2023, tai nạn đuối nước đã khiến 25 trẻ em tử vong. Từ đầu năm đến nay, 10 trẻ đã tử vong vì đuối nước.
Để phòng ngừa tai nạn đuối nước cho trẻ, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương Vũ Trí Quang cho biết, hàng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh đều ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện công tác trẻ em, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đặc biệt chú trọng đến việc phòng, ngừa, giảm thiểu tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có tai nạn đuối nước. Các sở, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình triển khai các hoạt động cụ thể. Mới đây, Sở đã ban hành công văn về việc tiếp tục tăng cường phòng chống tai nạn thương tích đối với trẻ em.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tỉnh đoàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương và các địa phương đẩy mạnh các hoạt động: Tư vấn, giáo dục kiến thức, kỹ năng về an toàn trong môi trường nước cho trẻ em tại trường học, cộng đồng, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; giám sát, trông giữ trẻ an toàn; can thiệp loại bỏ nguy cơ gây tai nạn đuối nước cho trẻ em, phòng, chống đuối nước trong thiên tai, bão lũ. Đồng thời, quan tâm nhân rộng các mô hình phòng, chống đuối nước trẻ em, mô hình dạy bơi an toàn trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các cơ sở dịch vụ có liên quan đến hoạt động bơi lội bảo đảm an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em…
Từ góc độ thực tiễn ở cơ sở, một số địa phương cho rằng cần có thêm cơ chế để khuyến khích việc dạy bơi, học bơi. Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã đề xuất Ủy ban nhân dân huyện đầu tư kinh phí mua bể bơi thông minh cho 9 trường chưa có bể bơi; hỗ trợ cơ sở vật chất như máy bơm hút đáy, sào cứu hộ, áo bơi, phao cứu hộ cho các trường đã có bể bơi; hỗ trợ tiền nước phục vụ hoạt động dạy bơi; hỗ trợ kinh phí mở lớp tập huấn cho giáo viên giáo dục thể chất đủ điều kiện dạy bơi; hỗ trợ học phí và tiền công cho giáo viên dạy bơi dịp hè. Theo đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đưa ra mức đề xuất hỗ trợ 30% học phí cho mỗi học sinh, tương đương 300.000 đồng và hỗ trợ 30% tiền công cho giáo viên dạy bơi, tương đương 100.000 đồng mỗi ca dạy bơi.
Tại Hội nghị Ban chỉ đạo hoạt động hè và chiến dịch tình nguyện hè năm 2024, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng đã yêu cầu Tỉnh đoàn Hải Dương – cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, rà soát lại các chỉ tiêu trong kế hoạch cho phù hợp, bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh và bổ sung đại diện một số sở, ngành. Trong đó, một trong những nhiệm vụ lãnh đạo tỉnh lưu ý cần tập trung là phòng chống đuối nước. Các thành viên Ban chỉ đạo căn cứ cơ sở chức năng của từng đơn vị phối hợp thực hiện để triển khai kế hoạch hoạt động hè và chiến dịch tình nguyện hè hiệu quả.