Già làng Hmirk sống tốt đời đẹp đạo

Già làng Hmirk, sinh năm 1948, là tấm gương sống tốt đời đẹp đạo, là niềm tin yêu và tự hào của dân làng Brel, xã Biển Hồ, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN tỉnh Gia Lai thăm hỏi, động viên già làng Hmirk (mặc áo dân tộc Ja Rai) trong đợt Giáng sinh năm 2017.

Làng Brel có 96 hộ với gần 500 nhân khẩu, 100% là người dân tộc thiểu số Jơ Rai theo đạo Tin lành. Già làng Hmirk chính là chiếc cầu nối để Nhà nước thực hiện tốt chính sách “ý Đảng, lòng dân” trong công tác giữ vững an ninh chính trị cũng như phát triển kinh tế cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Ngoài vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận, ông còn là thành viên trong Ban Chấp sự Tin lành làng Brel. Ông được bà con dân làng Brel tin yêu nể phục không chỉ bởi lối sống đạo đức mà còn là nhân tố "nâng bước" nhiều cuộc đời lầm đường, lạc lối trở về với gia đình, hướng dẫn họ làm kinh tế góp phần phát triển quê hương.

Già làng Hmirk tâm sự: “Muốn bà con tin yêu và làm theo lời mình nói thì bản thân mình phải làm gương mẫu và sống gần gũi, chia sẻ khó khăn với bà con trong cuộc sống hàng ngày.”

Theo già làng Hmirk, những năm 2001 - 2002, trong làng có nhiều đối tượng bỏ gia đình, ruộng rẫy để theo tổ chức phản động Fulro. Điển hình là Hnưch, người từng bị bắt giữ khi đang trên đường vượt biên sang Campuchia. Hơn 6 năm được giáo dục, cải tạo, hiện nay Hnưch đã chí thú làm ăn, không nghe theo lời kẻ xấu xúi giục.

Chúng tôi đến thăm nhà Hnưch khi anh mới đánh được một mẻ cá lớn về. Hnưch phấn khởi cho biết: Ngày trở về, tôi tưởng mọi người sẽ kỳ thị, xa lánh nhưng nhờ có già làng Hmirk đứng ra động viên, “bảo lãnh” nên mọi người đã cho tôi cơ hội làm lại cuộc đời. Già còn hướng dẫn tôi trồng lúa, trồng cà phê để ổn định cuộc sống. Gia đình tôi có ngày hôm nay, tôi rất biết ơn già Hmirk.

Cũng nằm trong số những người bị kẻ xấu lôi kéo năm đó, Nay Salamon chia sẻ, nếu không có già làng Hmirk động viên, khuyên nhủ, tôi cùng một số thanh niên trong làng đã kéo nhau đi vượt biên. Nói đến già làng Hmirk, Nay Salamon tỏ ra rất kính trọng và cho biết, anh rất may mắn khi sống trong cộng đồng có vị già làng uy tín như thế.

Theo già làng Hmirk, lúc đầu công tác tuyên truyền vận động gặp rất nhiều khó khăn vì nhiều đối tượng lẩn trốn không chịu gặp hoặc một vài người chịu nghe vận động nhưng vẫn lén lút làm theo lời xúi dục của kẻ xấu.

Để khắc phục tồn tại này, ông quyết định thực hiện phương châm “mưa dầm thấm lâu”, một ngày đều đặn đôi ba lần ông gặp gỡ và chia sẻ cho họ thấy tác hại, hậu quả của việc nghe theo lời xúi dục của các tổ chức phản động là trái pháp luật, làm khổ gia đình, người thân.

Ngoài ra, thông qua các cuộc họp làng, lễ hội hay những buổi đi lễ nhà nguyện, ông dành nhiều thời gian tuyên truyền, vận động bà con sống có ích, chăm lo gia đình và xây dựng quê hương giàu mạnh. Già Hmirk còn phối hợp tốt với các cơ quan chức năng của tỉnh hỗ trợ xây nhà văn hóa cộng đồng, nhà rông truyền thống cho làng, tạo niềm tin đối với bà con.

Già làng Hmirk (mặc áo dân tộc Ja Rai) tham gia làm đường giao thông nông thôn tại làng Brel.

Sau khi giữ được dân ở lại làng, già Hmirk lại trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế cho bà con. Ông họp làng, vận động người dân tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cà phê, hồ tiêu, chăn nuôi... phù hợp điều kiện thực tế của từng gia đình. Nhờ đó, những diện tích đất rẫy kém năng suất nay đã được thay thế bằng màu xanh bạt ngàn của cà phê, hồ tiêu giống mới, sầu riêng ghép, bơ cao sản xen với bắp, mì, khoai lang cho giá trị kinh tế cao; chăn nuôi gia súc theo mô hình tập trung chuồng trại, không thả rông gây mất vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Trước đây, thu nhập bình quân của dân làng chỉ đạt từ 10 - 20 triệu đồng/năm, nay đã tăng lên 40 - 50 triệu đồng/năm. Nhiều hộ gia đình đã mua sắm được những vật dụng đắt tiền phục vụ sinh hoạt hàng ngày như xe công nông, máy bơm nước, xe máy, ti vi, tủ lạnh…; con cái được học hành đầy đủ, cuộc sống ngày càng được cải thiện và nâng cao. Nhiều năm liền làng Brel đạt danh hiệu làng văn hóa. Bà con làng Brel được ấm no, hạnh phúc như hôm nay, ai cũng một lòng cảm ơn vị già làng đáng kính.

Với vai trò và những đóng góp đáng kể của mình, già Hmirk đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành trao tặng. Bà Đinh Thị Giang, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Gia Lai cho biết: Già làng Hmirk là một gương điển hình tiêu biểu sống tốt đời đẹp đạo tại tỉnh Gia Lai. Với tinh thần là “cây cao bóng cả” của làng, già đã vận động người dân sống đúng pháp luật, có ích cho đời. Người dân và chính quyền đều quý trọng và ghi nhận công lao của già làng Hmirk.

Già làng Hmirk là một trong những cá nhân tiêu biểu được nêu tên trong “Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sỹ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ nhất, năm 2017”.

Bài và ảnh: Hồng Điệp (TTXVN)
Già làng Giàng Chợ Sộng: 'Giữ cột mốc như giữ nhà mình vậy'
Già làng Giàng Chợ Sộng: 'Giữ cột mốc như giữ nhà mình vậy'

Nhiều năm qua, già làng Giàng Chợ Sộng (63 tuổi), dân tộc Mông, ở bản Pu Hao, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) luôn vận động người dân trong bản sát cánh cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh tuyến biên giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN