Tìm thị trường cho hạt gạo

Qua 8 tháng năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm mạnh cả về khối lượng và giá trị. Nguyên nhân là do nhu cầu nhập khẩu từ cả thị trường truyền thống lẫn các thị trường mới giảm mạnh.

Khó khăn đầu ra

Theo thống kê mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xuất khẩu gạo 8 tháng đầu năm ước đạt 3,37 triệu tấn, thu về 1,51 tỷ USD, giảm 16,6% về khối lượng và giảm 13,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân là do Indonesia khẳng định không có ý định nhập khẩu gạo trong năm 2016 do lượng gạo dự trữ vẫn đảm bảo.

Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam với 36% thị phần. Tuy nhiên, 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm 21,6% về khối lượng và giảm 11,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Xuất khẩu gạo sang các thi ̣trường truyền thống khác cũng giảm mạnh là Philippines (66,4%), Malaysia (54,5%), Singapore (36,3%) và Hoa Kỳ (37,6%).

Bốc xếp gạo xuất khẩu sang thị trường Philippines tại cảng Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đình Huệ/TTXVN

Trung Quốc thời gian qua tiếp tục quản lý chặt nhập khẩu gạo qua đường tiểu ngạch. Hiện nước này chưa công nhận công ty khử trùng, giám định gạo nào của Việt Nam, khiến việc xuất khẩu gạo của ta gặp nhiều khó khăn.

Theo Tổng công ty Lương thực Miền Bắc (Vinafood 1), hàng năm lượng xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc rất lớn, nhưng trong năm 2016 xuất khẩu qua các cửa khẩu Hà Giang, Lào Cai gặp rất nhiều khó khăn. Chính sách nhập khẩu gạo của Trung Quốc cũng có sự chuyển hướng sang các nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan…

Bà Đỗ Tuyết Mai, một cán bộ tại Bộ NN&PTNT nói: “Họ muốn tăng cường kiểm soát tiểu ngạch để chống buôn lậu… Bên cạnh đó, Luật Vệ sinh An toàn thực phẩm (VSATTP) mới của Trung Quốc cũng yêu cầu cao hơn với gạo nhập khẩu”.

Bà Dương Phương Thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) bổ sung: “Hàng Việt Nam sẽ đối mặt với các rào cản nhất định. Đồng thời, Trung Quốc cũng tăng cường giám sát các đầu mối được nhập khẩu, giám sát các nhà máy chế biến, vùng nguyên liệu. Gạo và cám là một trong những mặt hàng đầu tiên được giám sát”.

Ngay cả việc xuất khẩu gạo chất lượng cao của Việt Nam cũng có dấu hiệu thụt lùi. Năm 2014, Việt Nam bán sang Mỹ được 70.000 tấn, tới năm 2015 còn 44.000 tấn. Tại thị trường EU, năm 2014 bán được 24.000 tấn, tới năm 2015 còn 20.000 tấn. Ở thị trường Nhật Bản, Việt Nam không bán được hạt nào vào thị trường này từ năm 2013 tới nay. Do vậy, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trước mắt phải áp dụng các tiêu chuẩn cho gạo Việt Nam để đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho 13 triệu tấn gạo bán tại thị trường nội địa, sau đó mới tính tới xuất khẩu gạo.

Tìm tia hy vọng cho thị trường gạo

Chính phủ Phillipines đã có kế hoạch nhập khẩu 1 triệu tấn gạo, trong đó sẽ nhập khẩu ngay 250.000 tấn, nhập tiếp 250.000 tấn trong quý 3/2016. Sau đó, 500.000 tấn gạo còn lại sẽ được nhập khẩu để dùng cho năm 2017.

Tập đoàn Lộc Trời (Hậu Giang) có 5 nhà máy xay xát lúa gạo ở ĐBSCL để phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo. Hút thóc từ ghe vào nhà máy chế biến ở Thoại Sơn của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Hồng Nhung/TTXVN

Ngày 1/9, Phillipines đã mở thầu 250.000 tấn gạo đầu tiên. Việt Nam đã trúng thầu 150.000 tấn (Thái Lan trúng thầu 100.000 tấn). Theo Hiệp hội Lương thực VN (VFA), Việt Nam sẽ giao toàn bộ 150.000 tấn gạo cho Philippines trong tháng 9 và tháng 10. Việc trúng thầu này có ý nghĩa rất lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, vì trong gần 6 tháng qua không xuất hiện các hợp động xuất khẩu gạo lớn.

Đối với thị trường Trung Quốc, theo Bộ NN&PTNT, những tỉnh giáp với Việt Nam như Vân Nam, Quảng Tây có nhu cầu nhập khẩu gạo. Trong khi tỉnh Quảng Tây có chế độ tự trị nên có quyền tự quyết việc nhập khẩu gạo, thì tỉnh Vân Nam chịu sự quản lý của chính quyền Trung ương. Do vậy, trong thời gian qua, việc xuất khẩu gạo ở khu vực Lạng Sơn (giáp Quảng Tây) vẫn diễn ra bình thường, nhưng ở khu vực Lào Cai (giáp Vân Nam) gặp rất nhiều khó khăn.

Để tháo gỡ khó khăn này, bà Đỗ Tuyết Mai, Phó Trưởng phòng Thương Mại (Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và Nghề muối) cho biết: “Phía Vân Nam muốn Việt Nam đàm phán với chính quyền Trung ương Trung Quốc để họ cũng được tự quyết định việc nhập khẩu gạo như Quảng Tây. Đại diện hai Nhà nước phải đàm phán để cởi mở chính sách, thông thoáng cho xuất khẩu gạo”.

Đối với quy định trong Luật VSATTP mới của Trung Quốc, bà Mai cho rằng, chúng ta cũng phải chỉnh đốn việc sản xuất, chế biến gạo, nâng cao chất lượng gạo trong nước và xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã ký xong Nghị định thư về gạo và cám với Trung Quốc, tháng 11/2016 sẽ đón đoàn khảo nghiệm Trung Quốc sang khảo sát. Về việc khai thác thị trường châu Phi, dự kiến cuối tháng 9/2016 Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với Bộ Công Thương cử đoàn đi Ghana để xúc tiến bán gạo.

Để tăng xuất khẩu, gạo Việt Nam cần có nhiều thương hiệu mạnh. Ông Lê Văn Bảnh, Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối cho biết: Trong tháng 9, Ban chỉ đạo xây dựng thương hiệu gạo sẽ họp để thông qua lần đầu về tiêu chuẩn gạo Việt Nam, chương trình chọn logo và chọn một vài doanh nghiệp do Hiệp hội Lương thực giới thiệu để xây dựng thương hiệu. Sau khi hoàn thành tiêu chuẩn gạo Việt Nam sẽ áp dụng cho một số doanh nghiệp được chọn và gắn logo thương hiệu gạo Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn:

Tái cơ cấu phải nhìn từ thị trường Bộ NN&PTNT đang thực hiện tái cơ cấu các ngành hàng, trong đó có mặt hàng gạo. Theo đó, việc tái cơ cấu phải được nhìn từ góc độ đầu ra, thị trường. Mặc dù việc xuất khẩu gạo trong thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn, nhưng Bộ đang cố gắng tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo cả đường chính ngạch lẫn tiểu ngạch. Bộ NN&PTNT cũng đang rất tích cực phối hợp với Bộ Công Thương để đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu gạo sang các thị trường mới.

Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng Công ty Lương Thực Miền Bắc (Vinafood 1):

Cần sự hỗ trợ từ Chính phủ Với mỗi quốc gia, Việt Nam sẽ có những chiến lược xuất khẩu gạo khác nhau. Chúng ta có thể đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, nhưng trước mắt cần nhất vẫn là tìm các thị trường phù hợp với hạt gạo Việt Nam. Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Vinafood 1 bám sát các thị trường lớn, khi có tín hiệu thì sẵn sàng tiếp cận. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, với mặt hàng gạo, sự can thiệp của Chính phủ các nước là rất lớn. Ví dụ Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia , phillipines... đều can thiệp vào ngành hàng gạo. Do vậy, các công ty xuất khẩu gạo cần sự hỗ trợ của Chính phủ và bộ ngành. Đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương có cách tiếp cận theo góc độ Chính phủ để tăng cường xuất khẩu gạo. Với những nước có hàng rào kỹ thuật như Mỹ, Mexico… cần đề nghị Bộ NN&PTNT hỗ trợ kỹ thuật, đồng thời, giảm thuế VAT là 5% cho các doanh nghiệp để xây dựng thương hiệu gạo.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam:

Xây dựng thương hiệu phải làm từng bước Bộ NN&PTNT đang xây dựng tiêu chuẩn chất lượng gạo Việt Nam để xây dựng thương hiệu gạo, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào tháng 11/2016. Hiệp hội Lương thực cũng đang cố gắng xây dựng thương hiệu gạo. Chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi để chọn logo cho thương hiệu gạo. Tuy nhiên, xây dựng thương hiệu gạo không thể làm vội vàng và phải làm từ dưới lên. Theo đó, xây dựng thương hiệu gạo sẽ được thực hiện theo hai mô hình. Thứ nhất là với những công ty đang hoạt động tốt sẽ được áp tiêu chuẩn, chất lượng gạo Việt Nam để xây dựng thương hiệu, thúc đẩy xuất khẩu. Mô hình thứ hai là xây dựng thương hiệu từ dưới lên. Hiện nay, Hiệp hội Lương thực có 54 trên 143 DN hoạt động hiệu quả, tương đương 98 nhãn hiệu gạo các loại. Nhưng trong năm 2015 chỉ tiêu thụ trên 300.000 tấn gạo có thương hiệu. Một nửa bán ở nước ngoài, còn lại bán trong nước. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chỉ chọn một loại giống để làm thương hiệu, họ cũng chưa có vùng nguyên liệu để ổn định chất lượng, số lượng và đảm bảo cạnh tranh về giá. Do vậy, Hiệp hội có kế hoạch xây dựng thương hiệu bắt đầu tư doanh nghiệp, nhãn hiệu của doanh nghiệp trước mắt phải thuyết phục được người tiêu dùng trong nước và sau đó là xây dựng thương hiệu gạo theo vùng, lãnh thổ và quốc gia.


Hữu Vinh
Thái Lan trở lại là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới
Thái Lan trở lại là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới

Trong 6 tháng đầu năm 2016, Thái Lan đã vươn lên trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, với tổng sản lượng xuất khẩu khoảng 5 triệu tấn, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN