Đặc biệt là 6 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ đăng ký trước 1/11/2021 cũng đã vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số; 3 doanh nghiệp có tờ khai hải quan trước ngày 1/1/2022 đến nay đã có 1 doanh nghiệp được cấp và còn 2 doanh nghiệp vẫn đang chờ Tổng cục Hải quan Trung Quốc xét duyệt. Văn phòng SPS Việt Nam tiếp tục theo dõi và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp này.
Là doanh nghiệp vừa nhận được mã số để xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc, đại diện Công ty TNHH Volcafe Việt Nam (tỉnh Đồng Nai) vui mừng cho biết, nhờ sự hỗ trợ của tích cực cơ quan chức năng, doanh nghiệp đã có được mã số cho mặt hàng cà phê. Có được mã số, doanh nghiệp sẽ sớm lên đơn hàng để xuất khẩu cà phê sang Trung Quốc.
Khi nhận được thông tin phải thực hiện Lệnh số 248 quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu và Lệnh số 249 về các Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu của Trung Quốc từ 1/1/2021, doanh nghiệp đã chủ động đăng ký gửi hồ sơ.
Đặc biệt là cuối năm, doanh nghiệp đã chủ động đàm phán với bạn hàng tạm ngưng xuất khẩu sang cho đến khi doanh nghiệp nhận được mã số.
Ông Trương Triệu Vĩ, đại diện Công ty TNHH MTV XNK 2-9 Đắk Lắk (Simexco DakLak) cũng cho biết, doanh nghiệp cũng rất vui mừng khi vừa nhận được mã số cho sản phẩm cà phê xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Doanh nghiệp đang có một lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc vào cuối năm 2021 nhưng sang năm 2022 hàng mới cập cảng nên cũng chưa thông quan được do chưa có mã số sản phẩm. Hy vọng khi có mã số, lô hàng trên sẽ sớm được thông quan.
Theo ông Trương Triệu Vĩ, doanh nghiệp đã mất gần 4 tháng kể từ khi nộp hồ sơ mới nhận được mã số. Như vậy, doanh nghiệp đã mất khoảng thời gian khá lâu để chờ đợi và chi phí lưu kho hàng hóa chờ xuất khẩu. Với các lô hàng tiếp theo, doanh nghiệp sẽ nhanh chóng tiến hành áp dụng theo các quy định từ Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc để việc thông quan các lô hàng sắp tới được thông suốt.
Ông Đăng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, một số doanh nghiệp cũng đã có phản ánh là sau khi gặp khó khăn trong xuất khẩu bằng đường bộ, doanh nghiệp đã chuyển sang xuất khẩu bằng đường biển.
Tuy nhiên, khi chuyển hồ sơ sang xuất khẩu chính ngạch lại đúng vào thời điểm sẽ phải thực hiện theo Lệnh 248 và doanh nghiệp sẽ phải có mã số xuất khẩu. Chính vì vậy, một số lô hàng xuất khẩu có sự chậm trễ.
Theo ông Đăng Hoàng Giang, trong khoảng 2 năm trở lại đây, các doanh nghiệp xuất khẩu điều đang ngày càng xác định hợp tác lâu dài với các đối tác Trung Quốc nên đã có sự chuyển dịch khá mạnh sang xuất khẩu chính ngạch, đặc biệt là bằng đường biển.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu qua đường bộ cũng chủ yếu là chính ngạch. Xuất khẩu qua đường biển đã chiếm tới 60% giá trị xuất khẩu điều sang Trung Quốc, tăng khá mạnh so với con số 20% của những 10 năm trước đó.
Trước đó, khi Văn phòng SPS Việt Nam nhận được kiến nghị của một số doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, hạt điều về việc doanh nghiệp đã đăng ký với cơ quan thẩm quyền của Việt Nam trước ngày 01/11/2021, đã có đơn hàng, đã làm các thủ tục mở tờ khai hải quan, đã đăng ký xuất tàu… nhưng vẫn chưa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt danh sách doanh nghiệp và cấp mã sản phẩm.
Để đảm bảo không làm gián đoạn thương mại nông sản giữa hai quốc gia, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản gửi Hiệp hội Cà phê - Ca Cao Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam thông tin tới các doanh nghiệp về những trường hợp trên với Văn phòng SPS Việt Nam.
Ngay sau khi tổng hợp được các doanh nghiệp đang vướng mắc, Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản đề nghị Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc làm việc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để đẩy nhanh việc cấp mã sản phẩm đối với các doanh nghiệp Việt Nam và có các giải pháp xử lý các vướng mắc.