Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như dịch bệnh, giá nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường bị thu hẹp…, nhưng ngành thủy sản vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013 của Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - NN&PTNT) diễn ra hôm qua (25/12), Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, trong năm 2013, cá tra vẫn sẽ là một trong những thế mạnh xuất khẩu và ngành sẽ tích cực có nhiều biện pháp để phát huy lợi thế này.
Chế biến sản phẩm xuất khẩu tại Công ty CP Thủy sản Bình An (Cần Thơ). |
Theo nhận định, năm 2012 là một năm nhiều khó khăn với ngành thủy sản. Ngay từ đầu năm ngành đã phải đối mặt với dịch bệnh trên tôm, cá tra, nghêu… Bên cạnh đó, việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn nhiều thách thức như: phương tiện khai thác đánh bắt hải sản xa bờ của ngư dân còn lạc hậu, tập quán nuôi trồng của một bộ phận nông dân còn tự phát. Cùng với đó, các thị trường nhập khẩu thủy sản liên tục đối mặt với những cảnh báo về dư lượng hóa chất cấm hoặc hạn chế sử dụng.
Mặc dù vậy, kết quả sản xuất của ngành thuỷ sản vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tổng sản lượng thủy sản cả năm ước đạt 5,8 triệu tấn, tăng 8,5% so với năm 2011. Trong đó, sản lượng khai thác đạt 2,6 triệu tấn, tăng 10% và sản lượng nuôi trồng đạt 3,2 triệu tấn (tăng 6,8%). Riêng tôm nước lợ và cá tra, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng vẫn tăng cả về diện tích và sản lượng. Trong đó, sản lượng tôm ước đạt 500 nghìn tấn, tăng 0,9%. Sản lượng cá tra ước đạt 1,19 triệu tấn, tăng 3,4%. Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản ước tính đạt 6,12 tỷ USD.
Dự báo, năm 2013 do tình hình dịch bệnh đối với tôm và khó khăn về vốn, nên khả năng diện tích nuôi tôm sú sẽ giảm. Trong khi đó, diện tích nuôi thủy sản nước ngọt truyền thống được dự báo sẽ tăng do ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trên diện rộng và đáp ứng nhu cầu trong nước tăng.
Đối với khai thác thủy sản, trong năm 2013, nhiều khả năng số lượng tàu khai thác xa bờ tiếp tục bám biển dài ngày sẽ được duy trì ổn định do được hưởng chính sách hỗ trợ nhiên liệu. Tuy nhiên, do các diễn biến phức tạp về ngư trường, thời tiết và nguồn lợi suy giảm nên có thể sẽ ảnh hưởng đến sản lượng khai thác.
Giải quyết vướng mắc cho cá tra
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, trong năm 2013, những mặt hàng thủy sản sẽ là thế mạnh của Việt Nam gồm: tôm nước lợ, cá tra, nhuyễn thể, cá ngừ đại dương.
Riêng việc phát triển cá tra ở nước ta có nhiều lợi thế nhưng việc tổ chức sản xuất đối với mặt hàng này cũng còn nhiều bất cập. Đây là một trong những yếu tố dẫn đến năng suất cá tra bình quân năm 2012 giảm so với trước, chỉ còn 274 tấn/ha, trong khi năm 2011 là 305 tấn/ha. Đặc biệt, năm 2012 sản xuất và kinh doanh cá tra gặp nhiều khó khăn về vốn và về giá. Tiêu thụ cá tra sụt giảm ở nhiều nước cũng đã ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và kinh danh cá tra.
Để tháo gỡ khó khăn cho mặt hàng này trong năm 2013, Thứ trưởng Vũ Văn Tám đề nghị các Viện nghiên cứu phối hợp với Tổng Cục Thủy sản tập trung nguồn lực rà soát lại cơ chế chính sách đối với 5 đối tượng thủy sản trong đó đặc biệt lưu tâm tới cá tra.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm tới của ngành là tổ chức lại sản xuất, xuất khẩu cá tra bền vững. Cụ thể, sẽ tổ chức lại sản xuất trong nước theo hướng liên kết chuỗi giữa sản xuất, cung nguyên liệu với chế biến, xuất khẩu. Đồng thời, phải tổ chức lại các doanh nghiệp xuất khẩu theo hướng có kiểm soát và có điều kiện. Tổng cục Thủy sản đang tham mưu cho Bộ NN&PTNT trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị định về quản lý, sản xuất và xuất khẩu cá tra, tương tự như kinh nghiệm đã thực hiện đối với quản lý xuất khẩu gạo. Theo đó, việc xây dựng Nghị định đặt mục tiêu phát triển cá tra một cách bền vững, kể cả về chế biến và xuất khẩu và nâng cao giá trị, đặc biệt là giá trị gia tăng để người nuôi được hưởng lợi và giảm bớt rủi ro.
Trước nhiều phản ánh của người dân và các doanh nghiệp về việc không tiếp cận được vốn để sản xuất, kinh doanh cá tra,Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định: “Trách nhiệm này thuộc về ngân hàng. Thủ tướng đã có công văn chỉ đạo cụ thể và cũng đã có hướng dẫn”.
Cùng với những giải pháp nêu trên, ngành thủy sản sẽ cùng với VASEP giải quyết vướng mắc, hạn chế rào cản, mở rộng thị trường, nâng chất lượng sản phẩm để đáp ứng được yêu cầu của thị trường, cả những thị trường khó tính nhất.
Mạnh Minh