Doanh nghiệp tới tấp xuất khẩu đầu năm
Đúng thời khắc giao thừa (31/1) tại cảng Tân Cảng – Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), lô hàng đầu tiên được xếp lên tàu Cape Quest của hãng tàu CMA CGM (Pháp), tải trọng 30.000 tấn, đã đưa container hàng đầu tiên của doanh nghiệp Việt Nam rời cảng Cát Lái đến cảng Singapore và trung chuyển tiếp đến Mỹ. Đây là lô hàng thủy hải sản - một trong 10 nhóm hàng xuất khẩu chủ lực, góp phần giúp kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức tăng trưởng kỷ lục năm 2021. Sang ngày 1/2, 100 tấn thanh long trị giá 1,4 tỷ đồng đã xuất qua cửa khẩu đường bộ số 1 Kim Thành (Lào Cai) thành công...
Với ngành Dệt may, thời điểm sau Tết thường ít đơn hàng, nhưng những ngày đầu năm mới, công nhâ Tổng Công ty Cổ phần May 10 đã bắt nhịp ngay vào công việc để kịp tiến độ 20 container đơn hàng xuất khẩu trong tuần đầu tiên của năm 2022. Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10 cho biết, ngay từ đầu năm, số lao động quay trở lại làm việc sau Tết của doanh nghiệp đã đạt trên 90%, thậm chí có nhà máy đạt 100%.
Đến nay, May 10 đã có đơn hàng ký kết đến hết quý II/2022. Thậm chí, các mặt hàng chủ lực như veston và sơ mi sau 15 tháng trống đơn hiện đã có đơn đặt hàng đến hết quý III/2022. Ngoài những khách hàng cũ, năm nay, May 10 có thêm những khách hàng mới từ Mỹ, châu Âu, Canada, Đài Loan, Hàn Quốc...
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 9 ngày nghỉ Tết, có 2.462 doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký 20.460 tờ khai xuất nhập khẩu hàng hóa (cao gấp gần 2 lần so với dịp Tết năm 2021) tại 142 chi cục hải quan và tương đương (tăng 16 chi cục) thuộc 34 cục hải quantỉnh, thành phố. Tổng trị giá hàng hóa xuất nhập khẩu của cả nước đạt 3,05 tỷ USD, tăng 83% so với dịp Tết năm 2021; trong đó xuất khẩu hàng hóa đạt 1,47 tỷ USD, cao gấp 2 lần, chiếm 48% tổng trị giá xuất nhập khẩu; trong khi nhập khẩu hàng hóa đạt 1,58 tỷ USD, chiếm 52% tổng trị giá xuất nhập khẩu, tăng 68%. Đến hết ngày 6/2/2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước sơ bộ đạt 61,85 tỷ USD.
Nhiều cơ hội bứt phá trong năm 2022
Ước tính tháng 1/2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng đầu tiên của năm 2022 đã có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Còn nhập khẩu đạt 29,5 tỷ USD, như vậy, tháng đầu tiên của năm 2022, Việt Nam nhập siêu 500 triệu USD.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2022, Việ Nam luôn có cơ hội lẫn thách thức đan xen. Đại dịch COVID-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thểmới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của COVID-19 chưa bộc lộ hết.
“Việt Nam vừa phải nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa bắt kịp với đà phục hồi và các xu hướng phát triển mới của quốc tế; đồng thời, phải đối mặt với nhiều rủi ro như xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng... Tuy nhiên, trong khó khăn vẫn luôn xuất hiện cơ hội. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp cũng đã được “tiêm vaccine” để thích ứng với những biến đổi của thị trường do dịch bệnh gây ra. Đây là tiền đề để tiếp tục phát triển”, ông Trần Thanh Hải cho biết.
Bên cạnh đó, thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được dịch COVID-19. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của hiệp định, cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Nhiều nước triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.
Để tận dụng tốt cơ hội, lợi thế trong xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường thế giới; đổi mới quản trị, cơ cấu lại hoạt động sản xuất, liên kết chuỗi cung ứng, ổn định nguyên vật liệu đầu vào, ứng dụng khoa học công nghệ đáp ứng yêu cầu cao của các thị trường đối tác.
Ngoài ra, trong bối cảnh tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, các nước ngày càng gia tăng các biện pháp hạn chế thương mại, bảo hộ sản xuất trong nước, đòi hỏi các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực trong công tác cảnh báo sớm, phân tích, dự báo tình hình, cập nhật đến các hiệp hội, doanh nghiệp, để chủ động có biện pháp phù hợp, bảo vệ lợi ích xuất khẩu của Việt Nam.