Xu thế ngân hàng số, ví điện tử

Theo các chuyên gia, dịch vụ ngân hàng số và ví điện tử sẽ là xu thế của nhiều ngân hàng trong thời đại công nghệ số hiện nay.

Cạnh tranh bằng công nghệ

Theo báo cáo tổng kết Banking Vietnam 2016 mới đây, tính đến cuối năm 2015, lượng thẻ ngân hàng phát hành trên toàn quốc đạt 99,5 triệu thẻ, tăng gấp 2 lần so với năm 2010. Điều này cho thấy, ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, mô hình bán lẻ này vẫn chưa thực chất và gây nhiều lãng phí.

Nhiều công ty đang cạnh tranh mở dịch vụ ví điện tử.

Mới đây, Ngân hàng VPBank đã cho ra mắt dịch vụ ngân hàng số Timo. Đây là mô hình hoạt động hoàn toàn khác với mô hình ngân hàng truyền thống, nhưng vẫn có đầy đủ chức năng của một ngân hàng. Cụ thể, Timo sử dụng kênh bán hàng theo phong cách riêng với ứng dụng kết nối Internet và Mobile Banking, cho phép người dùng thực hiện các giao dịch thanh toán, chuyển khoản hằng ngày hay tiết kiệm bằng thao tác đơn giản và mọi lúc mọi nơi. Điều này đã khiến việc thanh toán online trở nên thuận tiện hơn.

Bên cạnh ngân hàng số, dịch vụ ví điện tử (VĐT) cũng nở rộ trong thời gian đần đây. Nhất là sau khi VĐT MoMo triển khai rầm rộ và thu hút được sự chú ý cũng như người sử dụng ngày càng nhiều, các công ty công nghệ số đã không bỏ lỡ cơ hội. Gần đây nhất là Tập đoàn FPT ra mắt VĐT FPT, nhà mạng MobiFone ra mắt dịch vụ Vimo, VTC ra mắt VTC Pay… Phần lớn, VĐT ra đời như một giải pháp thay thế cho tấm thẻ ngân hàng truyền thống, giúp người tiêu dùng chuyển và rút tiền tại các ngân hàng qua thông tin hiển thị trên điện thoại; hoặc thanh toán các loại hóa đơn: điện, nước, truyền hình cáp, Internet, nạp tiền điện thoại và thậm chí có thể rút tiền về tài khoản ngân hàng, về thẻ thanh toán trên các website thương mại điện tử.

Tất nhiên, các dịch vụ VĐT này đều liên kết với tất cả các ngân hàng thương mại (NHTM) để tạo tiện ích thanh toán tiện lợi nhất. Chính vì thế, NHTM nào đầu tư công nghệ mạnh thì cạnh tranh càng tốt trong thời buổi bùng nổ Internet Banking hiện nay. Thực tế cho thấy, hiện rất nhiều ngân hàng trong nước đã gia tăng đầu tư cho công nghệ thông tin. Theo đánh giá của Viện Chiến lược Ngân hàng tại Banking Việt Nam 2016, các ngân hàng hiện đầu tư cho công nghệ thông tin khoảng 5% tổng mức đầu tư cho các tài sản cố định. Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn, bởi hiện các ngân hàng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương bỏ khoảng 7,3 tỷ USD/năm để đầu tư vào hạ tầng IT. Đơn cử, mỗi ngân hàng tại Singapore bỏ khoảng 200 triệu USD/năm vào hệ thống công nghệ.

Xu hướng tất yếu

Theo chuyên gia kinh tế TS Bùi Quang Tín, ĐH Ngân hàng TP Hồ Chí Minh, đầu tư cho công nghệ thông tin sẽ là xu hướng tất yếu của ngành ngân hàng trong tương lai. Bởi hiện nay, mô hình ngân hàng bán lẻ hiện tại ở Việt Nam vẫn chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống các chi nhánh để cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Mô hình này đã trở nên lạc hậu vì gây lãng phí trong khi không mang đến sự hài lòng cho khách hàng. Mặc dù thu hẹp hệ thống chi nhánh có thể giúp giảm chi phí, nhưng như thế vẫn chưa đủ giúp ngân hàng ứng phó với các điều kiện thị trường mới.

“Trong khi đó, khách hàng thời đại số hóa có những kỳ vọng khác so với thời đại cũ. Họ sử dụng mạng xã hội nhiều hơn, họ mong đợi có các trải nghiệm tương tác đơn giản, đồng bộ hơn. Đối với ngân hàng thì mong đợi đó là truy cập các dịch vụ của ngân hàng nhanh hơn, dễ hơn, giờ giấc linh động hơn. Mặt khác, thị trường tài chính đang xuất hiện những sản phẩm ngày càng phức tạp. tinh vi như onecoin, bitcoin, chứng khoán hóa, phái sinh… Nếu hệ thống ngân hàng không sáng tạo, không có những sản phẩm - dịch vụ mới cùng với mô thức quản lý mới sẽ không theo kịp thời đại. Vì thế, ngân hàng số hay VĐT là một giải pháp, một xu thế thiết thực nhất để đáp ứng yêu cầu này”, TS Tín chia sẻ.

Cung theo TS Tín, các ngân hàng tại Việt Nam tuy trong thời gian gần đây rầm rộ triển khai Internet Banking, mobile Banking, VĐT… nhưng cũng chỉ ở giai đoạn sơ khai. Và để bước tiếp, không còn cách nào khác là các ngân hàng phải mạnh tay chi cho đổi mới công nghệ. Nhìn từ lợi thế tỷ lệ dân số dùng Internet cao, khoảng 44% và 143 triệu thuê bao di động, hơn 30 triệu người dùng facebook, thì ngân hàng số, VĐT sẽ là một xu thế mới và rất tiềm năng. Nhưng để thực hiện mục tiêu này, yếu tố quan trọng nhất là dữ liệu, nếu chỉ có công nghệ mà không có dữ liệu, ngân hàng cũng không thể thực hiện được số hóa.

Ngoài ra, việc đầu tư công nghệ cũng là một phần đảm bảo an toàn thông tin. Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho biết hiện việc mất an toàn thông tin trong lĩnh vực ngân hàng đã và đang xảy ra với tần suất ngày càng nhiều. Đó cũng là lí do trong một tuần qua, nhiều NHTM đã liên tục gửi thư khuyến cáo khách hàng nên cẩn trọng khi giao dịch thẻ NH hay Internet Banking.

Hiện nay, Việt Nam có gần 17.000 máy ATM và 230.000 thiết bị chấp nhận thẻ (POS); có 67 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua Internet và 34 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua mobile. Năm 2015, thanh toán thẻ qua Internet đạt 2,2 triệu khách hàng.


Bài và ảnh: Hải Yên
Ví điện tử được sử dụng ngày càng tăng
Ví điện tử được sử dụng ngày càng tăng

Nhiều chuyên gia cho rằng xu hướng mua sắm tiêu dùng trên di động qua các dịch vụ ví điện tử và ứng dụng ngày càng tăng ở Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN