Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm nay nông sản toàn cầu đều giảm về giá từ 5 - 15%; trong đó đặc biệt là lúa gạo. Giá lúa gạo giảm sâu, giảm nhiều trên tất cả các phân khúc.
Nguyên nhân là sau tác động của El Nino (cuối 2015, nửa đầu 2016) làm cho sản lượng lương thực chung toàn cầu giảm. Các nước buộc phải cân đối lại kho dự trữ nên thị trường lúa gạo năm 2018 rất tốt, cả về sản lượng và giá trị. Giá gạo Việt Nam đã đạt kỷ lục bình quân hơn 500 USD/tấn. Tuy nhiên, năm 2019 nguồn cung dự trữ kho của các nước lớn, đều đã dự trữ cân đối đủ. Ngay cả các nước trước đây nhập khẩu gạo của nước ta nhiều giờ họ cũng tự cân đối được.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, giải pháp trước mắt mở rộng những thị trường mới, tập trung thị trường châu Phi, ASEAN để bù đắp về sự sụt giảm ở thị trường Trung Quốc. Trong sản xuất sẽ cơ cấu các giống lúa sao cho phù hợp những nhóm thị trường trên.
Cùng với đó là giảm giá thành sản xuất bằng cách áp dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học từ giống, từ quy trình kỹ thuật, vật tư đầu vào, đảm bảo lợi nhuận cho nông dân.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho biết, chủ trương ngành tới đây giảm 500.000 ha đất lúa để chuyển sang đối tượng sản xuất nông nghiệp khác là thủy sản, trái cây, là những cây trồng cạn để phát triển chăn nuôi. Mỗi vùng miền có thế mạnh nào sẽ chuyển đổi sản đối tượng đó để giảm áp lực về sản lượng lúa gạo.
Ngành lúa gạo cần tập trung chế biến sâu hơn nữa, chuỗi giá trị gạo không chỉ là hạt gạo mà là các sản phẩm phụ như trấu, cám, dầu, kể cả sản phẩm gạo cũng phải ra rất nhiều sản phẩm như gạo hữu cơ, gạo dược liệu… Phải đồng bộ các giải pháp mới đem lại hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Tính trong 6 tháng đầu năm, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 33,7% thị phần. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Bờ Biển Ngà, tăng 67%, Hong Kong (Trung Quốc) tăng 60% và Ả rập Xê út tăng 38%. Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 431 USD/tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2018.
Về chủng loại xuất khẩu, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 46,8% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 38,3%; gạo nếp chiếm 8,4% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 5,9%. Về gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc chiếm 53%; Philippines chiếm 19,6%.
Giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng nhẹ, đặc biệt tại An Giang tăng khá mạnh. Nhu cầu trên thế giới vẫn trầm lắng, đặc biệt là khu vực châu Á (Trung Quốc và Indonesia chưa có nhiều tín hiệu) làm thị thường trở nên ảm đạm hơn.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, như tại An Giang, lúa IR50404 ở mức 4.300 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.000 đồng/kg, tăng 900 đồng/kg; lúa OM4218 ở mức 4.900 đồng/kg, tăng 800 đồng/kg so với đầu tháng 6; gạo IR50404 ở mức từ 10.000 – 11.000 đồng/kg; gạo chất lượng cao ở mức 13.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.000 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 ổn định ở mức 3.900 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo jasmine ở mức 14.000 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ở mức 4.600 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; lúa OM 4218 ở mức 5.200 – 5.300 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 5.200 – 5.300 đồng/kg; lúa Jasmine ở mức 5.800 – 5.900 đồng/kg, ổn định so với đầu tháng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo giá lúa, gạo trong nước có thể tăng trong thời gian tới do nhu cầu cải thiện.