Huyện biên giới Bù Gia Mập là một trong những địa phương có diện tích trồng điều lớn của tỉnh Bình Phước. Tại hộ gia đình ông Điểu Rít ở thôn Thác Dài (xã Phú Văn, huyện Bù Gia Mập), từ giữa tháng 10 đến nay, gia đình ông Rít bất ngờ phát hiện trên cây có sâu róm đỏ ăn lá với mật độ dày đặc.
Ông Điểu Rít cho biết: "Tôi vào thăm vườn giữa tháng 10 thì phát hiện phân tròn đen rụng dưới đất. Sau đó, tôi nhìn lên trên cành cây thì thấy sâu róm đỏ đang ăn lá và chồi. Vườn của gia đình tôi trồng đã trên 20 đến 30 năm nên độ cao hơn chục mét, khó phát hiện sâu bệnh. Tôi thấy cành trụi lá nên mới phát hiện sâu".
Hộ gia đình anh Điểu Xuân cũng ở thôn Thác Dài có diện tích hơn 3 ha điều bị sâu tấn công trong tháng 10. Trước tình hình sâu róm ăn mỗi cây một ít, anh Xuân đã chủ động phun xịt. "Năm nay, sâu róm đỏ tấn công bất ngờ quá. Tôi cũng như một số vườn trồng cây điều ít tham vườn thường xuyên thì khi sâu ăn thết lá mới phát hiện. Tại đây, vườn tôi chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sẽ ra hoa, tuy nhiên những chỗ đã bị sâu ăn sẽ khó ra hoa và đậu trái", anh Xuân nói.
Ông Điểu Dũng, Trưởng thôn Thác Dài (xã Phú Văn) cho biết, hiện nay trên địa bàn có nhiều hộ dân trồng điều bị sâu róm đỏ gây hại cục bộ. Nhiều hộ gia đình trồng điều chưa chủ động thăm vườn thường xuyên, khi phát hiện sâu ăn thì cây đã bị hư hại nặng. Ban thôn cũng đã nhắc nhà nông trồng điều nên thường xuyên thăm vườn để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.
Vài ngày qua, sau khi điều tra sâu bệnh hại và theo báo cáo của cộng tác viên trồng trọt các xã trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, thông kê sơ bộ diện tích nhiễm sâu róm đỏ khoảng 60 ha, ở mức độ nhẹ. Đây là đối tượng sâu hại phát triển rất nhanh nên khi xuất hiện cần có các biện pháp xử lý kịp thời để diệt phòng trừ, tránh phát sinh ra diện rộng.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập Phan Văn Hà cho biết, sau khi người dân phản ánh, đơn vị đã hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu róm đỏ. Đặc điểm phát sinh của sâu róm đỏ thường phát sinh quanh năm, nhưng mạnh nhất vào giai đoạn cây điều ra chồi non, lá non. Sâu ăn lá non và lá bánh tẻ, sâu ăn rất mạnh và sinh sản nhanh nên mức độ gây hại thường rất lớn.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập khuyến cáo nhà nông các biện pháp phòng trừ như kiểm tra vườn thường xuyên để phát hiện sớm sâu róm đỏ. Khi phát hiện trong vườn có sâu róm đỏ, nhưng mới xuất hiện cục bộ một vài cành có thể sử dụng biện pháp thủ công là cắt bỏ những cành có sâu róm đỏ dễ đốt. Với những vườn điều đã xuất hiện nhiều sâu róm đó nên sử dụng thuốc trừ sâu để diệt trừ, một số loại thuốc trừ sâu róm đỏ.
Cũng theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Bù Gia Mập, cách diệt trừ sâu róm đỏ là nhà nông nên sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Abamectin như thuốc DT ABA 60.5EC, Redsuper 39EC... thuốc có hoạt chất Permerthrin hoặc Cypermerthrin như thuốc Kasaki 95EC, Somethrin 10EC, Cyrux Thái 275 EC...
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Bù Gia Mập khuyến cáo nhà nông khi sử dụng thuốc cần đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất và tuân thủ theo nguyên tắc bốn đúng. Nhà nông nên xịt hai lần, với lần thứ hai cách lần thứ nhất 7 - 10 ngày, cần theo dõi giai đoạn của sâu để xịt vào thời điểm sâu non từ tuổi 1 tuổi 3 thì hiệu quả cao nhất.
Để sâu róm đỏ không phát triển ra diện rộng, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp đề nghị Ủy ban nhân dân các xã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, ban, thôn theo dõi tình hình sâu róm đỏ và tuyên truyền về biện pháp phòng trừ cho nông dân. Cộng tác viên trồng trọt các xã tăng cường công tác điều tra tình hình, diễn biến sâu róm đỏ, hướng dẫn trực tiếp cho nông dân biện pháp phòng trừ.
Hiện nay, không chỉ vườn điều của người dân trong huyện Bù Gia Mập bị sâu róm đỏ tấn công, còn có nhiều hộ dân tại huyện Bù Đăng, nơi có diện tích lớn tỉnh Bình Phước đang bị ảnh hưởng. Trước tình trạng trên, ngành nông nghiệp Bình Phước đã tích cực tuyền truyền, khuyến cáo người dân cần chủ động thăm vườn, thực hiện các biện pháp phòng trừ bệnh hợp lý.