Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hòa Bình, ngày 24/2, tại hộ gia đình anh Đào Kim Toại, xóm 23/9, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn xuất hiện gà ốm, chết hàng loạt. Qua kiểm tra, xác minh tại gia trại nuôi 5.500 con gà, đã có 3.000 con gà bị chết, với biểu hiện tím tái, khô chân, phân trắng. Gia đình có dùng một số loại vắc xin điều trị số gà ốm nhưng không hiệu quả.
Theo phiếu trả lời xét nghiệm từ Chi cục Thú y vùng I, 3 mẫu bệnh phẩm đơn (1 mẫu gộp) lấy từ đàn gia cầm mắc bệnh tại xã Liên Sơn (Lương Sơn) cho kết quả dương tính với virus cúm A/H5N6.
Trên cơ sở kết quả dương tính với cúm gia cầm A/H5N6, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hòa Bình đã có Văn bản số 127/CCCN&TY-TY ngày 25/2/2020 đề nghị UBND huyện Lương Sơn công bố dịch cúm gia cầm xuất hiện tại xã Liên Sơn, đồng thời khẩn trương triển khai các biện pháp quyết liệt chống dịch, kịp thời khống chế không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Trước tình hình dịch cúm A/H5N6 có thể bùng phát ra diện rộng, ông Vũ Đức Hải - Trưởng thôn 23/9, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn cho biết, đến nay các cơ quan, đơn vị chức năng của thôn, xã đã phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền vận động nhân dân chủ động bằng các biện pháp phun thuốc khử trùng, tiêu độc. Trên địa bàn hiện có khoảng hơn 20.000 con gà, do đó người dân hết sức chủ động và cùng chung tay tham gia xử lý tiêu hủy số lượng gà mắc dịch cúm A/H5N6 tại hộ gia đình anh Đào Kim Toại.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hòa Bình, ông Trần Tiến Trường cho biết, đây là ổ dịch đầu tiên xuất hiện trên địa bàn tỉnh, vì vậy các đơn vị chức năng cần tăng cường các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H5N6; đồng thời, triển khai việc khử trùng, tiêu độc các điểm có nguy cơ bùng phát dịch; tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển gia cầm, tránh hiện tượng bán chạy gia cầm trên địa bàn.
Đến thời điểm này, các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh Hòa Bình đã tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm A/H5N6. UBND huyện Lương Sơn đã tiến hành công bố dịch, triển khai các biện pháp chống dịch kịp thời, hiệu quả không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Trong khi đó, tại tỉnh Phú Thọ cũng đang tăng cường các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm. Mặc dù dịch cúm gia cầm A/H5N6 chưa xảy ra trên địa bàn tỉnh Phú Thọ nhưng do thời tiết nóng lạnh thất thường, mưa ẩm dài ngày, cùng với việc vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm tại các chợ chưa được kiểm soát chặt chẽ, điều này rất dễ phát tán mầm bệnh. Bên cạnh đó, điều kiện vệ sinh thú y ở các hộ chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ không đảm bảo, khiến tiềm ẩn dịch cúm gia cầm xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, Phú Thọ hiện là một trong những địa phương có tỷ lệ lưu hành virus cúm A/H5N1 và A/H5N6 đang ở mức cao, rất dễ bùng phát trong các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ; trong đó, tiềm ẩn nhất là các ổ dịch từ những năm trước tại các xã Đỗ Sơn, huyện Thanh Ba; xã Phùng Nguyên, huyện Lâm Thao và Thắng Sơn, huyện Thanh Sơn…
Để tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm, các địa phương trong tỉnh đang rà soát, thống kê tổng đàn gia cầm; tuyên truyền, vận động người chăn nuôi dự trữ hóa chất, vôi bột để khử trùng; tiêm phòng vắc xin để ngừa bệnh; giám sát, theo dõi chặt chẽ đàn gia cầm, kịp thời thông báo với cơ quan thú y khi đàn có biểu hiện bất thường; khuyến cáo người dân không giấu dịch; không bán chạy đàn…
Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng đang kiểm tra, lấy mẫu giám sát nhằm sớm phát hiện các ổ dịch; kiểm dịch chặt chẽ các phương tiện vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm lưu thông qua địa bàn tỉnh; thực hiện tháng khử trùng tiêu độc, vệ sinh thú y…
Ông Nguyễn Tất Thành, Chi cục Chăn nuôi, Thú y cho biết, ngành đã cấp trên 16.000 lít hóa chất các loại để khử trùng tiêu độc đồng loạt tại các khu vực chăn nuôi, các chợ trên địa bàn 225 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thành, thị.
Trong đó, các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ động vật, cơ sở ấp trứng gia cầm sẽ thực hiện khử trùng, tiêu độc thường xuyên theo quy trình kỹ thuật; các hộ chăn nuôi ngoài việc khử trùng chuồng trại định kỳ, còn phải thường xuyên tiêu độc bằng vôi bột.
Ngành cũng đang khuyến cáo người chăn nuôi tăng cường ứng dụng quy trình thực hành sản xuất chăn nuôi theo phương pháp chăn nuôi an toàn sinh học; đồng thời có biện pháp kiểm soát được người và phương tiện ra vào trang trại, kiểm soát được vật chủ trung gian; thức ăn, nước uống và nước sử dụng trong chăn nuôi đảm bảo hợp vệ sinh, không nhiễm mầm bệnh; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin và thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng tốt cho đàn vật nuôi,..
Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã chuyển hướng sang chăn nuôi gia cầm khiến tổng đàn tăng nhanh. Dự kiến hết năm 2020, tổng đàn gia cầm đạt trên 15 triệu con (gà 13 triệu con), tăng 4,4%%, sản lượng trứng đạt 430 triệu quả.