Xử lý dứt điểm tồn đọng tại dự án thủy điện Bản Vẽ trước khi cấp huyện chấm dứt hoạt động

Ngày 10/4, ông Phạm Văn Hóa, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cho biết đã đề nghị huyện Tương Dương, huyện Thanh Chương tập trung xử lý dứt điểm tồn đọng thủy điện Bản Vẽ trước khi cấp huyện chấm dứt hoạt động vào 1/7/2025.

Chú thích ảnh
Nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng của người Ơ Đu ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Ảnh: Xuân Tiến/TTXVN

Theo đó, một trong những bất cập lớn của dự án thủy điện Bản Vẽ là vấn đề bồi thường đất đai. Nhiều hộ dân không thể sản xuất, canh tác trên diện tích đất của mình dù có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc đền bù chỉ áp dụng với phần đất dưới mực nước dâng hồ thủy điện (cốt 200m), còn diện tích trên mức này không được bồi thường. Điều này khiến người dân mất đất sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế.

Ngoài ra, khu tái định cư Bản Khe Ò, nơi di dời người dân để xây dựng nhà máy, cũng rơi vào tình trạng khó khăn. Đến nay, do điều kiện sống không đảm bảo, hầu hết hộ dân đã rời đi tìm nơi ở khác.

Cơn bão số 4 và trận lũ lịch sử vào tháng 8/2018 càng làm trầm trọng hơn tình hình khi thủy điện Bản Vẽ xả lũ, gây sạt lở nhà cửa, mất đất sản xuất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của các hộ dân ở bản Vẽ (xã Yên Na) và các khu vực lân cận.

Trước những khó khăn, bất cập kể trên, UBND tỉnh Nghệ An đã thành lập Tổ công tác liên ngành do Sở Công Thương làm cơ quan thường trực để làm việc kiến nghị với Chính phủ; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc giải quyết các tồn tại, vướng mắc.

Đến ngày 10/2/2025, Chủ đầu tư dự án thủy điện Bản Vẽ là EVNGENCO1 đã thống nhất bố trí 51 tỷ đồng để hỗ trợ tái định cư bổ sung; trong đó mức chi trên địa bàn huyện Tương Dương hơn 30,6 tỷ đồng để đầu tư bổ sung các hạng mục hạ tầng của khu tái định cư tại cụm Xốp Vi, bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh cho 69 hộ bổ sung (gồm đường giao thông ngoại bản, đường giao thông nội bản, cầu Khe Pông, hệ thống nước sinh hoạt, san nền nhà ở hộ dân); hỗ trợ đầu tư xây dựng mới khu tái định cư tại Bản Vẽ để di dời 19 hộ Khe Ò; Khe Chống ra khỏi vùng sạt lở (gồm đường giao thông nội khu, kè chắn đất chống sạt lở, rãnh thoát nước nội khu, hệ thống cấp điện).

Còn mức chi tại huyện Thanh Chương là hơn 20 tỷ đồng để đầu tư xây dựng mới Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, sân vận động và chợ nông thôn tại 2 xã tái định cư Ngọc Lâm, Thanh Sơn, riêng xã Ngọc Lâm được xây thêm 1 nhà văn hóa bản. Đây là các xã tái định cư đồng bào từ các địa phương của Tương Dương phải di dời để xây dựng thủy điện Bản Vẽ.

Để kịp thời xử lý các bất cập, các địa phương kể trên tập trung xử lý ngay khi nguồn vốn đã được bố trí; tránh gặp khó khăn về thẩm quyền, hồ sơ, tổ chức thực hiện khi không còn chính quyền cấp huyện, mà chuyển giao về các xã mới. Ngoài ra, các địa phương này cũng phải xử lý các vấn đề liên quan đến thủ tục đất đai cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Được biết Thủy điện Bản Vẽ là công trình thủy điện lớn nhất trên địa bàn Nghệ An, cũng như khu vực Bắc Trung Bộ có công suất 320MW, đập chính đặt tại Bản Vẽ, xã Yên Na, huyện Tương Dương. Tháng 4 và tháng 5/2010, lần lượt 2 tổ máy của Nhà máy thủy điện Bản Vẽ đã hoà lưới điện quốc gia cho sản lượng điện trung bình hàng năm đạt 1.012 triệu kWh.

Trịnh Duy Hưng (TTXVN)
Hồ thủy điện Bản Vẽ về gần mực nước chết
Hồ thủy điện Bản Vẽ về gần mực nước chết

Chiều 2/6, ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An) cho biết, sau nhiều đợt xả nước để chống hạn ở vùng hạ du, nước trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ ở huyện Tương Dương đã xuống mức báo động về gần mực nước chết.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN