Xử lý nghiêm những vi phạm an toàn thực phẩm trong nông nghiệp 

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, để đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, ngành nông nghiệp Hà Nội đã tăng cường thanh, kiểm tra cơ sở sản xuất và sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Chú thích ảnh
Hà Nội tập trung kiểm tra ATTP có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều, có nguy cơ cao. Ảnh tư liệu: Dương Ngọc

Theo đó, từ đầu năm đến nay, Sở đã tổ chức lấy 502 mẫu sản phẩm nông, lâm, thủy sản nhằm giám sát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại các vùng sản xuất chuyên canh tập trung trên địa bàn thành phố và sản phẩm từ các tỉnh, thành phố, sản phẩm nhập khẩu lưu thông trên địa bàn. Trong 305 mẫu đã có kết quả phân tích, phát hiện 13 mẫu vi phạm (chiếm 4,2%), giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2019.

Cụ thể, tỷ lệ mẫu thịt không đạt các chỉ tiêu vi sinh và kháng sinh  là 5/86 mẫu (chiếm 5,8%), 1/146 mẫu rau, củ, quả tươi tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 0,7%), 7/48 mẫu sản phẩm chế biến vi phạm về chất bảo quản, thuốc bảo vệ thực vật (chiếm 8,7%).

Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, hiện nay Hà Nội có 17.417 cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Từ đầu năm 2020 đến nay, Chi cục đã thẩm định, xếp loại 51 cơ sở sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản. 

Kết quả có 34 cơ sở xếp loại B (chiếm 66,7%); 13 cơ sở xếp loại C (chiếm 25,5%) - đây là những cơ sở không đủ các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và 4 cơ sở không đánh giá (chiếm 7,8%). Đồng thời, cấp 30 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho các cơ sở xếp loại B trong sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Cùng với kiểm tra, đánh giá xếp loại, ngành nông nghiệp đẩy mạnh việc xử lý vi phạm theo quy định.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện công tác kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều, có nguy cơ cao, sản phẩm có nguy cơ lưu chứa, lây truyền dịch bệnh. Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp liên ngành kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất và sản phẩm nông nghiệp, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Đặc biệt, Sở cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ các quy định đảm bảo an toàn thực phẩm. Đồng thời, hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm đã được kiểm soát và chứng nhận chất lượng. Cùng đó, tăng cường giới thiệu, quảng bá sản phẩm an toàn, địa chỉ bán sản phẩm nông sản an toàn để người tiêu dùng tiếp cận, lựa chọn.

Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hà Nội là thành phố dẫn đầu về số điểm thẩm định của Hội đồng đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với số điểm là 91,5 điểm. Xếp sau Hà Nội là các tỉnh, thành phố: Bạc Liêu 90,5 điểm; Nam Định 90 điểm; Cần Thơ 89,5 điểm; Quảng Ngãi 88,5 điểm…

Đó là việc đánh giá, xếp hạng các địa phương về triển khai công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản được thực hiện theo Quyết định số 4070/QĐ-BNN-QLCL ngày 14/10/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, xếp hạng công tác quản lý an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản tại các địa phương và các tiêu chí khác theo quy định.

Nam Giang (TTXVN)
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học khi thời tiết oi bức
Đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học khi thời tiết oi bức

Đầu tháng 5/2020, học sinh trên cả nước bắt đầu quay trở lại trường học sau kỳ nghỉ dài kỷ lục do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN