Xi măng cần chiến lược xuất khẩu dài hơi

Không nên coi xuất khẩu xi măng chỉ là giải pháp tình thế để giải bài toán tồn kho mà cần coi đó là biện pháp phát triển bền vững, từ đó có chiến lược đầu tư thỏa đáng cho ngành xi măng.

Bốc dỡ clinker tại Công ty Xi măng Chinfon Hải Phòng. Ảnh: Tuấn Anh – TTXVN


TS Phạm Nguyên Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thương mại cho rằng: “Chúng ta không xuất khẩu (XK) bằng mọi giá, phải có chọn lọc và lộ trình. Tuy nhiên, một quốc gia muốn phát triển phải đẩy mạnh XK nhằm thu ngoại tệ, ổn định cung cầu. Đó cũng là động lực để thay đổi sản xuất bên trong, thúc đẩy sản xuất phát triển”.

Theo TS Minh, việc XK xi măng Việt Nam ra thị trường quốc tế còn nhiều khó khăn do chi phí vận tải lớn và việc hợp tác giữa các doanh nghiệp (DN) còn hạn chế. Do đó, cần có chiến lược và giải pháp dài hạn thì mới có thể tận dụng lợi thế của Việt Nam về XK xi măng.

Đầu tư cảng biển, vận tải

Là một DN xi măng gia nhập thị trường vào đúng thời điểm thị trường bất động sản suy giảm, chưa kể sự cạnh tranh gay gắt của thị trường trong nước do một loạt dây chuyền mới được đưa vào hoạt động dẫn tới dư thừa nguồn cung xi măng trong nước, Công ty CP Xi măng Hạ Long không tránh khỏi những khó khăn. Ông Lương Thanh Tùng, Phó TGĐ cho biết, công ty đã phải đẩy mạnh XK để tiêu thụ sản phẩm.

“Tận dụng lợi thế của nhà máy là có cảng xuất hàng riêng tiếp nhận được tàu 10.000 DWT đối với clinker (sản phẩm nung thiêu kết ở 1.450 độ C của đá vôi - đất sét và một số phụ gia) và 2.000 DWT đối với xi măng, công ty đã nghiên cứu và xuất sang các thị trường như Đài Loan (Trung Quốc), Indonesia, Malaysia; đồng thời nghiên cứu dòng sản phẩm đáp ứng tiêu chí về chất lượng nhằm khai thác triệt để các thị trường này. Năm 2014, công ty đã chiếm sản lượng 5% trong tổng số hơn 21 triệu tấn xi măng XK của cả nước”, ông Tùng cho biết.

Tuy nhiên, không phải DN nào cũng may mắn như Công ty CP Xi măng Hạ Long. Một khó khăn lớn hiện nay của các DN XK xi măng và clinker là chưa có cảng chuyên dụng, chưa có hệ thống logistics hợp lý cho sản phẩm xi măng. Phần lớn các nhà máy xi măng đều nằm xa các cảng biển nên các DN gặp khó khăn trong việc tìm đối tác vận chuyển hàng hóa với chi phí hợp lý.

Đại diện Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (đơn vị đã vận chuyển 1,8 triệu tấn xi măng XK trong năm 2014) đề xuất, hiện nay, Tập đoàn Dầu khí và Tập đoàn Điện lực có nhu cầu lớn nhập khẩu than từ Indonesia, trong khi các DN xi măng lại có nhu cầu XK lớn sang thị trường Philippines. Với gam tàu sử dụng tương đương, nếu có cơ chế trao đổi thông tin giữa các DN, kết hợp hàng hai chiều (xuất xi măng sang Philippines, nhập than từ Indonesia) thì sẽ mang lại hiệu quả cho cả hai bên, giảm giá cước.

Liên kết DN để tránh bị ép giá

Các DN XK xi măng hiện còn nhỏ lẻ, quy mô và mức độ tập trung không cao, lại ít kinh nghiệm về XK nên chưa có thị trường ổn định, chưa thể ký kết các hợp đồng dài hạn.

Ông Nguyễn Anh Quân, Trưởng phòng Quản lý thị trường và Chính sách bán hàng (Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam) kiến nghị, các bộ ngành, Hiệp hội xi măng cần tạo điều kiện để các DN XK xi măng có thể liên kết với nhau, tránh tình trạng các DN chạy đua XK, bán phá giá làm ảnh hưởng chung đến toàn ngành, đây cũng là cơ hội cho các khách hàng nước ngoài ép giá. Các DN cũng cần cởi mở thông tin về giá, đàm phán hợp đồng, năng suất, khách hàng để đem lợi ích chung cho cả ngành.

Ông Quân dẫn chứng, có thời điểm khi giá thị trường khu vực tăng 4 USD/tấn thì sản phẩm của Việt Nam chỉ tăng 1 USD. Ngược lại, khi giá thế giới giảm chỉ 0,5 USD thì giá của các DN nội lại xuống tới 2 USD. “Ngay bản thân đối tác đã từng nói rằng các nhà XK xi măng Việt Nam đang tự hại nhau chứ họ hoàn toàn không có ý làm giá”, ông Quân tiết lộ.

Năm 2010, Việt Nam bắt đầu XK xi măng và clinker. Đến năm 2014, kim ngạch XK xi măng, clinker đã đạt 912 triệu USD, tăng gấp 10 lần. Các thị trường XK xi măng chính là Bangladesh, Indonesia, Malaysia, Philippines...

Hiện nay, có 5 nhà XK xi măng chính gồm: Vissai, Phúc Sơn, Vicem, Hoàng Thạch và Cẩm Phả, hầu hết thông qua 3 nhà nhập khẩu chính là Biroute, Holcim và HC Trading. “Các thông số thị trường của các đơn vị đều giao thoa với nhau, nhà nhập khẩu chung, nếu không chia sẻ thông tin hoặc kết hợp với nhau thành nhóm thì chắc chắn các đối tác sẽ lợi dụng để làm giá”, ông Quân băn khoăn.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, ngoài việc tiết giảm chi phí sản xuất, các DN cần nắm bắt diễn biến thị trường xi măng thế giới để điều chỉnh kịp thời hoạt động sản xuất, tăng giảm nguồn cung để tránh bị ép giá, giữ giá bán ổn định.

Còn theo TS Phạm Nguyên Minh, trong đàm phán với đối tác nước ngoài, họ thường yêu cầu DN Việt phải giữ giá ổn định trong thời gian từ 6 tháng - 1 năm. Nhưng với sự biến động của giá điện, giá than thì việc giữ giá ổn định rất khó. Nhà nước cần điều chỉnh giá nguyên liệu đầu vào hợp lý để DN dựa vào đó quyết định giá XK ổn định.

Hoàng Dương

Đồng hành cùng đội bóng đá xi măng Fico Tây Ninh
Đồng hành cùng đội bóng đá xi măng Fico Tây Ninh

Công ty Cổ phần Bóng đá Tây Ninh vừa tổ chức lễ ký kết tài trợ và xuất quân tham gia giải hạng Nhì Quốc gia năm 2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN