Chưa quen mua hàng trực tuyến

Hiện nay, số người sử dụng internet tại Việt Nam đang tăng, mạng xã hội thu hút đông đảo cộng đồng tham gia. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng và phát triển thị trường bán lẻ trên mạng. Tuy nhiên, thói quen của người Việt Nam sử dụng internet vẫn chủ yếu để chat và đọc tin tức, còn mua hàng trực tuyến vẫn chưa mặn mà.

Cửa đã mở

Theo khảo sát thị trường về xu hướng người sử dụng internet tại Việt Nam (Net Index 2011) do Yahoo! và hãng nghiên cứu thị trường Kantar Media công bố tháng 8 vừa qua, môi trường sử dụng internet đã thay đổi nhanh chóng trong năm qua. Nếu như năm 2010, tỷ lệ truy cập tại gia đình 75% thì năm 2011 tăng lên 88%. Đáng chú ý, đọc tin tức trên mạng đang là hoạt động phổ biến nhất hiện nay, chiếm đến 97%; tiếp theo là việc truy cập vào các cổng thông tin điện tử với gần 96% số người sử dụng internet.

Ông Trương Sĩ Ánh - Giám đốc nghiên cứu Kantar Media Việt Nam cho rằng, với tốc độ phát triển internet mạnh mẽ, việc phát triển kinh doanh trực tuyến thật sự đang là mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp (DN). Theo đó, không ít các DN Việt đã từng bước khẳng định thành công khi kinh doanh trên mạng song song với các cửa hàng.

Nhiều người sau khi mua hàng trên mạng đã thất vọng vì chất lượng không như quảng cáo.


Ông Hà Thanh - Trưởng phòng kinh doanh Công ty Việt Phát (chuyên sản xuất kinh doanh giày thể thao) cho biết, từ khi tham gia bán hàng trên mạng đến nay, doanh thu của công ty tăng khoảng 30%. Hiện doanh số qua thương mại điện tử (TMĐT) chiếm khoảng 80% doanh số bán hàng của công ty, cơ hội bán hàng của công ty cũng tăng, thị trường được mở rộng khắp các khu vực trên các châu lục, thời gian giao dịch được rút ngắn, tỷ lệ giao dịch thành công tăng 40%.

Mạng xã hội cũng được các DN xem là cơ hội để đầu tư phát triển thị trường bán lẻ. Theo khảo sát của Net Index 2011, hiện có 87,5% người sử dụng mạng xã hội, chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 15 - 34 (chiếm 71%). Zing Me – một trong mạng xã hội thuần Việt do Công ty VNG xây dựng đã thu hút 6,8 triệu thành viên tham gia đã mang về lợi nhuận đáng kể, xây dựng nhiều kho ứng dụng để kinh doanh. Theo đó, với 20 ứng dụng trong năm 2010, Zing Me đã kiếm hơn 30 tỉ đồng/tháng. “Dự kiến cuối năm 2011, con số ứng dụng sẽ lên 60 và doanh thu lên tới 80 tỉ đồng/tháng” - ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc Công ty VNG cho biết.

Sự phát triển mạnh của internet và mạng xã hội như một dòng nước chảy vào tận ngóc ngách trong cuộc sống của con người và đang ngày càng chứng tỏ sức mạnh của mình. Vì vậy, ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Marketing baomoi.com cho rằng, xu hướng truyền thông xã hội đang là cơ hội kinh doanh và cũng là thách thức cho tất cả các doanh nghiệp, nhãn hàng, các nhà cung cấp nội dung và phát triển ứng dụng.

Vẫn nhiều rủi ro

Với sự phát triển sôi động của thương mại điện tử, đặc biệt là thị trường thế giới, rất nhiều DN xuất nhập khẩu mong muốn đẩy mạnh hình thức kinh doanh. Nhưng tại Việt Nam, người dân vẫn chưa mấy mặn mà. Qua kết quả khảo sát của Net Index 2011, chỉ có 18% người trả lời khảo sát cho biết đã có thực hiện giao dịch trực tuyến trong 12 tháng qua, có 61% người trả lời rằng không có ý định mua hàng trên mạng trong 12 tháng tới, 39% cho rằng “có thể sẽ mua”. 93% cho biết họ thanh toán bằng tiền mặt trực tiếp khi mua hàng trên mạng, chỉ có 18% trả qua tài khoản ATM, 11% có trả qua thẻ tín dụng và chỉ có 2% sử dụng dịch vụ ngân hàng điện tử (internet banking).

Theo ông Trương Sĩ Ánh, điều này cho thấy thói quen mua hàng trên mạng vẫn chưa nhiều do tâm lí hoài nghi về chất lượng sản phẩm trên mạng so với bên ngoài khác xa nhau. Người dùng vẫn chưa thật sự tin tưởng vào sự an toàn của việc thanh toán trực tuyến. Vì thế, người sử dụng internet phần lớn chủ yếu tìm hiểu thông tin về hàng hóa, giá cả mình cần quan tâm hơn là mua hàng trên mạng.

Thực tế, nhiều người sau khi mua hàng trên mạng đã thất vọng vì chất lượng không giống như quảng cáo. Tùng Dương (sinh viên năm cuối khoa Mỹ Thuật – ĐH Văn Lang TP.HCM) cho biết: “Tháng trước, em vừa đặt mua một giỏ xách của một shop online ngoài Hà Nội với giá 300.000 đồng. Thế nhưng, do người bán gửi nhầm địa chỉ, phải hơn 1 tuần sau hàng mới đến nơi. Điều đáng buồn hơn, mẫu giỏ xách thì đúng, nhưng chất liệu lại rất “rởm”. Tiếc tiền nhưng vẫn phải ngậm ngùi chấp nhận vì mình không nhìn tận mắt, sờ tận tay để có thể từ chối ngay như mua hàng trực tiếp...”.

Nhưng dù sao, nhận được hàng vẫn còn là may mắn. Nhiều người mua hàng trên mạng đôi lúc tiền đi, nhưng hàng thì không đến. Ngọc Linh – nhân viên một công ty truyền thông tại quận 3, TP.HCM bức xúc: “Có kinh nghiệm mua hàng trên mạng như vậy, em vẫn bị lừa. Bởi hiện nay, trên các trang web mua bán và mạng xã hội, rất nhiều shop online, ban quản lý trang web khó mà kiểm soát hết được. Vì thế, sau lần bất thành, em chẳng tin tưởng việc mua hàng trên mạng”.

Chính vì mất niềm tin vào cách bán hàng theo kiểu “chụp giựt”, mua hàng trực tuyến vẫn ít được người tiêu dùng quan tâm.

Hải Yên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN