Cô giáo đến với trẻ khuyết tật bằng tấm lòng và sự đồng cảm

Hơn 26 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, cô Võ Thị Tuyết, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật TP Hồ Chí Minh, chưa bao giờ cảm thán mà còn rất đỗi tự hào khi những việc mình làm đã giúp trẻ kém may mắn thay đổi cuộc đời.

Đồng cảm và đồng hành với phụ huynh

Xuất thân là giáo viên dạy ngữ Văn, cơ duyên đến với trẻ khuyết tật khi cô tình cờ đọc một bài báo viết về những khó khăn trong hành trình hoà nhập cuộc sống của trẻ khuyết tật trí tuệ và sự khó khăn của những gia đình có con bị khuyết tật. Cô Võ Thị Tuyết cho biết, khi mới sinh ra, cô cũng lành lặn như bao đứa trẻ khác nhưng trong một lần trúng bom đạn chiến tranh, cô đã bị mất cánh tay phải.

Chú thích ảnh
Với cô Võ Thị Tuyết, nghề giáo là nghề mà cô rất trân quý nên dù nghỉ hưu cô vẫn sẽ tiếp tục đồng hành với trẻ khuyết tật. 

Sự đồng cảm đến từ bản thân và cô nghĩ mình có thể làm tốt được công việc này nên đã mạnh dạn xin chuyển công tác từ giáo viên dạy Văn về dạy tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập cho người khuyết tật TP Hồ Chí Minh (Trung tâm).

Cô Võ Thị Tuyết cho biết, năm 1997, cô bắt đầu về công tác tại Trung tâm với nhiều bỡ ngỡ và rất nhiều khó khăn do cô không được đào tạo về chuyên môn. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ từ Trung tâm, đồng nghiệp và tự học qua sách vở, cô dần tìm ra phương pháp tốt nhất để dạy trẻ khuyết tật.

“Khi về làm việc tại Trung tâm, tôi thấy một bà mẹ quằn quại ôm đứa con bị khuyết tật về trí tuệ không nhận thức được hay có những đứa trẻ bị khuyết tật về thể chất không đi đứng được... tôi nhìn thấy nỗi đau của người mẹ đó cũng giống như mẹ tôi ngày xưa, tôi càng thấu hiểu hơn”, cô Tuyết chia sẻ.

Theo cô Võ Thị Tuyết, khó khăn lớn nhất của giáo viên dạy trẻ khuyết tật hiện nay đó là làm sao để phụ huynh chấp nhận việc con mình bị khuyết tật và đồng hành với giáo viên trong việc dạy dỗ trẻ. Nếu phụ huynh đồng hành, phối hợp tốt với giáo viên sẽ giúp trẻ mau chóng tiến bộ. Nhận thức về điều đó, cô Tuyết đã đem sự chân thành và lòng nhiệt tình của người giáo viên để mở cánh cửa trở ngại về mặt tâm lý của phụ huynh và sau mỗi giờ học, cô đều dành 15 phút để trò chuyện với phụ huynh.

“Khi tiếp nhận trẻ, vấn đề đầu tiên tôi làm đó là làm bạn với phụ huynh. Tôi cởi mở với họ, chia sẻ với họ vì tôi cũng là người khuyết tật và tôi đã trải qua những khó khăn về cuộc sống, nhưng tôi đã vươn lên. Tôi nói với phụ huynh rằng, ba mẹ hãy đồng hành rồi sẽ thấu hiểu con nhiều hơn”, cô Tuyết chia sẻ.

Đến với trẻ bằng cả tình yêu và sự thấu hiểu

Với sự nhiệt huyết, tận tâm trong công việc và hơn hết là tình yêu trẻ hơn 26 năm qua, dù mỗi ngày phải đi 2 chặng xe buýt với quãng đường hơn 20km từ nhà đến Trung tâm, nhưng cô Tuyết chưa bao giờ nghỉ phép hay đến trễ giờ làm.

Chú thích ảnh
Cô Võ Thị Tuyết được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023.

