Nâng “chất” và giá trị cho gạo Việt

Hiện các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo đang phải tự cạnh tranh để có được các hợp đồng khi chuyển sang phân khúc thị trường gạo chất lượng cao.

Bốc xếp gạo xuất khẩu của Tổng công ty Lương thực miền Nam tại cảng Sài Gòn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Việc từng bước nâng cao chất lượng và giá trị cho hạt gạo, xây dựng được thương hiệu cho gạo Việt là hướng đi tất yếu mà các doanh nghiệp phải nỗ lực vươn tới ngay từ bây giờ.

Trong điều kiện Việt Nam tham gia hội nhập ngày càng sâu sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo vào thị trường các nước phát triển. Tuy nhiên, ngành lúa gạo Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là các hàng rào kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm đặt ra nghiêm ngặt. Nhiều doanh nghiệp lo ngại trước tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học dẫn đến tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm gạo Việt Nam hiện nay.

Cùng với đó, dù chất lượng hạt gạo đã được nâng lên phần nào nhưng vẫn còn có những doanh nghiệp kinh doanh trong ngành không lành mạnh, còn “đấu đá”, cạnh tranh lẫn nhau để tăng lợi nhuận nên ảnh hưởng tới hình ảnh gạo Việt Nam. Tình trạng “trộn gạo” giữa những loại gạo có hình thức tương tự nhau xảy ra ở một số doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến sức cạnh tranh, gây bất lợi cho xuất khẩu gạo Việt Nam.

Chính vì lẽ đó, theo ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông, lâm, thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn hội nhập đang mở rộng, việc quan trọng nhất đối với ngành lúa gạo là xây dựng thương hiệu gạo có tiêu chuẩn, chất lượng để cạnh tranh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về thương hiệu gạo Quốc gia. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn này được xây dựng dựa trên các nhóm giống.

Ông Đào Đức Huấn, Giám đốc Trung tâm phát triển nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho rằng, bước đầu trong xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là phải xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho hạt gạo.

“Vấn đề về giống chúng ta chưa đặt ra là sẽ chọn bao nhiêu giống mà quan trọng nhất là đặt ra các tiêu chuẩn về mặt chất lượng để đưa vào quản lý các chất lượng sản phẩm đầu ra”, ông Đào Đức Huấn chỉ ra.

Gạo Việt Nam có rất nhiều nhóm, do đó muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam phải phân nhóm. Bước đầu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung vào hai nhóm chính là: gạo thơm và gạo trắng hạt dài làm thí điểm. Bên cạnh đó phải tổ chức lại sản xuất để quản lý về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất. Các doanh nghiệp muốn xây dựng thương hiệu phải có vùng trồng đảm bảo tiêu chuẩn, ông Lê Văn Bảnh nhấn mạnh.

Theo ông Đào Đức Huấn, trong năm 2016, các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho thương hiệu gạo Việt Nam sẽ phải được ban hành. Tiếp sau đó sẽ đến giai đoạn rà soát, lựa chọn các giống lúa để xây dựng thương hiệu. Dự kiến đầu năm 2017, Việt Nam sẽ định hình được các sản phẩm gạo mang thương hiệu Việt Nam.
Đó là những bước đi nhằm thực hiện thành công Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu đặt ra đến 2020, tỷ lệ sử dụng giống xác nhận đạt trên 75%; tại các vùng chuyên canh diện tích liên kết trên 20%. Đặc biệt, trên 20% gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.

Ngoài những bước đi then chốt trên, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, để đạt được mục tiêu đặt ra cần tập trung đổi mới khoa học công nghệ, tăng đầu tư nghiên cứu phát triển. Cụ thể, tập trung hợp tác nghiên cứu phát triển giống lúa chất lượng cao, chống chịu ngoại cảnh, phù hợp với yêu cầu thị trường…; xây dựng các chuỗi giá trị liên kết hộ nông dân, doanh nghiệp; trong đó doanh nghiệp là đầu tàu dẫn dắt cả chuỗi để tạo ra các thương hiệu gạo chất lượng cho Việt Nam.

Trong khoảng hai năm trở lại đây, các doanh nghiệp đã chủ động hơn trong vấn đề chấp nhận thị trường gạo chất lượng cao. Đặc biệt là với vai trò của hiệp hội, các định hướng của nhà nước nên gạo chất lượng cao của Việt Nam có sự chủ động hơn khi tiếp cận với thị trường thế giới.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xuất khẩu gạo của cả nước trong 6 tháng đầu năm nay đạt trên 2,65 triệu tấn. Đáng chú ý là tỷ lệ gạo thơm giống Jasmine xuất khẩu đã tăng lên từ 22% (năm 2015) lên 29%; tỷ lệ xuất khẩu lúa nếp cũng tăng nhanh từ 6,58% lên 16% trong tổng số lượng xuất khẩu gạo. Trong khi đó, xuất khẩu gạo sang thị trường Philippines và Malaysia lại giảm mạnh, tương ứng giảm 52% và 60% do thiếu hợp đồng tập trung.

Những tháng cuối năm, Hiệp hội Lương thực Việt Nam nhận định, thị trường lúa gạo vẫn còn nhiều khó khăn, cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngắn hạn giữa các nước xuất khẩu gạo. Xuất khẩu gạo vẫn phải chờ tín hiệu “tăng mua” từ thị trường truyền thống như Trung Quốc, Philippines và Indonesia. Bởi vậy, từ nay đến cuối năm sẽ ưu tiên xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao nhằm nâng giá trị.

Theo ông Huỳnh Thế Năng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam, các địa phương cần quan tâm đưa khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, gắn kết sản xuất với tiêu thụ, tăng tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận. Trong vụ Thu Đông, vụ Mùa tới, các địa phương cần tổ chức sản xuất tốt, tăng sản lượng lúa gạo, nhất là các loại gạo thơm, gạo chất lượng cao, để có nguồn nguyên liệu gạo chất lượng cao cho xuất khẩu số lượng lớn và người nông dân cũng tăng thêm thu nhập.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cũng khẳng định: “Vụ Thu Đông, vụ Mùa 2016, chất lượng lúa là quan trọng chứ không phải là sản xuất bao nhiêu”.

Bích Hồng (TTXVN)
Tìm “chỗ đứng” cho thương hiệu gạo Long Trì
Tìm “chỗ đứng” cho thương hiệu gạo Long Trì

Gạo Long Trì được nhiều người biết là một trong những đặc sản nổi tiếng của vùng đất Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc bởi vị thơm ngon, mềm, thơm, dẻo. Đây cũng là sản phẩm được công nhận thương hiệu hàng hóa, mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN