Tính đến ngày 18/2, TP Hà Nội có 71 người nghi nhiễm COVID-19 và tất cả đều đã có xét nghiệm âm tính; 470 người tiếp xúc gần đã kết thúc giám sát y tế. Trong số 1.897 người cần giám sát y tế có 1.541 người đã kết thúc giám sát. 5/59 người cách ly y tế tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố đã kết thúc cách ly.
Ngoài ra, vừa qua, địa bàn thành phố đã xuất hiện một ổ dịch cúm gia cầm chủng A/H5N6 tại huyện Chương Mỹ với tổng số gia cầm phải tiêu hủy là 2.397 con. Đáng lo ngại, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Bộ Y tế đã yêu cầu, đối với các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng mà người bệnh có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bệnh, chết trong vùng dịch cúm A/H5N6, cơ sở y tế điều trị phải lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389/TP thành phố Hà Nội ban hành Công văn số 146/BCĐ389/TP - CQTT ngày 14/2 về việc triển khai thực hiện các giải pháp ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 và phòng, chống bệnh cúm gia cầm.
Công văn nêu rõ, các sở, ngành thành viên và Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã theo chức năng nhiệm vụ chủ động triển khai tới toàn lực lượng thực hiện các giải pháp ứng phó với dịch bệnh COVID-19 và các loại mầm bệnh nguy hiểm ở động vật theo chỉ đạo tại các văn bản chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội; chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch theo dõi, nắm chắc tình hình dịch cúm gia cầm trên địa bàn phụ trách. Ban Chỉ đạo phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức lực lượng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không... nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật, sản phẩm động vật; đặc biệt là gia cầm sống, các sản phẩm gia cầm nhập lậu, nghi nhập lậu từ nước ngoài vào Việt Nam, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh hoặc chưa qua kiểm dịch theo quy định...
Theo đó, Ban Chỉ đạo 389/TP thành phố yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo cơ quan thú y tăng cường kiểm tra tại các chợ đầu mối; tổ chức trực tại các chốt kiểm dịch 24/24 giờ; phối hợp với các cơ quan có liên quan chủ trì xử lý, tiêu hủy đối với các sản phẩm gia cầm và gia cầm nhập lậu bị tịch thu, tiêu hủy. Cơ quan thú y giám sát, phát hiện sớm nhằm xử lý triệt để các ổ dịch trên gia cầm, thông báo kịp thời cho cơ quan y tế để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch lây lan sang người…
Ngành chức năng tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra vào địa bàn thành phố; hoạt động kinh doanh, giết mổ gia cầm, sản phẩm gia cầm tại các chợ, nhà hàng, cửa hàng, siêu thị, các điểm giết mổ; phát hiện và xử lý nghiêm đối với những trường hợp sử dụng giấy chứng nhận kiểm dịch không đúng quy định…
Cục Quản lý thị trường Hà Nội chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát việc kinh doanh, vận chuyển gia cầm không có kiểm dịch, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; phát hiện, ngăn chặn và xử lý các loại sản phẩm gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các đơn vị cử người tham gia trực tại các chốt kiểm dịch động vật liên ngành thành phố.
Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra công tác an toàn thực phẩm, chỉ đạo hệ thống y tế cơ sở phối hợp với các lực lượng chức năng, các cấp chính quyền phát hiện, phòng chống dịch cúm gia cầm và phòng, chống dịch cúm này lây nhiễm sang người.
Ban Chỉ đạo 389/TP đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội chỉ đạo các tổ chức thành viên tích cực, chủ động phối hợp với ngành Y tế và chính quyền các cấp thực hiện tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội đối với công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, dịch cúm gia cầm.
Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, dịch cúm gia cầm trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết tác hại và chủ động tham gia phòng, chống; không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, vận chuyển, tiêu thụ trái phép động vật hoang dã, gia cầm sống, các sản phẩm gia cầm...
Ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người chăn nuôi gia cầm mua giống từ các cơ sở có uy tín trong nước, có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch thú y; tuyên truyền đến các đối tượng kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm và người dân chỉ kinh doanh, vận chuyển và mua gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc rõ ràng, đã được cán bộ thú y kiểm tra để sử dụng làm thực phẩm; khuyến cáo người dân khi có triệu chứng nghi ngờ cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, phát hiện và điều trị kịp thời.
Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã phối hợp với các lực lượng chức năng địa phương kiểm tra, xử lý nghiêm việc kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc đưa vào tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, cơ sở dịch vụ ăn uống; kiểm tra, kiểm soát tại các địa bàn không được giết mổ gia cầm sống. Đồng thời, Ban Chỉ đạo 389 quận, huyện, thị xã chỉ đạo các lực lượng chức năng địa phương, cơ quan chuyên môn tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là tại các cơ sở giết mổ, chế biến, tiêu thụ và vận chuyển gia cầm; giám sát chặt chẽ, phát hiện kịp thời dịch bệnh cúm gia cầm và xử lý triệt để các ổ dịch; đặc biệt tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ...