Ông Trương Văn Tỏ chăm sóc cánh đồng ngô. Ảnh: Nguyễn Tuấn Anh/TTXVN. |
Về thăm bà con ở tổ tự quản số 3, được nghe tường tận về những khó khăn, chúng tôi càng cảm phục sự cần cù, chịu khó, vượt qua mọi thách thức của tự nhiên để vươn lên trong cuộc sống của người dân. Cũng chính từ những câu chuyện đó, mới thấy được phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ luôn được phát huy trong con người của cựu chiến binh Trương Văn Tỏ.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất Nam Định, năm 1980, ông Trương Văn Tỏ tham gia quân ngũ, đến năm 1984 ông xuất ngũ trở về quê hương. Vốn tính cần cù, chịu khó lại được rèn luyện trong môi trường quân đội, khi thời điểm kinh tế của đất nước còn khó khăn, ông Trương Văn Tỏ đã quyết tâm đi tìm con đường vươn lên làm giàu. Sau những chuyến đi khảo sát, năm 1998 ông quyết định chọn vùng đất thuộc tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng để khai hoang lập nghiệp.
Từ vùng đất hoang vu, xung quanh lại bị cô lập không có đường bộ để tiếp cận, ông Trương Văn Tỏ là một trong những người đầu tiên tham gia khai hoang, với một niềm tin mãnh liệt “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Vượt qua những gian khó thuở ban đầu, vùng đất hoang vu ngày nào đã trở thành những cánh đồng ngô bất tận, dân cư dần tập trung về đây khai hoang lập nghiệp, phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình ông Trương Văn Tỏ sở hữu 8 ha đất trồng ngô, khoai và lúa, trừ mọi chi phí sản xuất hàng năm thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Điều đáng nói, mặc dù canh tác trong điều kiện bị cô lập về địa lý nhưng ông Trương Văn Tỏ đã tiên phong trong việc cơ giới hóa nông nghiệp, đưa máy móc phục vụ toàn bộ quá trình sản xuất. Theo ông Tỏ, đất đai ở đây rộng lớn, màu mỡ nhưng dùng sức người sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế, do đó phải đưa máy móc vào phục vụ sản xuất để tăng năng suất lao động.
Dù đời sống kinh tế trở nên khá giả, nhưng trong suy nghĩ của cựu chiến binh Trương Văn Tỏ chưa bao giờ hết những trăn trở về vùng đất và con người nơi mình đã trọn để lập nghiệp và gắn bó. Ông Tỏ chia sẻ, tổ tự quản số 3, buôn Plao Siêng vốn là vùng biệt lập với xã hội bên ngoài do không có đường bộ để tiếp cận, kéo theo đó là không điện, không trường, không trạm y tế… nên cuộc sống bà con nơi đây đối mặt với không ít khó khăn.
Trong tổ tự quản số 3 chỉ có 42 hộ dân với hơn 170 nhân khẩu, vì không có trường học nên việc đảm bảo cho các cháu được đến trường là điều vô cùng khó khăn. Ông Tỏ tâm sự: Dù khó khăn thế nào cũng phải tạo điều kiện để các cháu đến trường. Vì vậy, ông vận động các gia đình có con trong độ tuổi đi học, vượt qua khó khăn về địa lý và hoàn cảnh để đến trường, bằng cách đưa con em đến gửi tại nhà người quen, thầy cô giáo để các cháu được học tập ở huyện Krông Nô (Đắk Nông). Cũng bằng cách này, những người con của ông Tỏ đã và đang hoàn thành chương trình đại học, trở thành những tấm gương về tinh thần vượt khó hiếu học của người dân trong tổ tự quản số 3.
Theo ông Tỏ, sống trong môi trường khắc nghiệt, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái là điều mọi người trong tổ tự quản phải khắc ghi, có như vậy mới vượt qua mọi thách thức của tự nhiên để cùng nhau phát triển. Cũng vì vậy, mỗi lần có lũ lớn, ngôi nhà cao ráo, kiên cố của ông Tỏ trở thành nơi tránh lũ tập trung của người dân thuộc tổ tự quản số 3, hay chiếc thuyền nhỏ của ông sẽ chở bà con đến nơi an toàn. Khi nước lũ rút đi, mọi người lại giúp đỡ nhau xây dựng lại cuộc sống. “Chỉ cần thấy bà con đoàn kết một lòng, giúp đỡ nhau cùng phát triển là tôi rất vui mừng” ông Tỏ nói.
Ngoài ra, với vai trò là một đảng viên, cựu chiến binh Trương Văn Tỏ không chỉ thường xuyên cập nhập chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền lại cho người dân, mà còn đại diện cho các hộ dân của tổ tự quản số 3 trình bày tâm tư, nguyện vọng lên các cấp chính quyền. Vì vậy, người dân trong tổ gọi ông Tỏ là “cầu nối” giữa nhân dân với chính quyền.
Bản chất kiên cường, bất khuất của người lính không chỉ giúp ông Trương Văn Tỏ làm giàu trên vùng đất khó mà còn giúp ông đồng hành cùng bà con trong tổ tự quản số 3, khắc phục mọi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Ghi nhận những đóng góp đối với sự phát triển của cộng đồng, các cấp xã, huyện đã trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen cho ông Trương Văn Tỏ. Ông Tỏ xứng đáng trở thành tấm gương sáng về ý chí vượt khó, tinh thần tương thân, tương ái để các thế hệ trẻ noi theo.