Xuất khẩu gạo vẫn gặp “khó”

Theo nhận định của các chuyên gia, mức cung ứng hiện nay của ngành xuất khẩu gạo vẫn chưa đủ để khôi phục thị trường đang khá trầm lắng hiện nay.

Hút lúa từ ghe vào nhà máy chế biến Thoại Sơn của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Sau gần 5 tháng luôn ở trong tình trạng ảm đạm, ngày 31/8 vừa qua, việc Việt Nam trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo cho Philippines đã tạo “cú hích” nhỏ để xuất khẩu gạo có cơ hội “trở mình”.

Ổn định giá xuất khẩu

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong phiên đấu thầu ngày 31/8, Việt Nam trúng thầu cung ứng 150.000 tấn gạo 25% tấm cho Philippines với mức giá 424,85 USD/tấn theo hình thức giao hàng tới kho. Nếu giao tại cảng thì mức giá này còn khoảng 354 USD/tấn, vẫn cao hơn so với giá chào bán của các doanh nghiệp trên thị trường là 15-20 USD/tấn. Mặc dù số lượng xuất khẩu không nhiều, chưa đủ để vực dậy thị trường, nhưng đây là mức giá khá tốt, góp phần định hướng giá bán xuất khẩu của doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đồng quan điểm trên, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre) cho rằng, có hợp đồng cung ứng cho Philippines sẽ khiến tình hình xuất khẩu gạo đỡ ảm đạm phần nào. Từ đầu năm đến nay, giá gạo 25% tấm các doanh nghiệp chào bán ở mức 330-345 USD/tấn, thấp hơn so với mức giá cung ứng cho Philippines. Do vậy, mặt bằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường sẽ được khôi phục, giữ ổn định ở mức giá tương đương giá cung ứng trên. Các doanh nghiệp muốn ký hợp đồng thương mại gạo Việt Nam cũng sẽ không dám mua hoặc bán thấp hơn so mức giá theo hợp đồng với Philippines.

Ngay tại thời điểm này, hoạt động kinh doanh, xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn chưa có dấu hiệu lạc quan. Nhu cầu nhập khẩu gạo trên thị trường khan hiếm nên các doanh nghiệp luôn trong tình trạng “ngóng” hợp đồng. Bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Long An cho biết, kể từ đầu tháng 4/2016 đến nay, các hợp đồng thương mại ký được khá ít ỏi, thậm chí có tháng công ty không có hợp đồng xuất khẩu.

Theo số liệu của VFA, hiện tồn kho trong các doanh nghiệp còn khoảng 1,3 triệu tấn, trong đó 1,1 triệu tấn đã có hợp đồng đăng ký. Tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều bất ổn.

Khó “ngoài”, lo “trong”

Theo VFA, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường nhập gạo lớn nhất của Việt Nam, với thị phần chiếm khoảng 40%. Trong 7 tháng năm 2016, sản lượng xuất khẩu sang thị trường này giảm 30% cả về xuất khẩu qua đường chính ngạch và đường biên mậu. Sự sụt giảm này được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, do phía Trung Quốc đặt ra nhiều quy định mới trong việc nhập khẩu gạo từ Việt Nam kèm theo đồng Nhân dân tệ liên tục mất giá nên cũng hạn chế nhập khẩu.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) cho biết, lâu nay doanh nghiệp Trung Quốc muốn nhập gạo Việt Nam loại hạt dài phải mua quota, còn gạo hạt tròn dưới 6mm thì chỉ áp thuế. Tuy nhiên, mới đây nước này lại bổ sung quy định chiều ngang (độ mập) hạt gạo phải dưới 2mm. Trong khi đó, một số loại gạo thường xuất sang Trung Quốc đều không đảm bảo được yêu cầu trên, đơn cử như gạo hạt tròn, gạo Japonica hiện có chiều ngang 2,3mm. Điều này có nghĩa doanh nghiệp muốn nhập khẩu gạo từ Việt Nam thì vừa phải đóng thuế nhập khẩu vừa phải trả phí hạn ngạch. Để bù vào phần chi phí này, bên mua hàng sẽ hạ giá thu mua xuống thấp, khiến gạo Việt Nam lại bị đè giá tiếp.


Đây là một trong những rào cản thương mại vừa làm khó doanh nghiệp, vừa giúp Trung Quốc thu thêm được phí hạn ngạch cũng như mua được gạo có giá bán rẻ hơn. Những quy định kiểu “bất chợt” như thế này khiến doanh nghiệp khi xuất sang thị trường này luôn trong tình trạng căng thẳng. Riêng gạo nếp nếu sắp tới bị áp quy định này thì cũng phải mua quota do loại hạt nhỏ nhất cũng đã có bề ngang 2,03 mm.

Không chỉ gặp khó khi xuất qua Trung Quốc, tình hình xuất khẩu gạo ở các thị trường khác cũng chưa có tín hiệu lạc quan. Trong vài năm gần đây, Châu Phi được xem là một trong những thị trường xuất khẩu gạo quan trọng của Việt Nam. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp cho rằng, thị phần xuất khẩu gạo Việt Nam ở thị trường này đã dần để “rơi” vào tay Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan. Bởi đây là thị trường “ưa” giá rẻ và các nước đối thủ trên hiện có nhiều lợi thế hơn về giá bán, đặc biệt là Thái Lan đang có lượng tồn kho khổng lồ.

Lợi thế gạo Việt Nam ở Châu Phi có chăng chỉ còn ít phân khúc gạo thơm, thế nhưng lại xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của chính các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước khi xuất sang thị trường này. "Hiện có quá nhiều công ty Việt Nam xuất khẩu gạo thơm sang Châu Phi, thay vì liên kết để tăng giá trị hạt gạo thì có một số công ty “chơi xấu” hạ giá bán xuống chỉ còn 420-430 USD/tấn, trong khi mức bình quân của các doanh nghiệp khác là 460-470 USD/tấn để dành hợp đồng cung ứng. Bên cạnh đó, họ còn đấu trộn gạo, khiến chất lượng gạo khá thấp. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng như tình hình xuất khẩu gạo nói chung ở thị trường này." - ô ng Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (Tiền Giang) bày tỏ.

Những khó khăn trên ở các thị trường nhập khẩu khiến tình hình xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm được dự báo vẫn còn khá trầm lắng. VFA dự kiến xuất khẩu gạo của cả nước trong năm 2016 sẽ đạt khoảng 5,7 triệu tấn, giảm 14% so với năm 2015. Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, bà Đặng Thị Liên, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm Long An cho biết, các doanh nghiệp đang phải đa dạng hóa thị trường, đưa sản phẩm sang nhiều thị trường khác nhau như Malaysia, Châu Phi… để không lệ thuộc vào bất kỳ thị trường nào, đặc biệt là Trung Quốc.

H.Chung (TTXVN)
Tìm thị trường cho hạt gạo
Tìm thị trường cho hạt gạo

Qua 8 tháng năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị. Nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu từ cả thị trường truyền thống lẫn các thị trường mới giảm mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN