Để phục vụ việc xây dựng Thủy điện Bản Vẽ, gần 3.000 hộ dân ở huyện Tương Dương đã phải di dời khỏi vùng lòng hồ. Tuy nhiên, theo văn bản số 1174/CV-NLĐK ngày 16/3/2005 của Bộ Công nghiệp về quy định bồi thường thiệt hại di dân tái định cư và quy hoạch tổng thể di dân tái định cư thủy điện Bản Lải (nay là thủy điện Bản Vẽ) thì các hộ chỉ được đền bù phần đất đai, tài sản dưới mức cốt ngập (dưới cao trình 200m), còn phần diện tích trên cốt ngập không được đền bù. Trong khi đó, người dân di dời về huyện Thanh Chương cách xa nơi ở cũ gần trăm km không thể quay về sản xuất. Mặt khác, phần lớn diện tích này đã được địa phương đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ. Vì vậy, về pháp lý, người dân đã được nhà nước giao đất nhưng trên thực tế người dân không được sản xuất canh tác.
Ông Lương Văn Quý, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An cho biết, năm 2000 gia đình ông được nhà nước giao chăm sóc 36 ha rừng theo Nghị định 163/1999NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2003, Thủy điện Bản Vẽ được xây dựng, gia đình ông cũng như nhiều hộ dân trong bản thuộc diện phải di dời. Phần ruộng vườn dưới mực nước ngập đều đã được đề bù nhưng phần trên mực nước ngập thì gia đình ông chưa được đền bù. Sau hơn 1 năm về nơi ở mới, do không có đất sản xuất, cuộc sống quá khó khăn nên gia đình ông quay trở về nơi cũ thì được biết 36 ha rừng của gia đình đã được đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ.
"Bây giờ khu vực Khe Hốc có 14 gia đình quay trở về, nhưng đất rừng đã được đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ và giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ quản lý. Ngoài việc chăn thả trâu bò thì các gia đình phải tận dụng một số diện tích đất ven khe, ven suối hoặc đất bán ngập để sản xuất, cuộc sống rất khó khăn", ông Quý chia sẻ.
Ông Lương Văn Tiến, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương, Nghệ An, nguyên cán bộ địa chính xã cho biết, sau khi có chủ trương giao đất giao rừng thì toàn xã Hữu Khuông có hơn 50 hộ được trích đo, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi dự án thủy điện Bản Vẽ được khởi công, các hộ phải di dời về tái định cư ở huyện Thanh Chương, một số khác di dời theo diện tự do. Trong đó, một số hộ dù không bị ngập nhưng cũng di dời theo cộng đồng làng bản đúng với chủ trương dự án nhưng do số diện tích này nằm trên mực cốt ngập nên các hộ cũng không được đền bù.
Theo thống kê của huyện Tương Dương, hiện nay, phần diện tích trên cốt ngập của người dân khoảng 4.300 ha; trong đó có khoảng 4.000 ha đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 937 hộ dân, trên 230 ha còn lại đã được trích đo bản đồ. Hiện nay, phần lớn diện tích đất trên cốt ngập đều đã đưa vào quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định 48/2014/QĐ của UBND tỉnh Nghệ An về quy hoạch 3 loại rừng.
Bà Lương Thị Thúy, Phó Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương cho biết, một số hộ dân dù được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định 163/199/NĐ-CP nhưng hiện nay vẫn chưa được nhà nước thu hồi hay đền bù. Thời gian qua, nhiều hộ dân lấy lý do, phần đất chưa được thu hồi nên đã quay về nơi cũ để sản xuất khiến công tác quản lý đất đai, an ninh trật tự của chính quyền sở tại gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tương Dương cho biết, trước những bất cập trong việc bồi thường di dân tái định cư Thủy điện Bản Vẽ, chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, đến nay những nội dung này vẫn chưa được giải quyết. Người dân được nhà nước giao đất nhưng nay chưa được thu hồi, bồi thường khiến cơ quan chức năng không có cơ sở bù trừ chênh lệch nơi đến nơi đi khiến quyền lợi người dân không được đảm bảo. Ngoài ra, những phần diện tích này cũng không thể giao cho các hộ dân trên địa bàn trong coi, quản lý vì về pháp lý diện tích này đã được nhà nước giao đất.
Cũng theo ông Hùng, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 64/2014/QĐ-TTg về chính sách đặc thù về di dân tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện; trong đó, quy định đối với trường hợp các hộ dân chuyển đến điểm tái định cư cách nơi sản xuất cũ từ 5km trở lên bị thu hồi đất thì được bồi thường về đất. Tuy nhiên, do Thủy điện Bản Vẽ xây dựng trước thời điểm trên nên không thể áp dụng.
Hiện, UBND huyện đã đề xuất với UBND tỉnh Nghệ An các phương án xử lý. Cụ thể, đối với diện tích trên cốt ngập của các hộ dân di dời theo cộng đồng làng bản thì lập hồ sơ thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng để có cơ sở bù trừ chênh lệch nơi đi, nơi đến như các hộ thuộc diện tái định cư dưới cốt ngập. Đối với phần diện tích đã được nhà nước giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nếu không được bồi thường, hỗ trợ về đất, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan có ý kiến bằng văn bản để huyện có cơ sở trả lời cho nhân dân và làm căn cứ để huyện thu hồi đất, thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trên cốt ngập, để giao cho các hộ dân sở tại quản lý theo quy định.