Các địa phương chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm

Ngày 14/2, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản khẩn chỉ đạo các sở, ngành liên quan tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện tổ chức triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, nhất là dịch bệnh cúm gia cầm.

Ngành nông nghiệp tổ chức việc giám sát, phát hiện sớm, xử lý kịp thời dịch bệnh trên gia cầm và thông báo kịp thời cho ngành y tế khi phát hiện các ổ dịch trên đàn gia cầm. Hướng dẫn chủ chăn nuôi gia cầm tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp chủ động phòng dịch, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức triển khai chủ động giám sát, lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm để kịp thời cảnh báo, áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, sử dụng có hiệu quả các loại vắc xin phòng bệnh cúm gia cầm. Tổ chức tiêm vắc xin cúm gia cầm phòng bệnh cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ tối thiểu trên 80% tổng đàn có nguy cơ và thuộc đối tượng tiêm phòng.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao của tỉnh, thành phố để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Thời gian thực hiện đồng loạt ngay từ đầu tháng 2/2020. Tăng cường kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm. Tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, giám sát, đánh giá sự sẵn sàng phòng chống dịch và chỉ đạo việc thực hiện phòng chống dịch cúm gia cầm.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương tổ chức ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật trên địa bàn quản lý, đặc biệt đối với các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam; đặc biệt là nghiêm cấm việc nhập, vận chuyển động vật hoang dã vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật hiện hành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Theo thống kê toàn tỉnh hiện có khoảng 3,6 triệu con gia cầm; đàn gia cầm đang phát triển thuận lợi và chưa xảy ra dịch bệnh. Trong thời gian qua theo khuyến cáo của ngành thú y, người chăn nuôi đã thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Phần lớn các hộ tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi từ chăm sóc, đến tiêm phòng các loại vắc - xin, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi.

Tại Hà Nam: Để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia cầm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam cùng các địa phương và hộ chăn nuôi đang triển khai đồng bộ các giải pháp.

Chú thích ảnh
Phun hóa chất tiêu độc khử trùng chuồng nuôi gà tại trang trại của anh Nguyễn Văn Hồng, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý (Hà Nam). Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN

Trang trại của anh Nguyễn Văn Hồng, xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý (Hà Nam) đang nuôi hơn 30.000 con gà đẻ, mỗi ngày cho thu 25.000 – 27.000 quả trứng và hơn 5.000 con vịt. Với những người chăn nuôi quy mô lớn như anh thì việc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi luôn được quan tâm hàng đầu, nhất là khi thời tiết mưa ẩm như hiện nay.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm chăn nuôi gia cầm, anh Nguyễn Văn Hồng chia sẻ, vấn đề quan trọng nhất trong phòng bệnh cho đàn gia cầm là phải cho chúng ăn uống đầy đủ và được tiêm phòng các loại vắc - xin theo đúng định kỳ.

Xung quanh chuồng và trong chuồng phải được tiêu độc, khử trùng thường xuyên. Trang trại nuôi gà chia ra từng dãy và được đánh số thứ tự để tiện theo dõi sức khỏe. Nhờ tuân thủ nghiêm các quy trình đó, nên từ nhiều năm nay, đàn gia cầm của gia đình anh luôn khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cho biết, thời gian qua, chăn nuôi gia cầm của tỉnh Hà Nam phát triển khá mạnh do tác động của dịch tả lợn châu Phi, nhiều hộ chăn nuôi lợn đã chuyển sang nuôi gia cầm. Đến nay, tổng đàn gia cầm của tỉnh đạt 6,8 triệu con, tăng 15% so với năm 2018.

Cùng với phát triển đàn, người chăn nuôi đã quan tâm hơn đến việc phòng chống dịch bệnh cho gia cầm; tuân thủ quy trình kỹ thuật từ chăm sóc đến tiêm phòng các loại vắc – xin, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi…

Do vậy, trong 2 năm 2018 và 2019 trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Tuy nhiên, nguy cơ dịch cúm gia cầm xuất hiện trở lại trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện nay rất cao khi dịch đã xuất hiện tại một số tỉnh, thành phố trong nước; trong đó, có Hà Nội là địa bàn giáp ranh với tỉnh Hà Nam.

Để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nam đã và đang phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi về dịch cúm gia cầm, những biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là việc vệ sinh tốt chuồng trại, nơi chăn thả gia cầm tập trung; mua con giống tại những cơ sở có uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Chính quyền các địa phương chủ động giám sát dịch ngay từ cơ sở, triển khai những biện pháp phòng chống dịch theo đúng quy trình kỹ thuật, tránh tư tưởng chủ quan trong một bộ phận cán bộ và người dân do trong thời gian khá dài trên địa bàn tỉnh không có dịch cúm gia cầm. Khi xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm thực hiện ngay biện pháp bao vây, khoanh vùng dập dịch không để lây lan ra diện rộng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam cũng đang phối hợp với các đơn vị tập trung triển khai hiệu quả tháng khử trùng tiêu độc từ 10/2 – 10/3/2020 tại tất cả các địa phương trong tỉnh, đặc biệt là tại các ổ dịch cũ, nơi buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm. Ngành đã cấp hơn 3.200 lít hóa chất cho các huyện, thị xã, thành phố và chỉ đạo các địa phương tổ chức phun thuốc khử trùng tiêu độc theo đúng kỹ thuật, trong đó dọn vệ sinh trước để bảo đảm hiệu quả tối đa của hóa chất. Bên cạnh đó, ngành cũng thường xuyên tổ chức lấy mẫu giám sát lưu hành virus cúm trên đàn gia cầm của tỉnh để chủ động triển khai biện pháp phòng, chống…

Nhóm phóng viên thường trú (TTXVN)
Các địa phương phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N6
Các địa phương phòng, chống dịch cúm gia cầm A/H5N6

Ngày 12/2, ông Nguyễn Công Trình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh cho biết, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Ninh đã tiêu hủy hơn 8.500 con vịt nhiễm dịch cúm gia cầm A/H5N6, trên địa bàn huyện thành phố Bắc Ninh và huyện Quế Võ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN