Tỉnh Bắc Ninh đã chủ động thực hiện các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, đến nay, dịch bệnh bước đầu được khống chế, không tiếp tục lây lan, bùng phát trên diện rộng.
Gia đình ông Nguyễn Hữu Huân là hộ chăn nuôi xuất hiện dịch cúm gia cầm đầu tiên tại tỉnh Bắc Ninh. Ngay khi xuất hiện tình trạng gia cầm chết, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh đã lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi phát hiện gia cầm mắc bệnh cúm, Chi cục đã tiêu hủy gần 4.500 con vịt. Bên cạnh đó, xác định nguy cơ dịch dễ lây lan, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã vận động 2 gia đình chăn nuôi gia cầm cạnh nhà ông Huân tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của gia đình mình.
Ông Nguyễn Văn Điệp, thôn Hữu Chấp, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh có gia cầm bị tiêu hủy cho biết, do chăn nuôi cạnh gia đình ông Huân, mặc dù trang trại xuất hiện một số trường hợp vịt chết, chưa xác định đàn gia cầm nhiễm cúm nhưng được sự vận động của các cơ quan chức năng, nhằm tránh lây lan dịch, gia đình ông đồng ý tiêu hủy toàn bộ số gia cầm của mình. Bên cạnh đó, gia đình ông đã thực hiện phun hóa chất, rắc vôi bột mỗi ngày một lần để vệ sinh, khử trùng tiêu độc khu vực chuồng trại chăn nuôi 2 ngày/lần trong tuần đầu.
Nhờ kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đến nay, sau 15 ngày từ khi xuất hiện dịch cúm gia cầm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh không xuất hiện thêm ổ dịch mới. Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi dịch bệnh xuất hiện, phường đã thành lập 3 chốt kiểm dịch trực 24/24 giờ để ngăn chặn tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm từ vùng dịch ra bên ngoài; đồng thời tiến hành phun hóa chất vệ sinh, khử trùng tiêu độc toàn bộ các phương tiện giao thông từ vùng dịch ngăn ngừa dịch lây lan sang các địa phương khác.
Ngoài ra, UBND phường cũng chỉ đạo địa phương thống kê tổng đàn gia cầm trên địa bàn để triển khai tiêm vắc xin cúm cho toàn bộ gia cầm, thuộc diện tiêm, yêu cầu các hộ ký cam kết không buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm từ vùng dịch ra bên ngoài. Đến nay, toàn phường đã tiêm trên 16.000 liều vắc xin cúm cho đàn gia cầm, sử dụng 40 tấn vôi bột, 192 lít hóa chất vệ sinh khử trùng tiêu độc .
Phòng, chống dịch cúm gia cầm không chỉ được tiến hành đối với những hộ chăn nuôi, những ngày qua, việc kiểm soát các cơ sở giết mổ gia cầm cũng được các cơ quan chức năng tỉnh Bắc Ninh chú trọng. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và các đoàn kiểm tra liên ngành của các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra các cơ sở giết mổ và chăn nuôi, buôn bán gia cầm.
Ông Nguyễn Văn Sơn, Công ty TNHH Toản Luyện, thôn Quả Cảm, phường Hòa Long, thành phố Bắc Ninh cho biết, trước đây, mỗi ngày công ty giết mổ từ 450 đến 500 con gia cầm, nhưng trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, đến nay, mỗi ngày công ty giết mổ từ 50 đến 100 con gia cầm. Công ty luôn chú trọng nhập gia cầm có nguồn gốc rõ ràng của các cơ sở chăn nuôi có uy tín. Các nhân viên trong công ty đều sử dụng phương tiện bảo hộ trong khi giết mổ, vận chuyển gia cầm…
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh, từ khi xuất hiện dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh (ngày 5/2) đến hết ngày 17/2, tỉnh xuất hiện 3 ổ dịch cúm gia cầm làm trên 15.000 con mắc bệnh, chết, buộc phải tiêu hủy với trọng lượng trên 29.000 kg.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, hiện nay, thời tiết thay đổi bất thường, mưa phùn kéo dài, độ ẩm tăng cao, làm giảm sức đề kháng ở đàn vật nuôi, tạo môi trường thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển.
Bên cạnh đó, nhu cầu sử dụng thực phẩm từ gia cầm lớn ở những tháng đầu năm nên hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm từ động vật ra vào địa bàn tỉnh tăng cao. Tổng đàn gia cầm của tỉnh tăng mạnh (khoảng trên 5,6 triệu con).
Nhằm tăng cường phòng, chống dịch bệnh, Chi cục phối hợp chặt chẽ với các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp tiêu độc, khử trùng bằng cách rắc vôi bột, phun hóa chất tại các điểm giết mổ, chợ đầu mối, cơ sở chăn nuôi. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở, hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học để phòng ngừa dịch bệnh.
Đến nay, tỉnh sử dụng trên 300 lít hóa chất và trên 92 tấn vôi bột phục vụ tiêu độc, khử trùng môi trường, ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng đệm. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi đã tiêm phòng bao vây, dập dịch trên 36.000 liều vắc xin cúm gia cầm…
Đặc biệt, Chi cục cũng phối hợp với các cơ sở y tế khuyến cáo người dân trên địa bàn toàn tỉnh không hoang mang trước dịch bệnh, sử dụng gia cầm, sản phẩm gia cầm có nguồn gốc, xuất xứ an toàn.