Hà Nội không chủ quan trong phòng chống dịch cúm gia cầm

Hiện nay, thời tiết rất thuận lợi để dịch bệnh phát triển không chỉ đối với cúm gia cầm mà còn với cả các dịch bệnh khác.

Để "dịch không chồng dịch" xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội đã chủ động phòng chống dịch bằng nhiều giải pháp tích cực từ giám sát chặt chẽ ở cơ sở chăn nuôi đến việc vệ sinh chuồng trại, tiêm vắc xin, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi...

Chú thích ảnh
Đoàn kiểm tra của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội kiểm tra cơ sở chăn nuôi tại huyện Chương Mỹ. Ảnh: Phương Anh/TTXVN

Với gần 34 triệu con gia cầm, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm ngoái, Hà Nội đang là thành phố có đàn gia cầm lớn nhất cả nước; trong đó đàn gà là 26,6 triệu con (gà sinh sản gần 7 triệu con), đàn vịt, ngan trên 7 triệu con (vịt, ngan sinh sản gần 4 triệu con). Trong khi đó, chăn nuôi gia cầm tập trung mới chiếm có 10% tổng đàn nuôi toàn thành phố (hơn 3 triệu con) tại 290 Công ty, xí nghiệp, Hợp tác xã, Trung tâm, Doanh nghiệp; đàn chim cút nuôi có 504 hộ chăn nuôi tổng đàn khoảng 4,4 triệu.

Do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu, sau Tết Nguyên đán mấy tuần qua có mưa phùn, ẩm thấp, độ ẩm cao cộng với môi trường ô nhiễm nặng từ ngày 3/2 đến ngày 10/2/2020, trên địa bàn Hà Nội đã xảy ra 4 ổ dịch cúm gia cầm tại xã Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ) chủng cúm A/H5N6, tổng số gia cầm tiêu hủy 6.807 con.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, mặc dù Hà Nội mới phát hiện có ổ dịch cúm gia cầm ở huyện Chương Mỹ dương tính với cúm A/H5N6, nhưng nguy cơ bùng phát dịch bệnh rất cao không thể chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Chính vì vậy, ngay khi phát hiện ra ổ dịch, Chi cục đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêu hủy ngay toàn bộ số gia cầm mắc bệnh theo quy định và triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch (lập chốt, rà soát thống kê, ký cam kết, tiêm phòng bao vây, vệ sinh tiêu độc…).
 
Theo lãnh đạo xã Phú Nghĩa, để đảm bảo người chăn nuôi tuân thủ nghiêm việc phòng chống dịch bệnh, UBND xã đã yêu cầu các hộ chăn nuôi ký cam kết, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định; thực hiện tốt việc khai báo với Ban chăn nuôi thú y hoặc UBND xã khi phát hiện gia cầm ốm, chết bất thường; nghiêm cấm việc giấu dịch, bán chạy gia cầm bệnh, vứt xác gia cầm bừa bãi ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Ngoài ra, huyện Chương Mỹ cũng thực hiện việc rà soát, thống kê, nắm bắt chặt chẽ diễn biến dịch bệnh đàn gia cầm trên toàn huyện để phát hiện, nếu xảy ra dịch bệnh kịp thời khống chế, bao vây dập dịch không để lây lan diện rộng. Huyện cũng tăng cường thông tin tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách nhận biết bệnh cúm gia cầm, các biện pháp phòng bệnh cho đàn gia cầm; hướng dẫn các hộ chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Theo các chuyên gia Thú y xác định, nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gia cầm trên diện rộng là rất cao trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bởi vì điều kiện thời tiết có diễn biến bất lợi, mưa phùn, lạnh, ẩm ướt làm sức đề kháng vật nuôi giảm, mầm bệnh có điều kiện phát sinh. Bên cạnh đó, tại khu vực chăn nuôi lại có nhiều ao hồ, kênh, mương thông nhau là điều kiện để mầm bệnh phát triển. Trong khi các hộ chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội vẫn chủ yếu nhỏ lẻ, manh mún nên nhận thức về chăn nuôi an toàn sinh học và chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm còn thấp.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ vật tư hóa chất, bảo hộ lao động để kịp thời ứng phó khi có các ổ dịch phát sinh. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức các biện pháp kỹ thuật để người dân chăn nuôi chủ động áp dụng các giải pháp chăn nuôi an toàn dịch học.

Đặc biệt, các lực lượng thú y thực hiện tốt việc tiêm phòng vắc xin và tổng vệ sinh tẩy uế môi trường trên địa bàn toàn thành phố để chủ động tạo miễn dịch cho đàn gia cầm và ngăn chặn mầm bệnh; tăng cường công tác kiểm tra tại các chốt kiểm dịch, nhất là chốt Kiểm dịch Hà Vĩ, nơi có lưu lượng gia cầm rất lớn từ các tỉnh, thành chuyển về (khoảng 25 – 30 con/ngày), xử lý nghiêm các vi phạm, không chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Ngoài ra, Chi cục cũng chỉ đạo mạng lưới thú y cơ sở giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cơ sở để kịp thời phát hiện gia cầm có biểu hiện không bình thường, lấy mẫu, gửi mẫu nhanh nhất để xử lý ổ dịch. Trực tiếp tham gia vào việc tiêm phòng vác xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ cao, đảm bảo quy trình kỹ thuật để nâng cao hiệu quả miễn dịch. Bên cạnh việc thực hiện các giải pháp khống chế, ngăn chặn bệnh cúm gia cầm, Hà Nội cũng đang tập trung thực hiện các giải pháp đối với đàn gia súc, gia cầm nói chung để tránh “dịch chồng dịch”.

Giải pháp tổng quan là chủ động tiêm phòng đạt tỷ lệ cao, giám sát và xử lý kịp thời ngay các ổ dịch phát sinh, tẩy uế môi trường, tăng cường truyền thông để người chăn nuôi, người tiêu dùng chủ động vào cuộc thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học.

Nam Giang (TTXVN)
Hải Phòng xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N6
Hải Phòng xuất hiện dịch cúm gia cầm A/H5N6

Ngày 25/2, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Phòng cho biết, dịch cúm gia cầm A/H5N6 đã xuất hiện tại Hải Phòng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN