Diện tích cà phê già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh ở các tỉnh Tây Nguyên ngày một tăng, khoảng trên 100.000 ha. Thực trạng này không chỉ khiến cho nhiều nông hộ, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cà phê gặp khó khăn, mà còn đe dọa đến sự ổn định của ngành cà phê Việt Nam. Do đó, việc đầu tư nguồn vốn cho vùng Tây Nguyên để tái canh cây cà phê là hết sức cấp thiết.
Người dân Gia Lai chăm sóc cây cà phê. Ảnh: baogialai.com |
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông- lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện các tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum) có trên 100.000 ha cà phê “lão hóa” hết chu kỳ kinh doanh (từ 20 đến 25 năm trở lên), trong đó tập trung nhiều nhất tại Đắk Lắk và Lâm Đồng. Đây cũng là hai địa phương có diện tích, sản lượng cà phê lớn nhất nước.
Cây “lão hóa”, năng suất giảm
Các tỉnh Tây Nguyên hiện có trên 551.670 ha cà phê, sản lượng mỗi năm đạt từ 1,2 triệu tấn nhân trở lên, chiếm trên 90% diện tích, sản lượng cà phê của cả nước. Cây cà phê “lão hóa” khiến năng suất mỗi năm một giảm. Trong vài năm trở lại đây, năng suất cà phê trung bình toàn vùng chỉ đạt từ 1,8 đến 2 tấn cà phê nhân/ha. Những diện tích cà phê “lão hóa” chỉ đạt từ 4 đến 7 tạ cà phê nhân/ha. Tại "vương quốc" cà phê Đắk Lắk, niên vụ 2011 - 2012, năng suất bình quân đạt 2,66 tấn cà phê nhân/ha, nhưng đến niên vụ 2012 - 2013 chỉ đạt trên 2 tấn cà phê nhân/ha, trong đó, diện tích cà phê “lão hóa” chỉ đạt 4 đến 5 tạ cà phê nhân/ha.
Theo các nhà khoa học, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng diện tích cà phê hết chu kỳ kinh doanh, già cỗi tăng nhanh là do các tỉnh Tây Nguyên khai thác tối đa, “vắt kiệt” tiềm năng của cây cà phê để có năng suất cao. Trong khi đó, vườn cây cà phê lại thiếu cây che bóng, chắn gió, đầu tư thâm canh không đúng quy trình. Điều đáng nói hơn, trên 80% diện tích cà phê của Tây Nguyên là do các nông hộ tự gieo ươm trồng bằng hạt nên cây nhanh còi cọc sau khi đưa vào khai thác...
Đắk Lắk là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê nhiều nhất nước, với trên 202.000 ha và sản lượng mỗi năm đạt từ 450.000 tấn cà phê nhân trở lên. Cà phê là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của tỉnh Đắk Lắk (chiếm trên 80% giá trị kim ngạch xuất khẩu), tạo việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 lao động gián tiếp liên quan đến cây cà phê. Hiện tại và trong nhiều năm tới, cây cà phê vẫn có vai trò hết sức quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, qua thống kê, Đắk Lắk có trên 51% diện tích cà phê có độ tuổi trên 15 năm trở lên, trong đó có trên 50.000 ha già cỗi, hết chu kỳ kinh doanh (20 năm tuổi trở lên), hoặc chưa hết chu kỳ kinh doanh nhưng đã bị thoái hóa làm cho năng suất, chất lượng vườn cây thấp, cần phải tái canh lại.
Lâm Đồng là địa phương có diện tích, sản lượng cà phê đứng thứ hai trong cả nước, với 145.700 ha, sản lượng mỗi năm đạt từ 360.000 tấn cà phê nhân trở lên. Từ nay đến năm 2015, Lâm Đồng sẽ có trên 50.651 ha cà phê hết chu kỳ kinh doanh cần phải tái canh. Tỉnh Đắk Nông cũng có trên 24.685 ha cà phê già cỗi...
Tái canh phải đúng kỹ thuật
Niên vụ 2011 - 2012, Việt Nam xuất khẩu gần 1,6 triệu tấn cà phê nhân, kim ngạch đạt gần 3,4 tỷ USD. Riêng 4 tháng đầu năm 2013, khối lượng cà phê xuất khẩu ước đạt 608.000 tấn, tương đương 1,3 tỷ USD. Giá cà phê xuất khẩu bình quân quý I/2013 đạt 2.165 USD/tấn, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông - lâm nghiệp Tây Nguyên, thực tế cho thấy, diện tích cà phê già cỗi tuy không có triệu chứng bị vàng lá rõ rệt nhưng khi nhổ đi để trồng lại thì cây cà phê mới lại có hiện tượng vàng lá, rễ cọc, rễ tơ bị thối sau 2 - 3 năm trồng, hoặc phát triển kém, sau đó chết dần.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học xác định, nguyên nhân chính khiến cà phê chết sau tái canh là do tuyến trùng Pratylenchus coffeae và hai loại nấm Fusarium solani, Fusarium oxysporum gây hại. Do vậy, Viện khuyến cáo các nông hộ, các doanh nghiệp khi tái canh cà phê vối cần thực hiện nghiêm túc quy trình sau: Nhổ bỏ cây cà phê già cỗi, thu gom, đưa toàn bộ thân, cành, rễ ra khỏi vườn cây; tổ chức luân canh từ 2 đến 4 năm bằng việc trồng những loại cây không phải ký chủ của tuyến trùng như cây ngô, đậu đỗ các loại, bông vải...; sau đó mới tiến hành tái canh cà phê.
Hiện Tây Nguyên có nhiều mô hình tái canh cà phê thành công khi áp dụng quy trình: Thu gom rễ, luân canh từ 3 đến 4 năm. Cụ thể, Công ty Cà phê Ea Pốk (Đắk Lắk) đã luân canh liên tục trong 3 năm liền trên diện tích 100 ha cà phê cũ hết chu kỳ kinh doanh. Toàn bộ diện tích cà phê tái canh này hiện cho năng suất từ 3 tấn cà phê nhân/ha trở lên. Hàng loạt các công ty cà phê của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam như Ea Tiêu, Ea H’Nin, Ea Sim (nằm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk), Ia Grai, Ia Sao1, Ia Sao2 (nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai) cũng đã thực hiện tái canh thành công trên 600 ha cà phê theo đúng quy trình.
Huyền Tím - Quang Huy