Đo độ mặn. Ảnh tư liệu: Tuấn Phi/TTXVN
Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Tiền Giang, trong những ngày tới, do trùng với kỳ triều cường giữa tháng Giêng nên độ mặn tại hầu hết trạm đo trên sông Tiền, hệ sông Soài Rạp và kênh Chợ Gạo có xu hướng tăng dần.
Trước dự báo tình hình xâm nhập mặn diễn biến bất thường trong mùa Khô 2024 - 2025, Tiền Giang đang khẩn trương triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống phù hợp, hiệu quả, bảo vệ sản xuất và đời sống người dân.
Trước mắt, các cống trong vùng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh phải đóng ngăn mặn, bảo vệ 37.000 ha đất sản xuất của các huyện, thành ven biển là: thành phố Gò Công, huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Chợ Gạo. Trong vùng dự án chỉ còn hai cống: Xuân Hoà và Rạch Chợ còn đang vận hành lấy nước ngọt khi có điều kiện (lấy gạn) để bổ cấp phục vụ chống hạn cho nội đồng. Hiện nay, mực nước trong nội đồng toàn vùng dao động trong khoảng 0,52 đến 0,59 m.
Đối với dự án Bảo Định và các cống ngăn mặn trên đường tỉnh 864 (giai đoạn 1), do nằm về phía thượng lưu, chưa bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nên các cống đang tranh thủ vận hành lấy ngọt bổ cấp vào nội đồng phục vụ sản xuất. Tuy vậy, các ngành chức năng, đặc biệt là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Công trình thủy lợi Tiền Giang đang tăng cường kiểm tra, theo dõi độ mặn trên hệ sông Tiền, sông Soài Rạp và kênh Chợ Gạo 24/24 giờ trong ngày để kịp thời đưa ra các giải pháp ứng phó phù hợp cũng như cảnh báo người dân khẩn trương áp dụng các khuyến cáo về phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, giảm nhẹ thiên tai trong mùa Khô 2024 - 2025.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men cho biết, trong vụ Đông Xuân 2024 - 2025, vùng dự án ngọt hóa Gò Công xuống giống được 20.675 ha, đạt 105,3% kế hoạch đề ra. Nhờ chủ động phân bố lịch thời vụ hợp lý theo hướng gieo sạ đồng loạt, né rầy, né hạn mặn gây hại, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ trà lúa Đông Xuân vốn vụ sản xuất chính trong năm nên đến nay, trà lúa chủ yếu qua giai đoạn dùng nước, đang làm đòng, trổ hoặc chín tới cho nên khả năng sẽ không bị ảnh hưởng và nông dân thu hoạch ăn chắc.
Đối với vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản phía Tây, vùng kiểm soát lũ, vùng Đồng Tháp Mười, trong đó có 24.585 ha sầu riêng, 15.832 ha mít và một số cây trồng chủ lực khác vốn mẫn cảm với độ mặn trong nước thì giải pháp ngành chức năng đưa ra là theo dõi sát, liên tục cập nhật diễn biến xâm nhập mặn và độ mặn trong nước để kịp thời đóng các cống ngăn mặn triệt để, không cho xâm nhập vào nội đồng.
Đồng thời, đúc kết kinh nghiệm phòng chống hạn mặn trong những năm trước, trước mùa Khô 2024 - 2025, các địa phương trong vùng: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành, Tân Phước, thị xã Cai Lậy dựa vào tình hình thực tế xây dựng phương án ứng phó phù hợp kết hợp ra quân làm thủy lợi nội đồng, nạo vét kênh mương trữ ngọt phục vụ tưới tiêu, khuyến cáo nông dân áp dụng các giải pháp chăm sóc phục hồi vườn cây một cách phù hợp, không để suy kiệt hoặc bị thiệt hại do thiên tai.
Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Tiền Giang, ngày 11/2, độ mặn cao nhất trên sông Tiền đo được tại công viên Lạc Hồng (thành phố Mỹ Tho) cách cửa sông khoảng 50 km là 0,10 g/l, tăng 0,04 g/l so với ngày hôm trước nhưng giảm 1,8g/l so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong ngày 11/2, trên hệ sông Soài Rạp và kênh Chợ Gạo, tại điểm đo Bến đò Xuân Đông (huyện Chợ Gạo), cách cửa sông khoảng 40 km, độ mặn cao nhất đo được là 0,29 g/l, giảm 0,13 g/l so với hôm trước và thấp hơn 2,51 g/l so với cùng kỳ năm trước.