Theo thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam có khoảng 10 mạng xã hội tầm trung với số lượng người dùng khoảng 1 triệu người/mạng. Bên cạnh đó còn có hơn 400 mạng xã hội dưới dạng các diễn đàn, forum. Các mạng xã hội lớn do người Việt phát triển có thể kể tới như Zalo, Mocha, Lotus.
Sự xuất hiện liên tiếp của các mạng xã hội Việt Nam vài năm gần đây cho thấy xu thế vươn lên của nền tảng nội cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Theo nghiên cứu thị trường ANTS, hai “ông lớn” Google và Facebook hiện chiếm gần 70% thị phần quảng cáo số, chiếm gần 400 triệu USD doanh thu quảng cáo tại Việt Nam. Trong khi đó, các nền tảng quảng cáo trực tuyến trong nước và các báo điện tử, đài truyền hình... chỉ chia nhau 30% thị phần, tương ứng với 150 triệu USD còn lại.
Ông Nguyễn Văn Hạ, CEO của mạng xã hội du lịch Hahalolo cho biết: Mạng xã hội Hahalolo hướng đến thị trường ngách chuyên về mảng du lịch tích hợp các dịch vụ. Sau gần 2 năm, mạng thu hút hơn 6 triệu người dùng. Để tồn tại, mạng xã hội chuyên biệt du lịch khai thác những thế mạnh từ chính văn hóa, thói quen của người Việt và sự hỗ trợ, tư vấn khi sử dụng dịch vụ.
“Việc xây dựng mạng xã hội thu hút nhiều người dùng sẽ có dữ liệu ngày càng lớn. Với sự phát triển của công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) và big data (dữ liệu lớn)… Khi đó, mọi thói quen, hành vi của cá nhân sẽ được lưu trữ và đó là lợi ích mà các công ty quảng cáo nhắm đến. Đơn cử, khi tìm kiếm (seach) về một sản phẩm nào đó từ google, facebook thì ngay lập tức các trang này sẽ hiển thị liên tục chính mặt hàng đó giới thiệu cho người dùng. Đây chính là đích mà xây dựng mạng xã hội nhắm đến”, ông Nguyễn Quang Thái, chuyên gia công nghệ thông tin chia sẻ.
Mặc dù ý thức được xây dựng mạng xã hội cho người Việt nếu thu hút được nhiều người dùng sẽ rất có lợi về dữ liệu và thu hút nhiều quảng cáo nhưng chi phí đầu tư nền tảng rất lớn.
Ông Ngô Minh Đức, Chủ tịch nền tảng xã hội Gotadi chia sẻ: “Để xây dựng một mạng xã hội nhiều người tương tác đầu tư rất lớn. Chúng tôi rót vào kênh đầu tư này như thùng không đáy. Trước hết là đầu tư về nhân sự, xây dựng nền tảng sáng tạo khác biệt với nước ngoài”.
Lý giải cho nhiều mạng xã hội Việt Nam vẫn chưa có sự “bứt tốc” các nền tảng vẫn là một bản sao của Facebook. Nếu chỉ là một bản sao, các mạng xã hội sẽ chưa thể hút khách hàng từ các đối thủ lớn đến từ quốc tế. “Nhân sự công nghệ Việt Namchủ yếu định hướng gia công sản phẩm hơn là xây dựng và sáng tạo sản phẩm”, ông Ngô Minh Đức thẳng thắn chia sẻ.
Các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ thừa nhận để thu hút người dùng không khó nhưng quan trọng nhất vẫn là duy trì sự tương tác. Để thay đổi thói quen, với người dùng Việt Nam luôn đặt câu hỏi: Tại sao phải sử dụng chúng thay vì các mạng xã hội ra đời trước đó và tính năng mới là gì?
Để làm được điều này, các nền tảng mới phải giải quyết được vấn đề của chính những mạng xã hội hiện nay, đó là khả năng bảo mật thông tin người dùng, việc xác thực danh tính thành viên để kiểm soát tin tức giả mạo (fake news) và kiểm soát quảng cáo các sản phẩm, dịch vụ bất hợp pháp.
Trong một nền kinh tế số, các mạng xã hội sẽ không thể tồn tại và cạnh tranh với các sản phẩm ngoại khi hoạt động riêng lẻ. Do vậy, hơn lúc nào hết, để có thể thành công, các mạng xã hội cần phải có được một hệ sinh thái hỗ trợ. Đó phải là một hệ sinh thái các sản phẩm số của người Việt Nam.
“Tại Việt Nam, vấn đề trở ngại không nhỏ là việc hợp tác với các doanh nghiệp khác. Khi Gotadi đề nghị hợp tác với một số đơn vị dịch vụ luôn nhận được câu hỏi ngược lại rằng nền tảng này có gì hơn so với các trang nước ngoài. Do đó, chúng tôi rất cần sự hợp tác các doanh nghiệp trong nước cũng như sự hỗ trợ từ Chính phủ về các chính sách thuế, cạnh trạnh công bằng”, ông Ngô Minh Đức chia sẻ.
Đồng quan điểm này, khi chia sẻ tại diễn đàn Make in Vietnam, bà Nguyễn Hoàng Phương, Tổng giám đốc Be Group cho rằng, mỗi quốc gia có luật riêng. Do đó, một mạng xã hội để phát triển ở quy mô toàn cầu cũng phải có cho mình những bộ lọc, có thể biến đổi linh hoạt tùy theo hệ thống pháp luật của từng nước. Chúng tôi hy vọng sẽ có những chính sách tốt hơn cho doanh nghiệp thuần Việt song song với quy định chung. Các startup là những mầm cây, khi bước ra khỏi vườn ươm, chúng tôi mong muốn nhận nhiều hơn nữa sự hỗ trợ từ Chính phủ và khách hàng. Nếu doanh nghiệp trong nước không đứng lên, làm chủ những mảng kinh doanh cốt lõi sẽ thua ngay trên sân nhà. Người Việt Nam cần làm chủ công nghệ, hệ sinh thái số thuần Việt để cạnh tranh và vươn ra thế giới.
Với những hành động quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái số Việt Nam, hy vọng trong vài năm nữa, các mạng xã hội trong nước cũng với nỗ lực của chính doanh nghiệp và sự liên kết sẽ dần trở thành sản phẩm được yêu thích của người Việt và lấy lại thị phần trên sân nhà, từ thị phần quảng cáo đến dữ liệu về thông tin khách hàng.