Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Vũ Văn Tám, ngành cà phê đang gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là về vốn. Trong bối cảnh đó, Bộ đã trình Chính phủ xem xét bổ sung mặt hàng cà phê thuộc đối tượng được gia hạn thời gian vay vốn tối đa từ 12 lên 36 tháng đối với các khoản vay tín dụng xuất khẩu.
Nợ xấu lên đến 6.330 tỷ đồng
Bộ NN&PTNT cho biết, trong những năm qua, ngành cà phê có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, hàng năm mang về cho quốc gia một nguồn ngoại tệ lớn. Không chỉ vậy, ngành này còn góp phần ổn định tình hình an ninh, chính trị những địa bàn vùng núi, đặc biệt là Tây Nguyên. Năm 2012, xuất khẩu cà phê đạt kỷ lục với 1,73 triệu tấn, trị giá 3,67 tỷ USD. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm, cà phê là mặt hàng có mức giảm về xuất khẩu nhiều nhất. Khối lượng cà phê xuất khẩu trong 6 tháng chỉ đạt 795.000 tấn, kim ngạch đạt 1,71 tỷ USD, giảm trên 24% về lượng và trên 22% về giá.
Việc giãn nợ sẽ góp phần tạo cơ hội cho ngành cà phê tiếp tục phát triển. Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN |
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cũng cho biết, do thiếu vốn nên 2 năm qua, các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, trung bình là 17%/năm. Do đó, các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu cà phê trong nước khó cạnh tranh được với các doanh nghiệp nước ngoài. Một số doanh nghiệp đầu tư lớn ở các năm trước nay đang đứng trước nguy cơ phá sản do thiếu thanh khoản. Thực trạng này cũng đẩy người nông dân vào tình cảnh khó khăn do không bán được cà phê tươi.
Theo Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam, dư nợ xấu vay ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam của các doanh nghiệp cà phê hiện vào khoảng 6.330 tỷ đồng (chưa bao gồm các khoản nợ vay ngân hàng thương mại của các đại lý thu mua cà phê, các hộ kinh doanh cá thể, các công ty thu mua và một số doanh nghiệp cà phê khác).
Tại Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu các dự án vay vốn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, có xem xét gia hạn vay vốn tối đa từ 12 tháng lên 36 tháng đối với các mặt hàng: thủy sản, rau quả, nhưng không có mặt hàng cà phê.
Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Bộ này cũng đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận về nguyên tắc cho phép mặt hàng cà phê được áp dụng chính sách kéo dài thời gian vay vốn tín dụng xuất khẩu tối đa lên 36 tháng. Đối tượng áp dụng là những doanh nghiệp thực sự có hàng xuất khẩu có khó khăn về tài chính.
Cần hệ thống tín dụng vào cuộc
Theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, trong tổng số khoản nợ 6.330 tỷ đồng thì nợ quá hạn của các doanh nghiệp ngành hàng này tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ chiếm khoảng 11%. Dư nợ cho vay tín dụng xuất khẩu đối với mặt hàng cà phê tại ngân hàng này đến 31/5/2013 là 696 tỷ đồng. Điều đáng nói là toàn bộ số nợ này đều là nợ quá hạn và tập trung chủ yếu ở hai doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước, gồm: Công ty cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Tây Nguyên và Công ty cổ phần Tập đoàn Thái Hòa. Dư nợ tín dụng xuất khẩu của hai doanh nghiệp này là 392 tỷ đồng, chiếm 56% tổng dư nợ tín dụng cho vay để xuất khẩu cà phê tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Thời hạn cho vay đối với mặt hàng cà phê thường từ 4- 6 tháng tùy thuộc vào hợp đồng xuất khẩu. Tuy nhiên, theo chu kỳ kinh doanh, có giai đoạn giá xuất khẩu cà phê xuống thấp nên các doanh nghiệp có xu hướng găm hàng đợi giá lên hoặc bán ngay trong nước để giảm lỗ. Như vậy, các doanh nghiệp có nhu cầu kéo dài thời hạn cho vay tín dụng xuất khẩu.
Tuy nhiên, do nợ quá hạn tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam chỉ chiếm 11% nên nếu chỉ gia hạn nợ vay tại ngân hàng này thì cũng không giải quyết được triệt để khó khăn về vốn đối với ngành hàng cà phê. Vì vậy, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ giao cho Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp hỗ trợ để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh cà phê.
Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng cho biết, chính sách ưu đãi về thuế, phí, đất đai đối với mặt hàng nông sản (trong đó có cà phê) và sản xuất nông nghiệp đã được quy định ở mức tối đa. Do đó, việc bổ sung thêm chính sách ưu đãi cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh vi phạm các cam kết quốc tế.
Huyền Tím - Minh Phương