Xuất khẩu sẽ bị tác động mạnh
Theo các chuyên gia kinh tế, việc Tổng thống Mỹ Donal Trump đe dọa áp thuế 10% lên 300 tỷ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc kể từ đầu tháng 9 tới là một trong nguyên nhân chính kích hoạt đà giảm mạnh trở lại của đồng NDT. Việc vượt qua ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD cách đây 3 ngày và tiếp tục duy trì ở ngưỡng này cho thấy những căng thẳng khó kiểm soát giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trước khó khăn từ thương mại với Mỹ, Trung Quốc cũng ít nhiều có động lực để cho đồng NDT giảm giá nhằm hỗ trợ xuất khẩu. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng hoàn toàn không muốn một kịch bản giảm giá mạnh của đồng nội tệ.
Lý do là Trung Quốc không muốn kích hoạt một làn sóng rút vốn nước ngoài mạnh hơn nữa, gây thêm bất ổn kinh tế vĩ mô; đồng thời làm xói mòn dự trữ ngoại hối của nước này như đã từng diễn ra trong giai đoạn 2014 - 2015.
Sau khi phá ngưỡng 7 NDT đổi 1 USD (ngày 5/8) khiến thị trường tài chính hỗn loạn, sang ngày 6/8, Trung Quốc bắt đầu có động thái hạn chế sự suy giảm của đồng NDT. Tuy vậy, việc tỷ giá NDT/USD xuyên qua mức 7 NDT đã khiến đồng tiền của các thị trường mới nổi khác ít nhiều chịu áp lực.
Nhóm phân tích của BVSC nhận định, với Việt Nam, tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên Ngân hàng Nhà nước vẫn đang còn khá nhiều “dư địa” để điều hành trước diễn biến mới của đồng NDT. Dù có thể chịu sức ép giảm giá theo NDT nhưng Ngân hàng Nhà nước sẽ có các giải pháp điều hành, không để VNĐ giảm giá quá sâu (trên 3%) nhằm tránh rủi ro.
Tuy vậy, về mặt xuất khẩu, rõ ràng các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc đang phải chịu nhiều khó khăn, áp lực khi đồng Nhân dân tệ liên tục giảm sâu.
Theo ông Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính, trong thời gian gần đây, xuất khẩu (nhất là các mặt hàng nông sản) qua Trung Quốc liên tục gặp khó khăn khi chính quyền nước này ban hành những quy định mới về nhập khẩu, có những yêu cầu cao hơn về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát sản phẩm…
Hơn nữa, việc đồng NDT giảm giá sâu sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu do giá hàng hoá Việt Nam trở nên đắt hơn so với hàng Trung Quốc. Điều này làm cho một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu gặp áp lực về hiệu quả kinh doanh và xuất khẩu qua Trung Quốc sẽ giảm cạnh tranh hơn so với hàng hóa nội địa của nước này.
Ở chiều ngược lại, đồng NDT giảm sâu sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, điều này cũng gây lo ngại về làn sóng nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc tràn về Việt Nam, khiến thương mại không công bằng đối với hàng hóa sản xuất trong nước.
Doanh nghiệp gặp “khó chồng khó”
Thực tế cho thấy, trong thời gian gần đây, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, nhất là các mặt hàng nông sản liên tục gặp khó khăn.
Cụ thể, thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kể từ ngày 1/10 tới đây, Trung Quốc dự kiến áp dụng chứng thư đi kèm sản phẩm thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này và cũng đưa ra biện pháp quản lý giám sát ghi nhãn thực phẩm xuất nhập khẩu đóng gói sẵn.
Riêng đối với Quảng Tây, kể từ ngày 1/4/2018, cơ quan kiểm dịch địa phương này cũng tiến hành giám sát chặt chẽ đối với những hoa quả nhập khẩu có bao bì không đủ thông tin về truy xuất nguồn gốc chất lượng hoa quả…
Theo bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thực phẩm Long An, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc đều giao dịch bằng đồng USD. Do vậy, việc đồng NDT giảm giá mạnh so với đồng USD càng làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường này lao đao.
Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn và hầu như “đóng băng” kể từ cuối năm 2018 do thiếu vắng nhu cầu và tác động từ chính sách nhập khẩu.
Đối với ngành thủy sản cũng trong tình trạng tương tự. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đồng NDT liên tục bị mất giá so với đồng USD là một trong những nguyên nhân khiến giá xuất khẩu tôm từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ cao hơn, làm giảm sức cạnh tranh của tôm Việt Nam.
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu tôm đứng thứ 4 trên thế giới, chiếm 6,9% tổng nhập khẩu tôm của toàn thế giới trong năm 2018. Nhu cầu nhập khẩu tôm để tiêu thụ trong nước và chế biến tái xuất khẩu của Trung Quốc vẫn ổn định. Việt Nam đứng thứ 6 trong số các nhà cung cấp tôm chính cho Trung Quốc, chiếm 5,7% tổng sản lượng tôm nhập khẩu của Trung Quốc.
Xét về giá nhập khẩu, trên thị trường Trung Quốc, giá nhập khẩu tôm từ Ecuador, Ấn Độ và Indonesia luôn cạnh tranh nhất. Giá nhập khẩu trung bình từ Thái Lan cao nhất, giá tôm Việt Nam đứng thứ hai. Tôm Việt Nam phải cạnh tranh giá với các nhà cung cấp châu Á trên thị trường Trung Quốc.
Theo các chuyên gia, ngoài những tác động khách quan khó thay đổi như vấn đề tỷ giá, trong thời gian tới, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cần chú ý đến các yêu cầu mới về chất lượng, truy xuất nguồn gốc cũng như các quy định, tiêu chuẩn về bao bì, ghi nhãn hàng hóa và mã vạch vùng miền… để xuất khẩu bền vững cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.