Ðồng ruộng khô cứng, nứt nẻ, không thể cày ải do máy móc không vào được vì kênh, rạch khô cạn; đến cuối tháng 5, khâu làm đất phục vụ cho sản xuất lúa hè thu tại huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) mới bắt đầu. Bước vào vụ mùa sau ảnh hưởng của thiên tai, đại hạn, mưa trễ, nên 28.713 ha vụ lúa hè thu năm nay đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Phòng Nông nghiệp huyện cũng khuyến cáo bà con nên chọn các giống lúa có khả năng chịu hạn tốt, ít nhiễm sâu bệnh, đạt năng suất cao như: OM 5451, OM 6162, OM 7347, OM 6976... để canh tác trong vụ tới.
Lúa thành rơm vì nhiễm mặn. |
Ông Lê Văn Lượm (khóm 3, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) cho biết: “Vì khô hạn, đất quá cứng, nên tôi không thể cày ải mà đành chịu cày giòn. Ðây là năm đầu tiên trong hơn 50 năm làm ruộng tôi gặp phải cảnh này. Tính ra, chi phí cày đất như thế này tốn gấp đôi so với mấy năm trước. Việc chọn giống cho vụ này cũng theo khuyến cáo để đỡ bị thiệt hại do hạn chứ không dám tự chọn gieo cấy như mọi khi”.
Trong vụ đông - xuân vừa qua, tại đồng bằng sông Cửu Long, tình hình hạn và xâm nhập mặn đã làm thiệt hại hơn 58.200 ha lúa, làm sụt giảm khoảng 250.000 tấn lúa, nhiều nơi người nông dân mất trắng.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lang, Viện Nghiên cứu Lúa đồng bằng sông Cửu Long, thiệt hại vừa qua là một sự bất ngờ nằm ngoài dự đoán của người dân, doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu vì đây là hiện tượng khoảng 10 năm mới diễn ra một lần nên không dự đoán sớm được, dẫn đến gây ra thiệt hại lớn cho vựa lúa lớn nhất cả nước. Trong tình hình hạn hán, ngập mặn như hiện nay, việc duy trì các loại giống cũng như công nghệ canh tác như trước đã không còn phù hợp mà phải thay đổi theo hướng chống chịu với biến đổi khí hậu.
Cũng theo GS Nguyễn Thị Lang, việc tập trung nghiên cứu đổi mới giống lúa chỉ là một phần, bên cạnh đó, cần phải nâng cao khả năng dự báo dài hơi để các khu vực trồng lúa có sự chuẩn bị để tránh thiệt hại. Các kỹ thuật canh tác cũng phải phù hợp với tình hình hạn, mặn như: Đẩy mạnh nghiên cứu các biện pháp tích trữ nước ngọt, nghiên cứu lại địa hình các khu vực như đồng bằng sông Cửu Long để có biện pháp canh tác phù hợp.
Trong tình hình nhu cầu bức thiết cần phải định hướng công nghệ sản xuất lúa, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa công bố bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ trong áp dụng chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, Việt Nam đã sản xuất lúa gạo rất nhiều năm, nhưng chưa có một hệ thống lộ trình sản xuất, cơ sở dữ liệu chưa được xây dựng thành hệ thống, nên trước mắt bản đồ công nghệ sẽ là cơ sở lý thuyết, bước đầu để hoàn thiện dần lộ trình đổi mới công nghệ trong sản xuất lúa gạo là ngành rất quan trọng của Việt Nam. Chương trình “Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020” cũng đã chủ động lựa chọn, giao cho các đơn vị tiến hành xây dựng một chuỗi các nhiệm vụ liên quan từ việc hoàn thiện quy trình, phương pháp xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ trong lĩnh vực chọn tạo giống lúa và sản xuất lúa gạo; trong đó nhấn mạnh việc tập trung nghiên cứu chọn tạo giống lúa thuần chống chịu mặn, hạn thích nghi với điều kiện canh tác lúa vùng nhiễm mặn thuộc đồng bằng sông Cửu Long.
“Bộ KH&CN đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hoàn thiện các định hướng về đổi mới công nghệ, tập trung nghiên cứu trong thời gian sắp tới và phối hợp với các chuyên gia chuyên nghiên cứu để đảm bảo có thể đưa ra các giống lúa mới chất lượng vào sản xuất, đáp ứng kịp thời với tình hình biến đổi khí hậu. Ngoài ra, công nghệ sau thu hoạch cũng được chú trọng để giảm thiểu thất thoát, từ công nghệ trồng, chăm bón, thu hoạch đến chế biến, bảo quản. Trên cơ sở bản đồ công nghệ định hướng, cùng với những đánh giá hiện trạng của các nhà nghiên cứu, các viện, trường sẽ đưa ra và định hướng việc tập trung các nghiên cứu để cho ra những sản phẩm tốt nhất phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Với người nông dân, sẽ thông qua các doanh nghiệp, các cơ quan địa phương để biết được nhu cầu cần đầu tư công nghệ gì trong sản xuất, tối ưu hóa, giảm thiểu chi phí đầu tư và tránh đầu tư những công nghệ lạc hậu”, ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ KH&CN cho biết.
GS. TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học - kỹ thuật châu Á - Thái Bình Dương: Ngoài áp dụng các phương pháp lai tạo giống mới, trong lộ trình công nghệ nên chú trọng tạo ra các giống lúa năng suất cao, có phẩm chất tốt ở phẩm cấp cấp 2 để cạnh tranh với thị trường rộng chứ không nên đi vào phân khúc chất lượng cao nhất vì chúng ta đang có những giống đặc sản nhưng sản phẩm ít, chủ yếu tiêu thụ trong nước nhưng để xuất khẩu chúng ta khó có thể cạnh tranh được với các giống truyền thống đặc sản như Thái Lan. TS. Đào Thế Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển hệ thống nông nghiệp Để đổi mới công nghệ sản xuất lúa gạo, Nhà nước cần có cơ chế để các công ty được hợp tác cùng các cơ sở nghiên cứu công lập trong việc khai thác nguồn gen, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, đặc biệt thực hiện việc gắn hoạt động của các chuyên gia chọn, tạo giống với các doanh nghiệp và doanh nghiệp cùng góp vốn để nghiên cứu. Bên cạnh đó, nên có những khu triển lãm và trình diễn công nghệ tại các vùng sinh thái khác nhau để tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty, các nhà khoa học và các địa phương giới thiệu sản phẩm nghiên cứu phục vụ sản xuất lúa gạo. |