Dự báo xuất khẩu cả năm tăng từ 7 - 7,5%

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo cả năm 2019, xuất khẩu có thể đạt khoảng 261 - 262 tỷ USD, tăng từ 7 - 7,5% so với năm 2018.

Chú thích ảnh
Chế biến cá tra xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Công nghiệp Thủy sản miền Nam (thành phố Cần Thơ). Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Trước bối cảnh các xung đột trên thị trường thế giới khiến hoạt động xuất nhập khẩu gặp không ít khó khăn, tại buổi làm việc với Cục Xuất nhập khẩu ngày 7/8 Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ đề xuất và triển khai các giải pháp hữu hiệu nhằm đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

Vượt lên thách thức

Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu từ đầu năm đến nay, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, dù chịu những thách thức không nhỏ đến từ sự bất đồng giữa các nước lớn về định hình thương mại toàn cầu nhưng hoạt động xuất nhập khẩu 7 tháng qua vẫn đang diễn ra rất sát với dự báo của Bộ Công Thương khi xây dựng kế hoạch xuất khẩu tăng trưởng 6 - 8% so với năm trước.

Thống kê cho thấy, tính đến hết tháng 7, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 145,13 tỷ USD, tăng trưởng 7,5% so với cùng kỳ năm trước. Bảy tháng năm 2019, đã có 24 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Có tới 33/45 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018.

Mức tăng này tuy có phần chậm lại so với cùng kỳ năm 2018 (7 tháng năm 2018 tăng trưởng 16% so với cùng kỳ 2017) nhưng vẫn có thể đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu từ 7 - 8% trong năm 2019, ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Nhận diện cơ hội xuất khẩu trong những tháng cuối năm 2019, theo ông Phan Văn Chinh, xuất khẩu năm 2019 tiếp tục có nhiều thuận lợi từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ, nhờ sự quyết tâm của Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ngành tạo ra những tiến bộ trong cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư...

Hơn nữa, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2019 đã và đang tạo ra sức hút mới cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, giúp Việt Nam có thêm năng lực sản xuất.

Trong khi đó, đầu tư trong nước được hỗ trợ bởi tâm lý lạc quan, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất ổn định... dự báo cũng sẽ tiếp tục được khởi sắc cùng với đầu tư nước ngoài tạo ra năng lực sản xuất mới.

Do vậy, ông Phan Văn Chinh dự báo cả năm 2019, xuất khẩu có thể đạt khoảng 261 - 262 tỷ USD, tăng từ 7 - 7,5% so với năm 2018. Vì thế, bình quân từ nay đến cuối năm, mỗi tháng xuất khẩu phải đạt khoảng 23,2 - 23,4 tỷ USD.

“Đây là nhiệm vụ khó khăn bởi lần gần nhất xuất khẩu của Việt Nam chạm mốc 23 tỷ USD đã từ tháng 8/2018. Trong khi đó, tình hình kinh tế thương mại thế giới đang suy giảm như hiện nay cũng là một bất lợi để Việt Nam tăng tốc xuất khẩu trong những tháng còn lại của năm 2019”, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu chia sẻ.

Tuy nhiên, theo ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương), việc Trung Quốc đã hạ giá đồng nhân dân tệ có thể đẩy xung đột thương mại Mỹ - Trung thành chiến tranh tiền tệ, gây ảnh hưởng lớn hơn chiến tranh thương mại.

Không những thế, căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc bắt đầu manh nha không chỉ còn là câu chuyện của ngành sản xuất bán dẫn mà còn dễ ảnh hưởng nhiều ngành hàng khác. Đây đều là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam và điều này có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu.

Ngoài ra, ông Trịnh Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cũng thừa nhận, một trong những điều đáng lo ngại hiện nay là kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu tiểu ngạch, sau đó bày bán trên các trang thương mại điện tử.

Bởi, theo phân tích của ông Trịnh Anh Tuấn, doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì vậy, nếu không kiểm soát tốt nguồn hàng nhập khẩu này thì sẽ cạnh tranh trực tiếp và không công bằng với hàng hóa trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp Việt Nam.

Mặt khác, một số ngành hàng rất cố gắng, nhất là gạo, trong bối cảnh xuất khẩu gạo vào Trung Quốc giảm mạnh, Việt Nam vẫn bảo đảm tiêu thụ hết lúa gạo vụ Đông Xuân cho bà con nông dân. Kim ngạch xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm không giảm so với cùng kỳ. Đây là kết quả tốt và luôn duy trì khá ấn tượng.

Riêng về lĩnh vực nhập khẩu, các chuyên gia nhận định vẫn phục vụ tốt cung cầu của nền kinh tế. Thủ tục đối với hàng hóa nhập khẩu ngày càng trở nên minh bạch hơn và đã thực hiện cải cách thủ tục hành chính, kết nối các thủ tục từ phía mình với thủ tục một cửa quốc gia, thủ tục ASEAN từ đó tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Đánh giá về việc kiểm soát xuất xứ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, việc này đã được Cục Xuất nhập triển khai từ cuối năm 2017. Do đó, Việt Nam có thể chặn đứng được một số vụ việc có thể trở thành nóng như, chặn việc xuất khẩu nhôm toàn cầu, cảnh báo được xuất khẩu gỗ dán vào thị trường EU, Hoa Kỳ...

