Mua hàng online, tiện nhiều nhưng lo không nhỏ

Theo kết quả khảo sát của Cục Thương mại điện tử và công nghệ thông tin- CNTT (Bộ Công Thương) mới đây, sản phẩm kém chất lượng so với quảng cáo tiếp tục là trở ngại hàng đầu của người dân trong việc mua sắm trực tuyến- online (81%). Tuy nhiên, 97% số người được khảo sát cho rằng, sẽ vẫn mua hàng qua mạng, tỷ lệ này tăng cao đáng kể so với trước.

Rất nhiều khách hàng chưa thật sự yên tâm với chất lượng các sản phẩm được bán qua online.


Cơ hội “vàng” bán hàng

Thống kê của Tổ chức BMI (Business Monitor International) mới nhất cho hay: Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng Internet lên đến 9% mỗi năm, xếp hạng 15 trên thế giới.

Trong số hơn 92 triệu dân Việt Nam thì lượng người sử dụng Internet là trên 36 triệu người. Vì vậy, việc tiếp cận thông tin, dịch vụ hàng hóa qua kênh mua bán trực tuyến ngày càng có sức lan tỏa.

Một “tín đồ” mua sắm qua mạng, chị Nguyễn Lê Phương Ngọc (ngõ 32 phố An Dương, Quận Tây Hồ - Hà Nội) nói: “Ngoài giờ làm việc thì “lướt” mạng xã hội Facebook là thú vui của tôi. Tôi có thể cập nhật liên tục những mẫu thời trang, vật dụng cá nhân mới một cách nhanh nhất, đặc biệt là những thông tin của những cửa hàng đang giảm giá, khuyến mại”.

Theo chị Ngọc, gần đây nhất qua kênh Facebook, chị đặt mua một bộ váy Hãng Zadora Việt Nam. Mới đầu cũng băn khoăn liệu màu sắc và chất liệu hàng quảng cáo có khác gì khi nhận mặt hàng thực tế.

Để cẩn thận, Ngọc đã “mặc cả” người bán hàng trên mạng là sẽ trả lại hàng nếu không đạt yêu cầu. Hãng Zadora đồng ý. Khi hàng chuyển đến, Ngọc cũng tạm hài lòng với sản phẩm mình chọn.

Làm quen với mua hàng qua mạng từ năm 2012, vài năm gần đây, khi cần mua những sản phẩm điện máy gia dụng thông thường, anh Nguyễn Anh Tuấn vẫn chọn giải pháp mua qua mạng và thanh toán khi nhận được hàng.

Theo anh Tuấn, việc mua hàng qua mạng giúp anh có cái nhìn bao quát về sản phẩm; thông tin chi tiết về sản phẩm được hiển thị qua màn hình; có những phản hồi hai chiều về sản phẩm; có thể tính toán chi phí mà không bị hối thúc hoặc bị nhân viên tiếp thị đi kè kè giới thiệu.

Phần lớn ý kiến cho rằng, hiện có nhiều người mua hàng qua mạng để tiết kiệm thời gian, chưa kể đôi khi còn “săn” được hàng khuyến mãi; có thể so sánh giá cả của những cửa hàng cùng bán một mặt hàng để lựa chọn giá tốt nhất. Điều này góp phần tạo tăng trưởng về doanh thu đáng kể cho các trang web kinh doanh trong lĩnh vực này.

Theo ông Trần Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc tiếp thị chuỗi siêu thị điện máy Thiên Hòa, trước kia, Thiên Hòa vốn là siêu thị kinh doanh theo phương thức bán hàng truyền thống. Tuy nhiên, khi Internet phát triển và xuất hiện xu hướng mua hàng qua mạng, siêu thị đã nhanh chóng đầu tư cơ sở hạ tầng về công nghệ thông tin để đón đầu.

Năm qua, doanh thu mỗi tháng tăng đều 30 - 40%. Với đà này, Thiên Hòa tiếp tục đặt mục tiêu doanh thu bán hàng qua mạng năm 2015 tăng 125% so với năm 2014. Tương tự Thiên Hòa, chuỗi siêu thị Dienmay.com thuộc Công ty cổ phần Thế Giới Di Động cũng tăng trưởng doanh thu đáng kể.

Đại diện bán hàng trực tuyến của Dienmay.com cho hay, 6 tháng cuối năm 2014, doanh thu bán hàng qua mạng tăng gấp 3 lần so với sáu tháng đầu năm. Công ty kỳ vọng năm 2015 sẽ tăng trưởng 300% so với năm 2014.

Giảm tải rủi ro, cần từ nhiều phía

Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn như chị Ngọc, anh Tuấn. Chị Phan Thu Phương (ngõ Thái Thịnh 1, Hà Nội) phàn nàn: “Do không tận mắt nhìn thấy món đồ mình mua nên nhiều trường hợp chất lượng không giống với những gì quảng cáo trên mạng. Nhiều trường hợp, khách hàng bị lừa, đặc biệt khi người bán và người mua ở cách xa nhau. Người bán yêu cầu chuyển khoản tiền hàng trước rồi mới chuyển hàng, nhưng sau khi người mua chuyển tiền thì không liên lạc được với người bán”.

Không chỉ vậy, nhiều khách hàng mua hàng trực tuyến còn lo ngại thông tin cá nhân, dữ liệu thẻ thanh toán bị rò rỉ bởi một số trang web yêu cầu thanh toán online nhưng lại không đảm bảo an toàn. Trong quá trình vận chuyển, hàng hóa có thể bị hư hỏng. Khách hàng khó có thể đổi hoặc trả lại sản phẩm, đặc biệt khi mua hàng quốc tế.

Khảo sát của Bộ Công Thương cho hay, uy tín của người bán hay website bán hàng chính là yếu tố người mua sắm trực tuyến quan tâm nhất, 740 người đã lựa chọn yếu tố này (trong tổng số 900 người khảo sát), tương ứng với tỷ lệ 81%.

Yếu tố giá cả cũng được 80% người mua quan tâm, sau đó là cách thức đặt hàng, thanh toán và giao nhận hàng hóa (68%) và thương hiệu của sản phẩm, dịch vụ (64%).

Trao đổi với phóng viên báo Tin Tức, đại diện Công ty Bkav cho rằng: Ngoài việc sử dụng phần mềm bảo mật thông tin cá nhân trên máy tính và di động thì người tiêu dùng cũng phải tự bảo vệ mình như: Tra cứu thông tin sản phẩm từ các nguồn khác nhau, đối chiếu với sản phẩm gốc trên web chính thức của nhà sản xuất, kiểm tra cẩn thận sản phẩm hoặc nhờ người có chuyên môn kiểm tra giúp. Bên cạnh đó, cần yêu cầu người bán cam kết về chế độ bảo hành, đổi, trả.

Theo Bộ Công Thương, để đảm bảo quyền lợi của mình khi tham gia mua sắm trực truyến, người tiêu dùng cần kiểm tra tính xác thực và hợp pháp của website thương mại điện tử (TMĐT) thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT thuộc Bộ Công Thương tại địa chỉ http://www.online.gov.vn; đọc kỹ các điều khoản chính sách bán hàng.

Khách hàng thực hiện giao dịch trên máy tính hoặc thiết bị di động phải cẩn trọng, đảm bảo tính bảo mật cao. Nếu sử dụng mạng không dây, nên kiểm tra việc mã hóa đường truyền để đảm bảo bên thứ 3 không thể thu thập trái phép dữ liệu của bạn. Đặc biệt, với những giao dịch lần đầu hoặc giao dịch có giá trị lớn, hạn chế chuyển hết tiền cho người bán trước khi nhận hàng.

Đối với người sử dụng mạng xã hội, nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân trên môi trường trực tuyến; thận trọng với các quảng cáo qua email, bài viết hoặc các chia sẻ trên mạng xã hội; không tin vào những email đề nghị cung cấp tên tài khoản, mật khẩu, thông tin cá nhân, thông tin tài chính; các email có gửi kèm đường link và đề nghị bạn nhấn vào đường link đó.

Trước trào lưu kinh doanh TMĐT trên các mạng xã hội “nở rộ”, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 47/2014/TT-BCT có hiệu lực từ ngày 20/1/2015.

Theo đó, các mạng xã hội có một trong các hình thức hoạt động sau sẽ phải tiến hành thủ tục đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch TMĐT như: website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; website có chuyên mục mua bán, trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ.

Nội dung Thông tư số 47 còn quy định rõ trách nhiệm của cá nhân bán hàng trên các mạng xã hội như: Phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)… cho chủ sàn giao dịch TMĐT khi đăng ký sử dụng dịch vụ; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa; đảm bảo tính chính xác, trung thực về thông tin của hàng hóa, dịch vụ cung cấp hàng hóa trên sàn giao dịch TMĐT.


Minh Phương

Cấm bán hàng đa cấp qua gian hàng trực tuyến
Cấm bán hàng đa cấp qua gian hàng trực tuyến

Mô hình kinh doanh đa cấp thông qua các gian hàng trực tuyến trên mạng internet có thể bị cấm trong thời gian tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN