Theo đó, Dự án này có tổng diện tích 895,5 ha, được phê duyệt đầu tư từ năm 2011, được UBND tỉnh Gia Lai cho thuê đất năm 2014. Tuy nhiên, đến thời điểm thanh tra (tháng 1/2022), tức là sau 11 năm, doanh nghiệp mới chỉ hoàn thành một số công đoạn chuẩn bị đầu tư như: Đào hào chống xâm lấn, bảo vệ rừng; làm nhà tạm để sinh hoạt bảo vệ rừng; xây dựng vườn ươm cây giống và tổ chức kiểm đếm lập hồ sơ thiết kế khai thác tận thu. Đáng nói, doanh nghiệp này chưa trồng cao su và chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính với nhà nước số tiền hơn 13,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đề cập đến việc UBND tỉnh Gia Lai đã ra Thông báo số 83/TB-UBND ngày 11/9/2017 về ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh với nội dung "tiếp tục cho phép Công ty Cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai triển khai dự án trên diện tích 209,5 ha đất lâm nghiệp chưa có rừng. Đối với diện tích 554,4 ha đất rừng tự nhiên nghèo kiệt, UBND tỉnh tiếp tục cho Công ty thuê đất để quản lý và bảo vệ diện tích rừng hiện có". Điều này không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 191/TB-VPCP và vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 135 Luật Đất đai 2013.
Do đó, Thanh tra Chính phủ yêu cầu UBND tỉnh Gia Lai chấm dứt hoạt động dự án, thu hồi đất theo quy định và tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016.
Liên quan đến Dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, mới đây UBND tỉnh Gia Lai đã có kiến nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép được chuyển đổi diện tích cao su bị chết, kém phát triển sang các dự án khác gồm 16.000 ha cao su (trong đó có 12.000 ha đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm kê và hơn 4.000 ha mới phát sinh). Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc chuyển đổi cao su sang cây trồng khác ngoài lâm nghiệp phải tuân theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Nếu chuyển mục đích sử dụng rừng trồng thì phải trồng rừng thay thế bằng một diện tích tương đương; đối với rừng tự nhiên phải trồng rừng thay thế bằng 3 lần diện tích chuyển đổi.
Trước đó, để thực hiện chủ trương chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, từ năm 2008 - 2011, tỉnh Gia Lai đã cho 16 doanh nghiệp triển khai 44 dự án ở các huyện Chư Prông, Ia Grai, Chư Pưh, Đức Cơ và Ia Pa. Các doanh nghiệp đã trồng được hơn 25.500 ha cao su trên diện tích rừng nghèo được chuyển đổi. Sau hơn 10 năm thực hiện, đa số cao su còi cọc, kém phát triển, bị chết và cháy.
Kết quả kiểm kê mới nhất của tỉnh Gia Lai, đối với dự án chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, đến nay, diện tích cao su sinh trưởng bình thường là hơn 9.000 ha, diện tích cao su kém phát triển là hơn 14.000 ha, diện tích cao su bị chết gần 2.500 ha. Nguyên nhân cây cao su bị chết là do đất đai thổ nhưỡng không phù hợp; ở rừng khộp, tầng đất canh tác có độ sâu khoảng 50 cm, chỉ đủ điều kiện để rễ cọc cao su phát triển trong 2 - 3 năm đầu, đến những năm sau, cây sẽ không phát triển được hoặc chết.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích cao su chết và kém phát triển, tỉnh đã hướng dẫn các doanh nghiệp khẩn trươngthực hiện. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 5 năm triển khai, vẫn chưa có mô hình chuyển đổi nào được đánh giá là thành công và phù hợp để có thể nhân rộng.