Giải pháp hữu hiệu

Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, những tháng cuối năm, bối cảnh thế giới diễn biến rất phức tạp. Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu những biến động chính trị, còn cần tập trung phát huy hiệu quả những việc đã làm được.

Thứ trưởng cũng chỉ ra rằng hiện nay Việt Nam mới có 8 mặt hàng hoa quả được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Vì vậy, Cục Xuất nhập khẩu cần phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh đàm phán mở cửa thị trường, tập trung toàn lực để tăng số lượng sản phẩm có thể xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc; đồng thời tiếp tục tuyên truyền mạnh cho doanh nghiệp nắm rõ thông tin thị trường, từ đó dần khôi phục lại xuất khẩu.

Thêm vào đó, cần có sự vào cuộc của các tỉnh cũng như các doanh nghiệp. Bởi, từ giữa năm 2018, Bộ Công Thương đã có công văn gửi đi 63 tỉnh thành để cảnh báo về thủ tục trao đổi chính ngạch của Trung Quốc, về nguồn gốc, vùng trồng, đăng ký nhà sản xuất, nhà xuất khẩu... nhưng nhiều doanh nghiệp chủ quan, thờ ơ không triển khai theo yêu cầu xuất khẩu từ phía đối tác, nhất là thủy sản.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã thẳng thắn chỉ ra việc cả nước có hơn 680 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào Trung Quốc và nước này cho phép 182 loại thủy sản xuất khẩu nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn chọn xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Điều này đã dẫn đến việc mực tồn ở Quảng Nam, cá nục tồn ở Quảng Trị...

“Nếu như các tỉnh và các doanh nghiệp cùng vào cuộc cùng tuân thủ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì câu chuyện xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc có thế đã tốt hơn chứ không chỉ dừng lại ở kết quả của 6 tháng vừa qua”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, kim ngạch xuất khẩu trong 7 tháng qua đã tăng 7,5%, là con số tiếp cận mục tiêu cao mà hoạt động xuất khẩu đề ra.

Đây là kết quả đáng ghi nận trong bối cảnh khó khăn chung, cho thấy hội nhập kinh tế quốc tế đang mang lại hiệu quả; hoạt động cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp cũng ghi nhận hiệu quả cao.

Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng xây dựng được những văn bản quy định về xuất xứ hàng hóa, chống gian lận xuất xứ hàng hóa, bước đầu mang lại hiệu quả tốt…Tuy nhiên, Việt Nam cũng đang đối mặt với nguy cơ lớn trong điều hành và phát triển xuất khẩu bền vững.

“Nhìn vào đâu cũng thấy dư địa đang bị co hẹp lại. Nếu đặt trên bình diện chung, các chuỗi giá trị còn rất hạn chế. Mặc dù Việt Nam đã cố gắng đa phương hóa, đa dạng hóa nhưng xuất nhập khẩu vẫn đang phụ thuộc vào một số thị trường, một số mặt hàng trọng điểm. Do đó, nếu thị trường điều chỉnh chính sách, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế, phải có sự chủ động, nhịp nhàng và nhạy cảm trong ứng phó với các biến động trên thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhằm có những giải pháp hữu hiệu cho tăng trưởng xuất khẩu, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu những tháng cuối năm, Cục Xuất nhập khẩu phải làm tốt việc nghiên cứu, xây dựng kịch bản xuất nhập khẩu cho các thị trường, ngành hàng, đề ra các nhóm giải pháp phù hợp với từng nhóm doanh nghiệp, địa phương ngành hàng xuất khẩu.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu phải phối hợp với Cục Phòng vệ Thương mại đánh giá lại các nhóm hàng có nguy cơ liên quan đến các tranh chấp thương mại kể cả các đối tác lớn cũng như đối tác ngày càng quan trọng của Việt Nam.

Từ đó có những biện pháp phối hợp với các bộ, ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Bộ Công an cũng như một số địa phương để có những giải pháp đảm bảo sự phát triển phù hợp với quy định; đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ với các đối tác kinh tế thương mại của Việt Nam để đảm bảo tính hiệu quả cao, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Uyên Hương (TTXVN)
Xuất khẩu trên 4 triệu tấn gạo trong 7 tháng
Xuất khẩu trên 4 triệu tấn gạo trong 7 tháng

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 7 đạt 651.000 tấn với giá trị đạt 285 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 7 tháng năm 2019 ước đạt 4,01 triệu tấn với giá trị 1,73 tỷ USD, tăng 2,1% về khối lượng nhưng giảm 14,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN