Theo đó, đàn vịt có biểu hiện tím tái, khô chân, phân trắng, ốm chết lẻ tẻ, gia đình đã tự đem chôn hủy sau đó mới thông báo với cơ quan thú y địa phương. Nhận được tin báo, cơ quan chuyên môn đã tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm gửi đi xét nghiệm và kết quả trả về là dương tính với virus cúm A/H5N6.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương tiêu hủy toàn bộ 770 con vịt của gia đình ông Diện; đồng thời triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch, như: công bố dịch cúm gia cầm tại xã Trần Hưng Đạo, thành lập tổ chống dịch; thông báo tình hình dịch bệnh trên đài phát thanh của xã; lập chốt kiểm dịch để kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn xã; tổng vệ sinh chuồng trại, thu gom phân, chất thải đem chôn; sử dụng 20 lít hóa chất, 700 kg vôi bột để khử trùng tiêu độc ổ dịch và các hộ chăn nuôi lân cận.
Hiện ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng phối hợp với chính quyền địa phương thống kê toàn bộ đàn gia cầm của xã Trần Hưng đạo để tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây dịch.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, thời gian qua, chăn nuôi gia cầm của tỉnh Hà Nam phát triển khá mạnh do tác động của dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã chuyển sang nuôi gia cầm. Đến nay, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt 6,8 triệu con, tăng 15% so với năm 2018.
Để phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền đến người chăn nuôi về dịch cúm gia cầm, những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là việc vệ sinh tốt khu vực chuồng trại, nơi chăn thả gia cầm tập trung; mua con giống tại những cơ sở có uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ, đúng định kỳ cho gia cầm.
Chính quyền các địa phương cần chủ động giám sát dịch ngay từ cơ sở, triển khai những biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy trình kỹ thuật; khi xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm phải thực hiện ngay biện pháp bao vây, khoanh vùng dập dịch không để lây lan ra diện rộng
Trong khi đó, tại tỉnh Bình Phước đến thời điểm này mặc dù chưa ghi nhận dịch bệnh cúm gia cầm tái diễn nhưng tỉnh cũng đã chủ động triển khai các giải pháp kiểm soát dịch bệnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền chỉ đạo các ngành chuyên môn, các huyện, thị khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động ngăn chặn dịch cúm phát sinh trên đàn gia cầm và nguy cơ lây lan sang người trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND cấp huyện khẩn trương rà soát, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật cấp huyện, cấp xã.
Bà Trần Tuệ Hiền cũng chỉ đạo các địa phương trong tỉnh chấn chỉnh kịp thời việc phòng, chống dịch bệnh động vật; đặc biệt, tổ chức tuyên truyền sâu, rộng về tình hình dịch bệnh, áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh trong giết mổ gia cầm, không sử dụng gia cầm, sản phẩm từ thịt gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm, sản phẩm từ thịt gia cầm chưa qua kiểm dịch; sử dụng thịt gia cầm phải nấu chín và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm theo khuyến cáo của cơ quan thú y.
Tính đến cuối tháng 2, có 80% trang trại đã triển khai biện pháp tiêu độc, khử trùng chuồng trại phòng ngừa bệnh cho đàn gia cầm. Hiện tỉnh có 70% trang trại gia cầm được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Bình Phước Trần Văn Phương cho biết, trên địa bàn có 89 trang trại chăn nuôi tập trung đàn gia cầm quy mô lớn, chiếm gần 50% tổng đàn; trong đó, có 16 trang trại chăn nuôi gia công; 28 trang trại cho các công ty chăn nuôi thuê và 45 trang trại chủ đầu tư tự nuôi.
Chăn nuôi gia cầm trong nông hộ khoảng 3,2 triệu con, chiếm 52,3% tổng đàn. Toàn tỉnh có 44 trại chăn nuôi theo hình thức chuồng kín, 45 trại chăn nuôi theo hình thức chuồng hở...