Dù chỉ có một tay, nhưng cô vẫn làm các công việc như sắp xếp đồ chơi, các dụng cụ dạy học cho trẻ hay bồng bế học sinh của mình bằng một tay còn lại. Cô Tuyết cho biết, công việc của cô là can thiệp sớm cho trẻ từ 0 - 6 tuổi và can thiệp 1 - 1, nghĩa là một cô giáo và một học trò cùng với một phụ huynh. Mỗi một đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, không bé nào giống bé nào và mỗi bé có khó khăn riêng cho nên giáo viên phải hiểu được trẻ muốn gì và cần gì, bởi những đứa trẻ này không nói bằng ngôn ngữ thông thường mà thể hiện qua hành động.

Cô Tuyết kể: Có những đứa trẻ đang ngồi nói chuyện vui vẻ thì tự nhiên đưa tay lên tát vào mặt mình. Hành vi này của trẻ sẽ lặp đi lặp lại. Thấu hiểu hành động trên nên khi thấy con giơ tay lên muốn tát, cô đã nắm tay con nhẹ nhàng, đưa tay con sờ lên mặt cô.

“Con thích cô lắm đúng không? Cái mặt cô nè, mũi cô nè dễ thương đúng không? Nghe lời tôi nói, ánh mắt con nhìn không còn hoảng hốt. Tôi lại nắm tay con chỉ vào khuôn mặt, từ từ chỉ và nói đây là đôi mắt của con, cái miệng con, cái gì cũng đều dễ thương. Điều đó khiến con thay đổi”, cô Tuyết nhớ lại.

Theo cô Võ Thị Tuyết, dù chuyên môn giỏi đến đâu nhưng cô giáo đến với trẻ khuyết tật không có lòng nhân ái, không yêu nghề, không chấp nhận khó khăn khi tiếp cận trẻ, không nhẫn nại, không bao dung, không đồng cảm với trẻ và với phụ huynh thì sẽ khó gắn bó được với nghề.

“Bí quyết để thành công khi dạy trẻ khuyết tật là giáo viên không thể hấp tấp hay rập khuôn, yêu cầu trẻ tiến bộ ngay lập tức, mà cần đồng hành với trẻ, làm bạn cùng phụ huynh. Trẻ phải yêu cô mới chịu hợp tác với cô. Mục đích cuối cùng của giáo viên là giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống bình thường”, cô Võ Thị Tuyết chia sẻ.

Với những cống hiến của cô Võ Thị Tuyết trong suốt gần 30 với nghề giáo, trong đó có hơn 26 năm gắn bó với trẻ khuyết tật, cô đã được Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh trao tặng Giải thưởng Võ Trường Toàn - giải thưởng tôn vinh những người làm trong ngành giáo dục có nhiều cống hiến và mỗi cá nhân chỉ được trao tặng giải thưởng này một lần.

“Tôi đã khóc khi nghe lãnh đạo đọc tên mình trong lễ trao giải, bởi chỉ vài ngày nữa thôi là tôi sẽ nhận được quyết định nghỉ hưu. Giải thưởng là sự ghi nhận của lãnh đạo về những đóng góp của tôi trong suốt thời gian qua. Tuy về hưu, nhưng tôi vẫn tiếp tục đồng hành với trẻ khuyết tật, với nghề giáo, nghề mà tôi trân quý nhất”, cô Võ Thị Tuyết không giấu được niềm xúc động chia sẻ.

Bài và ảnh: Đan Phương/Báo Tin tức
Lớp học tình thương, nơi 'gieo chữ' cho trẻ em khuyết tật
Lớp học tình thương, nơi 'gieo chữ' cho trẻ em khuyết tật

Nhiều năm qua, cô Lê Thị Hòa, Trường Tiểu học Đông Sơn (Chương Mỹ, Hà Nội) miệt mài gieo chữ, mang đến ánh sáng tri thức và niềm vui cho những trẻ em bị khuyết tật không thể đến trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN