Xuất khẩu gạo còn nhiều khó khăn

Hiện nay, lượng gạo xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường truyền thống đã và đang giảm đáng kể. Trong khi đó, một lượng lớn gạo của nước ta đang “chảy” qua biên giới theo đường tiểu ngạch. Điều này đã và đang khiến con đường xuất khẩu của hạt gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn.


Mất dần thị trường truyền thống


Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện nay thế giới đang dư thừa gạo cho nên đồng loạt các nước xuất khẩu gạo đều đang giảm giá bán. Ước tính 9 tháng đầu năm 2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt 5,2 triệu tấn, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2012giảm 17% về giá trị.


Năm nay, lượng gạo xuất khẩu sang những thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia cũng đang giảm đáng kể chỉ còn chiếm 13%. Trong đó, từ đầu năm đến nay Indonesia không nhập một hạt gạo nào của Việt Nam, Philippines giảm hơn 60%, Malaysia giảm 35%. Trong khi đó, trước kia họ luôn nhập khẩu ổn định 2/3 lượng gạo xuất khẩu từ Việt Nam.


Ông Trần Tuấn Anh, Thứ Trưởng Bộ Công Thương cũng cho biết, bên cạnh việc mặt hàng gạo của chúng ta đang phải cạnh tranh gay gắt với những nước xuất khẩu truyền thống là Thái lan, Ấn Độ, thì chúng ta còn phải đối mặt với những đối thủ mới có tính cạnh tranh cao là Pakistan, Myanmar. Chính những nhân tố trên cùng với sự mất cân đối cung cầu trên thế giới đang làm cho hạt gạo Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong xuất khẩu. Điều này, cũng tác động tiêu cực tới đời sống của người nông dân cũng như hoạt động sản xuất của toàn ngành nông nghiệp.

Thị trường xuất khẩu gạo giảm sút sẽ ảnh hưởng tới diện tích trồng lúa của người nông dân.


Lí giải nguyên nhân của việc lượng gạo xuất khẩu đang bị giảm sút, các công ty xuất khẩu cho biết lý do là nguồn cung trên thị trường thế giới rất lớn và lượng gạo tồn kho nhiều. Trong khi đó, các nhà nhập khẩu đang trông chờ Thái Lan xả gạo tồn kho với giá thấp để kéo giá gạo thế giới xuống, nếu nước nào bán gạo giá rẻ hơn thì họ sẽ mua chứ không nhập gạo Việt Nam. Các nước xuất khẩu gạo cũng đều đang tìm mọi cách hạ giá để để ký được hợp đồng với Indonesia, Philippines, Malaysia.


“Trong khi các nước chuyển từ ký hợp đồng tập trung thông qua đàm phán giữa hai chính phủ sang cho tư nhân đấu thầu, thì Việt Nam cứ khư khư giữ cách cũ. Doanh nghiệp chưa được phép tự ký hợp đồng thương mại. Đây là hình thức tự thu hẹp thị trường xuất khẩu gạo”. Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết thêm.


Ảnh hưởng đến giá trị, thương hiệu


Trước những khó khăn của thị trường xuất khẩu gạo, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA cho rằng, với việc sụt giảm thị trường truyền thống, nguồn cung gạo Thế giới… nên mục tiêu đề ra của ngành gạo trong năm 2013 đạt khoảng 7,5 triệu tấn sẽ rất khó khăn. Mặc dù, mới đây chỉ tiêu đã giảm xuống còn 7 triệu tấn nhưng sắp tới khả năng sẽ còn phải giảm chi tiêu tiếp.


Trong khi thị trường Thế giới đang trong tình trạng thừa gạo thì thị trường Việt Nam lại đang thiếu gạo. Dự báo, từ nay đến cuối năm Việt Nam sẽ hết gạo bán, bởi đang có một lượng gạo lớn của Việt Nam đang qua biên giới sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.


Theo một báo cáo chưa đầy đủ của VFA, tính từ đầu năm đến nay, lượng gạo xuất khẩu sang biên giới phía Bắc chiếm khoảng 1.200.000 tấn. Hiện, biên giới phía Bắc, đặc biệt là cửa khẩu Lào Cai không khí buôn bán gạo qua Trung Quốc rất nhộn nhịp có chiều hướng tăng cao. Ví dụ, đầu tháng 10 gạo quan biên giới chỉ ở mức 5 ngàn tấn/ngày nhưng đến nay đã tăng lên 8-10 tấn/ngày với giá chỉ 9-10 ngàn đồng/kg. Ngoài ra, ước tính tại Lào Cai có khoảng 30 doanh nghiệp xuất khẩu gạo không có giấy đủ điều kiện xuất khẩu đang tham gia hoạt động xuất khẩu khá sôi động.


“Hiện đang có tình trạng các DN phía Bắc vào Nam liên hệ với các doanh nghiệp có đầu mối xuất khẩu gạo để nhận ủy thác xuất khẩu gạo. Toàn bộ thủ tục, hàng hóa xuất khẩu người nhận ủy thác làm hết và người ủy thác chỉ việc ký giấy, nhận “hoa hồng” là xong. Hợp đồng được đăng ký tại hiệp hội nhưng khối lượng xuất khẩu hoàn toàn không có. Chúng tôi cũng đã khuyến cáo các DN phía Nam không nên nhận hình thức ủy thác nàysẽ làm mất nguy cơ mất uy tín với bạn hàng. Tuy nhiên, do nhiều lý do khác nhau, các doanh nghiệp phía Nam vẫn hợp tác với các DN phía Bắc theo hình thức trên.”ông Phong chia sẻ.


Có thể thấy, trong điều kiện xuất khẩu chính ngạch đang gặp khó khăn thì việc xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sẽ làm giảm đi lượng hàng tồn kho, giúp doanh nghiệp trong nước tăng doanh thu. Song việc xuất khẩu gạo theo đường tiểu ngạch sẽ giảm giá trị hạt gạo của Việt Nam, đồng thời ảnh hưởng lớn đến thương hiệu gạo Việt.


Để hạn chế tình trạng trên, ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong thời gian tới Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan như hải quan, thuế, địa phương vào cuộc để kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh lại sự việc trên. Bởi xuất khẩu gạo lậu với khối lượng lớn như thế vô hình chung đang tạo ra sức ép cạnh tranh không lành mạnh đối với các doanh nghiệp Việt xuất khẩu chính ngạch. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc theo đường chính ngạch để đảm bảo quyền lợi và lợi ích cho các bên.


Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Xây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu
Xây dựng thương hiệu cho gạo xuất khẩu

Việc xây dựng một thương hiệu cho gạo xuất khẩu của Việt Nam là một trong những giải pháp quan trọng để đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam ra thị trường thế giới.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN