Mua hàng trực tuyến - Để người tiêu dùng không bị thiệt

Chỉ cần một cái click chuột, người tiêu dùng (NTD) hiện nay có thể dễ dàng sở hữu một món hàng yêu thích mà không cần phải mất nhiều thời gian đến trung tâm mua sắm để lựa chọn hay khuân vác về nhà. Cùng với tiện ích không thể chối cãi, NTD cũng đang chuốc không ít bực mình do mua sắm trực tuyến tại các địa chỉ không đáng tin cậy.

“Quả đắng” mua hàng online

Anh Duy ở 193/24B Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP Hồ Chí Minh vẫn chưa hết khó chịu khi nhớ lại câu chuyện mua hàng trên mạng chỉ cách đây vài ngày. Trong một lần lên mạng, anh vào website cungmua.com đang gây “sốt” trong giới công nhân viên chức, văn phòng hiện nay về giảm giá “khủng”. Anh đăng ký mua 2 bình giữ độ nóng, lạnh có giá hơn 100.000 đồng/bình và một phiếu tân trang xe gắn máy được quảng cáo bằng công nghệ hiện đại nhất giúp xe bị trầy xước, cũ… thành bóng mượt như xe mới giá hơn 160.000 đồng/phiếu (sau khi “được” giảm gần 60%). “Tuy nhiên tại khu vực chuyên bán đồ gia dụng ở đường Nguyễn Phúc Nguyên, cái bình đó chỉ có giá 65.000 đồng/bình. Khách mua phiếu tân trang xe máy cũng bực mình vì quảng cáo thì hay mà chất lượng rất tệ”, anh cho biết.

Người tiêu dùng cần trang bị những kiến thức cần thiết về mua hàng trực tuyến.


Bận rộn không có nhiều thời gian mua sắm, chị Ngọc nhà ở Phú Mỹ Hưng quyết định chọn phương thức thanh toán trực tuyến khi mua hàng điện tử tại siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Sau khi chọn hai món hàng vừa ý, chị được nhân viên hướng dẫn đăng ký thực hiện chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng đến doanh nghiệp qua một website trung gian là nganluong.vn. Nhưng loay hoay mất 3 tiếng mà chị vẫn không thanh toán được vì có quá nhiều thủ tục phiền hà và đòi hỏi NTD phải có khả năng về công nghệ thông tin.

Thống kê chưa đầy đủ của Vụ Thương mại điện tử (Bộ Công Thương), hiện có đến hàng trăm website mua bán qua mạng. Các website bán hàng online đang hoạt động và phát triển như những trung tâm thương mại, khu chợ thực sự với hầu hết các mặt hàng, phong phú về mẫu mã và chất lượng. Theo bà Nguyễn Mai Vy, Giám đốc website tìm việc trực tuyến hàng đầu hiện nay timviecnhanh.com, do phần lớn các website mua sắm chỉ có chức năng duy nhất là đăng bán sản phẩm, mọi hoạt động sau đó đều do sự thống nhất giữa người mua và người bán. Vì vậy, nếu NTD chưa trang bị những kiến thức vững vàng về thị trường, công nghệ… rất dễ “ăn quả đắng” cả về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.

Siết chặt quản lý

Kết quả khảo sát mới nhất của Net Index 2011 về xu hướng sử dụng Internet tại Việt Nam, chỉ có 18% người trả lời khảo sát cho biết đã có thực hiện giao dịch trực tuyến trong 12 tháng qua, có 61% người trả lời rằng không có ý định mua hàng trên mạng trong 12 tháng tới và chỉ có 2% sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử. Nguyên nhân do NTD hoài nghi về chất lượng sản phẩm trên mạng so với bên ngoài khác xa nhau và NTD vẫn chưa thật sự tin tưởng vào sự an toàn của việc thanh toán trực tuyến. Nhiều năm theo dõi hoạt động mua bán trực tuyến, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ NTD cho rằng, hiện nhiều website vẫn chưa thoát căn bệnh: Thông tin không chính xác; giao hàng không đúng như mô tả; lừa dối NTD…

Là đơn vị quản lý, cấp quyền hoạt động các website bán hàng trực tuyến, Bộ Công Thương đang nỗ lực đề ra các chính sách nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của NTD. Trong đó, Thông tư “Quản lý hoạt động của các website thương mại điện tử” do Bộ Công Thương xây dựng được kỳ vọng là một văn bản định hướng quan trọng và cần thiết trong việc quản lý hoạt động của hoạt động kinh doanh trực tuyến còn non trẻ tại Việt Nam. Điểm mấu chốt trong văn bản này là người bán hàng phải tuân thủ các quy định pháp luật; đồng thời, giữa các thành viên phải có hợp đồng chi tiết cung cấp dịch vụ. Ngoài ra, các website phải lưu trữ thông tin liên quan tới việc giao kết hợp đồng bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ cũng như có cơ chế cụ thể giải quyết những mâu thuẫn phát sinh.

Lê Nghĩa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN